Nói lắp có di truyền không?
(Giúp bạn)Nói lắp là một rối loạn phát âm với các nét đặc trưng như lặp lại kéo dài các âm, các vần hay các từ hoặc do dự khi nói...
Hỏi:
Nguyên nhân nói lắp có liên quan đến di truyền không? - Trần Văn Ba (Hải Phòng).
BS Nguyễn Minh Tuấn, Viện Sức khoẻ Tâm thần T.Ư trả lời trên báo Kiến thức cho biết: "Nói lắp là một rối loạn phát âm với các nét đặc trưng như lặp lại kéo dài các âm, các vần hay các từ hoặc do dự khi nói hay đang nói dừng lại làm cho nhịp phát âm bị rối loạn".
Trong đó, nhân tố di truyền có vai trò nhất định trong nguyên nhân nói lắp. Trong số các con của nhưng người nói lắp có 20% con trai và 10% con gái cũng nói lắp. Đặc điểm nhân cách như lo lắng, dễ bất toại, tự ti... cũng là một trong nguyên nhân gây ra nói lắp. Không hòa hợp giữa cha mẹ và con cái, hoàn cảnh chia ly như đổi chỗ ở hay vào nội trú cũng là một yếu tố thuận lợi cho nói lắp.
Khi trẻ bị nói lắp cha mẹ các cháu phải chú ý để sửa cho các bé
BS. Từ Tấn Tài - Chuyên khoa Tai-Mũi-Họng - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa trả lời trên báo Sống khỏe về cách chữa tật nói lắp.
Nói lắp (hay còn gọi là nói cà lăm) là một tật do rối loạn ngôn ngữ, trong đó có sự ấp úng khi nói khiến các từ phát ra chậm, kéo dài hoặc các từ được lặp đi, lặp lại. Nói lắp thường gặp ở các bạn nam nhiều hơn các bạn nữ, ở người thuận tay trái nhiều hơn người thuận tay phải. Chứng nói lắp cũng có tính di truyền. Nguyên nhân của nói lắp hiện nay vẫn chưa rõ.
Một vài giả thuyết cho rằng có thể nói lắp là do tổn thương nào đó ở vùng ngôn ngữ của não. Nhưng có nhiều ý kiến đề cập đến yếu tố tâm lí trong việc nói lắp vì người ta thường nói lắp khi tâm trạng căng thẳng, hồi hộp hay lo lắng, run sợ... hoặc vì tò mò, thích bắt chước người khác nói lắp, hoặc thường tiếp xúc với những người nói lắp nên tiếp thu phải những ám thị không tốt, kết quả tự mình dần dần cũng biến thành nói lắp. Bị quở phạt hay uy hiếp quá mức, hoặc tinh thần bị tổn thương mà gây nên nói lắp.
Cách chữa nói lắp
Điều trị bằng cách luyện tập: Nhiều chuyên gia tâm lý chuyên chữa trị tật nói lắp cho thanh thiếu niên và người lớn thường tập trung vào các biện pháp giúp bệnh nhân giảm thiểu tối đa tình trạng lắp bắp, chẳng hạn như nói chậm, điều chỉnh nhịp thở, luyện tập nói suôn sẻ từ những câu phát âm đơn giản cho đến những câu nói phức tạp hơn. Hầu hết những bài tập này cũng đồng thời giúp người nói lắp giảm lo âu trong những hoạt động dễ gây căng thẳng như giao tiếp với mọi người hoặc nói trước đám đông.
Dùng thuốc: Ủy Ban Thực Phẩm và Thuốc Men Hoa Kỳ (FDA) chưa xác nhận bất kỳ loại thuốc nào dành cho việc điều trị nói lắp. Tuy nhiên, đã có những trường hợp chữa nói lắp bằng các loại thuốc chống động kinh, thuốc chống trầm cảm hoặc giảm lo âu. Tuy nhiên, những loại thuốc này có tác dụng phụ và đều được khuyến cáo không nên sử dụng lâu dài.
Trong một nghiên cứu gần đây của NIDCD, các nhà khoa học đã chứng minh rằng liệu pháp dùng thuốc gần như không có tác dụng trong việc cải thiện tật nói lắp. Tham gia các nhóm tự giúp: Đã có nhiều trường hợp người nói lắp tự khắc phục được tật của mình nhờ tham gia các đội nhóm nhằm tự chữa cho mình.
Các nhóm tự giúp – thường gồm những người đồng cảnh ngộ hoặc có kinh nghiệm về tật nói lắp – thường xuyên có nhiều hoạt động chia sẻ thông tin, kinh nghiệm bổ ích và hỗ trợ, động viên các thành viên vượt qua tật nói lắp của bản thân.
Điều trị tật nói lắp ở trẻ em: Đối với trẻ em, việc can thiệp điều trị là vô cùng quan trọng, để trẻ không chỉ sớm khắc phục được tật nói lắp, mà còn để các em không phải gặp khó khăn lâu dài với chứng tật đầy bất lợi này khi lớn lên.
Tr.Tuyển
Theo GDVN