Phụ nữ cho con bú và bà bầu có nên uống thuốc tẩy giun?

15:26 14/04/2015

(Giúp bạn)Phụ nữ cho con bú và bà bầu cần thận trọng khi uống thuốc tẩy giun và nắm rõ các loại thuốc an toàn hoặc nguy cơ xấu có thể xảy ra.

Phụ nữ cho con bú có được dùng thuốc tẩy giun?

Trả lời trên Báo Tuổi trẻ Online, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức cho biết, phụ nữ đang cho con bú phải thận trọng khi dùng thuốc bởi các thuốc có tác dụng toàn thân (tức uống hay tiêm) khi dùng cho mẹ đang cho con bú đều bài tiết qua sữa, hoặc ít hoặc nhiều, có thể gây hại cho con. Khi bắt buộc phải dùng thuốc mà thuốc đó qua sữa có thể gây hại cho trẻ, bà mẹ phải chấp nhận ngưng cho con bú trong một khoảng thời gian mà sự an toàn cho con yêu cầu.

Riêng thuốc xổ (tẩy) giun thông dụng hiện nay cho tác dụng tại chỗ (diệt giun tại đường tiêu hóa) rất ít hấp thu vào máu, nhưng vẫn được chống chỉ định (tức không dùng) cho phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú. Việc dùng thuốc tẩy giun ở phụ nữ cho con bú có thể xảy ra một trong ba trường hợp.

1. Tẩy giun định kỳ

Bởi vì tỉ lệ nhiễm giun (đặc biệt giun đũa) ở nước ta rất cao, như ở miền Bắc có nơi tỉ lệ nhiễm đến 86-98%, nên có việc tẩy giun định kỳ. Đối với phụ nữ cho con bú, có lời khuyên không nên uống thuốc tẩy giun khi chỉ nghi ngờ trong thời gian cho con bú, khi nào bé được cai sữa mới nghĩ đến việc tẩy giun định kỳ.

2. Dùng thuốc tẩy giun khi xác định bị nhiễm

Cần lưu ý, để xác định có nhiễm giun hay không phải làm xét nghiệm. Nhưng có trường hợp phụ nữ cho con bú phát hiện mình bị nhiễm giun kim qua việc quan sát phân, nếu muốn tẩy giun thì người mẹ ngay sau thời gian dùng thuốc tẩy giun phải ngưng cho bé bú khoảng hai ngày để thuốc có thời gian đào thải hết.

-1

3. Nhiễm giun sán đặc biệt

Ở ta không chỉ nhiễm giun mà còn nhiễm sán. Phụ nữ cho con bú có thể được bác sĩ phát hiện bị nhiễm giun sán đặc biệt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Như nhiễm sán lá lớn ở gan (Fasciola sp.) gây apxe gan, nhiễm sán lá phổi (Paragonimus westermani) gây apxe phổi, nhiễm giun Gnathostoma, nhiễm sán dải bò (Taenia saginata)...

Hiện nay còn có tình trạng phụ nữ cho con bú có thể bị nhiễm bệnh giun lạc chủ, hay gọi tổng quát hơn là bệnh ký sinh trùng lạc chủ. Vì người là ký chủ tình cờ nên ấu trùng không phát triển thành giun mà đi lang thang trong các mô (da, não, phổi...) gây hội chứng ấu trùng di chuyển (larva migians) gây khổ sở cho người bệnh.

Đương nhiên khi bị các bệnh giun sán đặc biệt này, nhất là bị bệnh ký sinh trùng lạc chỗ, người bệnh trong đó có phụ nữ cho con bú cần được bác sĩ khám và chữa trị. Do đó, nếu người mẹ nhiễm giun sán đặc biệt phải chấp nhận ngưng cho con bú trong suốt thời gian trị bệnh.

Bà bầu có nên uống thuốc tẩy giun?

Theo Sức khỏe và Đời sống, hiện có khoảng 2 tỷ người nhiễm giun sán với 300 triệu người bị ảnh hưởng nặng nề. Phụ nữ có thai chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Nhiễm giun sán kéo dài có thể gây suy dinh dưỡng, thiếu sắt, thiếu máu, các bệnh lý ở gan, phổi...

Trước đây, việc dùng các thuốc tẩy giun và sán ở phụ nữ có thai được coi là không thể, do những nghi ngại về tính an toàn cũng như lợi ích của việc điều trị đối với bà mẹ và thai nhi.

Tuy nhiên, thuốc Praziquantel lại được xếp vào nhóm B trong danh mục các thuốc sử dụng cho phụ nữ có thai (an toàn ở động vật thực nghiệm nhưng cần thận trọng ở người). Thuốc này đã được nghiên cứu thử nghiệm trên cả người và động vật để đánh giá tính an toàn đối với thai nghén, nhưng không tìm thấy các bằng chứng gây quái thai.

-2

Với Mebendazol, một loại thuốc tẩy giun đang được dùng rất phổ biến, cũng được thử nghiệm với liều 100 mg/ngày trong 3 ngày liên tiếp cho phụ nữ có thai, kể cả những người có thai 3 tháng đầu. Kết quả là không tìm thấy những bất thường của thai nghén. Như vậy, ở liều điều trị thông thường, mebendazol được coi là an toàn với thai nghén ở người.

Albendazol là một dẫn xuất của nhóm benzimidazol, có khả năng gây quái thai ở động vật khi sử dụng liều cao. Nhưng trong một số nghiên cứu ở người, thuốc tỏ ra an toàn đối với thai nghén khi dùng ở liều thông thường.

Với một số thuốc tẩy giun sán khác như levamisol, pyrantel, hiện chưa có đủ thông tin về tính an toàn đối với phụ nữ mang thai.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, phụ nữ có thai nhiễm giun sán nặng nên tẩy bằng thuốc praziquantel, mebendazol hoặc albendazol vì lợi ích thu được lớn hơn nguy cơ, nhưng nên chờ đợi qua 3 tháng đầu của thai kỳ.

Thùy Linh

Nên đọc
-3 Cách phòng ngừa nhiễm giun ở trẻ
-4 Thuốc điều trị giun sán
-5 Nhiễm giun lươn
-6 Thực phẩm hàng ngày tiềm ẩn nguy cơ giun sán cao nhất

Theo GDVN

Comments