Những dấu hiệu nhắc mẹ phải đổi sữa cho con
(Giúp bạn)Nổi ban, tiêu chảy, chậm lên cân… là những triệu chứng đặc trưng khi bé bị dị ứng sữa. Theo bác sĩ Đặng Thu Hiền (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), mẹ chỉ nên đổi sữa khi sữa hiện dùng khiến bé rối loạn tiêu hóa (nôn trớ, táo bón, phân lỏng…) và không hỗ trợ giúp bé tăng cân.
- 1
Dấu hiệu bé dị ứng sữa:
1. Tiêu chảy
Tiêu chảy là dấu hiệu dễ gặp ở các bé. Tuy nhiên, nếu tiêu chảy liên tục (5-7 lần/ngày), phân có lẫn máu thì có thể là dấu hiệu nghiêm trọng của dị ứng sữa
2. Nôn trớNôn trớ và khó khăn khi nuốt cũng có thể là triệu chứng của dị ứng sữa.
3. Nổi ban
Có nhiều nguyên nhân nổi ban ở bé như chứng chàm bội nhiễm. Dị ứng sữa cũng gây nổi ban, nhất là khi nổi ban đi kèm với tiêu chảy và nôn trớ.
4. Hay quấy khóc
Khóc là dấu hiệu đặc trưng ở các bé nhưng khóc liên tục, khóc trong thời gian dài thì có thể là bất thường. Nếu không có lý do rõ ràng thì hay quấy khóc có thể vì bé bị đau bụng. Một số trường hợp, quấy khóc thường xuyên là do bé bị đau dạ dày – kết quả của dị ứng protein có trong sữa.
5. Chậm hoặc không lên cân
Phần lớn các bé tăng gấp đôi trọng lượng trong vòng 6 tháng đầu, gấp 3 trong vòng 12 tháng đầu tiên. Nhưng nếu không nhận đủ dinh dưỡng do bị tiêu chảy, nôn trớ liên tục thì bé sẽ không thể tăng cân theo chuẩn.
6. "Xì hơi"
“Xì hơi” là hiện tượng thường gặp ở các bé. Nếu “xì hơi” nhiều, xuất hiện kèm các triệu chứng khác thì có thể bé đang bị dị ứng protein có trong sữa.
7. Vấn đề về hô hấp
Cảm lạnh là chứng bệnh có thể gặp ở nhiều bé. Tuy nhiên, nếu bé khò khè, khó thở, chảy nước mũi liên tục thì có thể không phải do cảm lạnh. Với một số bé, vấn đề ở hệ hô hấp có thể do phản ứng với protein trong sữa.
8. Kém bú, yếu ớt
Bé bị dị ứng sữa sẽ thiếu năng lượng, dễ bị mất nước, kém bú, ít vận động.
- 2
Một vài kinh nghiệm khi chọn đổi sữa cho con:
Vấn đề không phải ở nhãn hiệu hay giá tiền, loại nào hợp với con bạn nhất, loại đó tốt nhất. Đó là lời khuyên từ bác sĩ Đặng Thu Hiền.
Hầu hết các sản phẩm sữa cùng chủng loại có giá trị dinh dưỡng và thành phần tương đương nhau. Có bé dùng sữa A thấy rất tốt, người mẹ khác thấy vậy cũng mua cho con mình thì chưa chắc đã tốt vì mỗi cơ thể có khả năng tiêu hóa, hấp thu khác nhau, mỗi bé có khẩu vị, sự vận động, bệnh lý khác nhau. Vì vậy, sữa tốt nhất là loại sữa phù hợp với đứa con của mình nhất.
Khi đổi loại sữa cho bé, mẹ cần chú ý xem bé có phản ứng với sữa không như là bị táo bón, hay nôn trớ… Và ít nhất là sau 2 tuần uống sữa thì thì mẹ mới biết được con có hợp với loại sữa đó hay không.
Điều quan trọng là mẹ cần biết rõ là những trục trặc của bé là do sữa, do nước hay do thức ăn đặc không phù hợp với cơ thể bé. Nếu mẹ đã thay đổi hai, ba loại sữa mà vẫn chưa hài lòng thì hãy nghĩ đến những nguyên nhân khác như cơ thể bé không hợp với sữa bò… và nên hỏi lời khuyên của các bác sỹ.
Đối với các bé, mẹ không nên đổi thường xuyên các loại sữa. Vì cơ thể bé cần có thời gian để thích nghi với các loại sữa. Mỗi loại sữa có thể tự tạo ra những môi trường vi sinh đường ruột khác nhau. Nếu mẹ đổi sữa liên tục cho con có thể sẽ làm thay đổi các hệ vi sinh đó, làm ảnh hưởng vấn đề tiêu hóa hấp thu sữa và các loại thức ăn khác.
Khi đổi loại sữa cho bé (đổi từ sữa số bé sang số lớn của cùng một loại sữa, hoặc thay đổi hẳn loại sữa), mẹ nên thay đổi từ từ để bé dễ thích nghi. Ví dụ, nếu một ngày bé uống 3 bữa sữa, mẹ có thể thay bằng 2 bữa sữa cũ + 1 bữa sữa mới. Sau khoảng 3 - 4 hôm, mẹ có thể thay bằng 1 bữa cũ + 2 bữa mới. Sau 1 tuần, mẹ có thể thay thế hoàn toàn loại sữa mới cho bé.