Những thực phẩm quen thuộc dễ gây dị ứng cho gia đình bạn

14:35 09/12/2015

(Giúp bạn) - Có nhiều loại thực phẩm chúng ta hay ăn hàng ngày lại là nhân tố gây nên dị ứng ở bạn, bởi do hệ miễn dịch và cơ địa yếu mà bạn hết sức chú ý nhé!

Một số biểu hiện của dị ứng như da ngứa, tấy đỏ, sưng tấy; hệ tiêu hóa có hiện tượng đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, ngứa và sưng khoang miệng; tại đường hô hấp thì ngứa, sưng mũi và họng, hen; ở mắt bị ngứa và sưng; tại hệ tim mạch thì đau ngực, loạn nhịp tim, tụt huyết áp gây ngất choáng, thậm chí bị bất tỉnh.

Phản ứng dị ứng thực phẩm thông thường xảy ra trong một vài phút đến một giờ sau khi ăn thức ăn. Các biểu hiện có thể kéo dài hàng ngày đến vài tuần.

1. Trứng


Trứng là nguyên nhân hay gặp gây dị ứng thức ăn ở trẻ nhỏ, khoảng 1,5% các bé dị ứng với trứng gà. Tình trạng này ít gặp ở người trưởng thành, 80% trẻ thoát khỏi dị ứng trứng khi lên 6 tuổi.

Phần lớn các protein gây dị ứng nằm trong lòng trắng, trong khi protein lòng đỏ ít gây dị ứng hơn. Do sự tương đồng giữa protein trứng gà và các loại trứng khác, người dị ứng trứng gà thường dị ứng với trứng vịt, trứng ngan... Sử dụng thịt gà thịt vịt không gây rắc rối gì.

Dị ứng trứng thường gây biểu hiện ngoài da (viêm da, mày đay) và tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn, nôn). Phản ứng ngoài da đầu tiên có thể xuất hiện chỉ vài phút sau khi dùng trứng, trong khi các biểu hiện tiêu hóa thường rất khác biệt về thời điểm xuất hiện, độ nặng và mức độ kéo dài. Sốc phản vệ và phản ứng hô hấp (khó thở, ho, lên cơn hen) sau ăn trứng cũng đã được ghi nhận.

Nhiệt độ cao không làm giảm khả năng gây dị ứng của trứng.

2. Sữa bò


Sữa bò là thủ phạm chính gây dị ứng thức ăn ở trẻ nhỏ. Khoảng 2-3% các bé dị ứng với sữa. Rất may khi lên 6 tuổi, 90% số trẻ này tự khỏi.

Dị ứng sữa bò liên quan tới phản ứng miễn dịch chống lại một trong hai hoặc cả hai protein của sữa là casein và protein huyết thanh (whey protein). Các protein này cũng có mặt trong sữa của động vật có vú khác, vì vậy bé dị ứng sữa bò thường cũng dị ứng với sữa dê, sữa cừu.

Dị ứng với protein sữa bò thường gây biểu hiện ngoài da (ban đỏ, mày đay, viêm da, chàm), triệu chứng tiêu hóa (đau bụng, rối loạn tiêu hóa), và hô hấp (khó thở, hen) ngay trong giờ đầu sau khi sử dụng.

Trường hợp dị ứng nặng có thể gây sốc phản vệ, nguy cơ tử vong cao. Trên lâm sàng, dị ứng sữa bò thường bị nhầm với không dung nạp sữa bò, một bệnh lý có nguyên nhân di truyền, do thiếu men tiêu hóa đường lactose.

Dị ứng sữa bò làm tăng nguy cơ dị ứng với các thức ăn khác cũng như dị ứng ở mũi. Có tới 10% trẻ dị ứng sữa bò sẽ phản ứng với thịt bò.

3. Tôm, cua


Di ứng với hải sản có vỏ cứng như tôm cua thường xuất hiện ở trẻ lớn và người lớn, nhất là ở những vùng người dân hay ăn tôm cua. Người dị ứng với tôm cua cũng thường dị ứng với các loài nhuyễn thể như trai, sò, ốc, hến, ngao, mực, bạch tuộc...

Triệu chứng dị ứng bao gồm phản ứng cục bộ nhẹ ở miệng (ngứa miệng, họng) tới phản ứng toàn thân, đe dọa tính mạng. Đôi khi có thể có biểu hiện đường tiêu hóa và hô hấp.

Nhiệt độ cao không làm giảm tính dị ứng của nhóm thực phẩm này, vì vậy người dị ứng cần tránh tất cả các loại tôm cua.

4. Cá


Dị ứng cá thường bắt đầu ở tuổi trưởng thành, người bị dị ứng hiếm khi tự thoát khỏi tình trạng này. Bệnh hay gặp ở nơi người dân hay ăn cá.

Tuy cá hết sức đa dạng, thành phần gây dị ứng chính của tất cả các loại cá là protein parvalbumin. Những người phản ứng với một loại cá thường cũng dị ứng với các loại cá khác.

Dị ứng cá thường gây biểu hiện ngoài da và tiêu hóa, xuất hiện ngay sau khi ăn. Đôi khi có thể có phản ứng toàn thân, bao gồm cả sốc phản vệ.

Nhiệt độ cao không làm phá hủy tính dị ứng của parvalbumin, vì vậy tránh ăn cá là biện pháp duy nhất để phòng ngừa.

5. Lạc


Lạc có thể gây dị ứng mạnh ngay trong lần sử dụng đầu tiên. Triệu chứng ngứa ran ở môi khi tiếp xúc với lạc là dấu hiệu cảnh báo của phản ứng mạnh có thể xảy ra. Trong một số ít trường hợp, chỉ cần hít phải mùi lạc hoặc tiếp xúc da tối thiểu, thậm chí là hôn nhau cũng có thể dẫn tới dị ứng lạc.

Biểu hiện lâm sàng của dị ứng lạc có thể gồm dị ứng ở miệng (ngứa miệng và họng) hay khó thở (hen), thậm chí là sốc phản vệ. Trong tất cả các loại dị ứng thức ăn, dị ứng với lạc thường có biểu hiện nặng nề nhất.

Comments