Suy dinh dưỡng trẻ em

15:16 14/04/2015

(Giúp bạn)Biểu hiện sớm của suy dinh dưỡng là trẻ chậm lớn, tăng cân kém. Theo dõi biểu đồ phát triển cho thấy cân nặng của trẻ suy dinh dưỡng bao giờ cũng giảm hơn so với cân nặng của trẻ bình thường cùng lứa tuổi.

Nguyên nhân suy dinh dưỡng ở trẻ

- Do sai lầm về nuôi dưỡng: Chế độ ăn của trẻ thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng như nuôi nhân tạo bằng nước cháo đường, ăn bổ sung sớm bằng bột mắm, muối, mì chính. Một số trẻ sau khi cai sữa, khẩu phần ăn chủ yếu là gạo, ít thức ăn động vật, dầu, mỡ, vitamin và chất khoáng.

-1

- Do nhiễm khuẩn: Hậu quả của các bệnh nhiễm khuẩn như sởi, tiêu chảy, viêm phổi, lao, giun sán... làm cho trẻ kém ăn chậm lớn.

- Nguyên nhân sâu xa cũng cần phải kể đến dịch vụ y tế, môi trường, an ninh thực phẩm cho các hộ gia đình chưa đầy đủ.

Thực tế lâm sàng và dịch tễ học cho thấy những trẻ 6-18 tháng tuổi bắt đầu ăn bổ sung và giảm dần bú sữa mẹ; trẻ sinh ra có cân nặng thấp dưới 1.500g; trẻ không được bú sữa mẹ trong năm đầu; trẻ thường xuyên bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, viêm đường hô hấp; trẻ bị dị tật bẩm sinh như sứt môi hở hàm ếch, tim bẩm sinh, di chứng thần kinh; gia đình đông con, kinh tế eo hẹp... có nguy  cơ bị suy dinh dưỡng.

Vnexpress cho biết thêm, để biết bé có suy dinh dưỡng hay không, bạn nên theo dõi cân nặng theo biểu đồ tăng trưởng suốt từ lúc sinh đến số tháng tuổi hiện tại của con bạn. Trong bất kỳ sổ khám sức khỏe nào của bé cũng đều có biểu đồ tăng trưởng này.

Biểu hiện suy dinh dưỡng ở trẻ

Biểu hiện sớm của suy dinh dưỡng là trẻ chậm lớn, tăng cân kém. Theo dõi biểu đồ phát triển cho thấy cân nặng của trẻ suy dinh dưỡng bao giờ cũng giảm hơn so với cân nặng của trẻ bình thường cùng lứa tuổi. Suy dinh dưỡng nhẹ (độ I) cân nặng sụt từ 20-30%, suy dinh dưỡng vừa (độ II) cân nặng sụt từ 30-40%, suy dinh dưỡng nặng: gồm 3 thể.

- Thể teo đét (Marasmus): Cân nặng giảm trên 40%. Trẻ gầy đét da bọc xương.

- Thể phù (Kwashiokor): Cân nặng giảm từ 20-40%. Trẻ phù toàn thân, trên da có thể xuất hiện các mảng sắc tố màu nâu và lở loét toàn thân.

- Thể phối hợp: Cân nặng giảm trên 40%, từ gầy yếu và phù 2 chân. Trẻ suy dinh dưỡng thường bị thiếu máu, thiếu vitamin đặc biệt là thiếu vitamin A gây khô mắt.

Những trẻ suy dinh dưỡng nhất là ở trẻ nhỏ, nếu bị suy dinh dưỡng nặng sẽ ảnh hưởng nhiều đến phát triển thể chất, tinh thần và vận động. Trẻ chậm biết lẫy, bò, ngồi, đứng, đi. Khi trẻ lớn lên cân nặng và chiều cao đều giảm hơn so với người cùng tuổi, trẻ gái thì đẻ khó và khi làm mẹ dễ sinh ra những bé còi cọc. Một số công trình nghiên cứu đã chứng tỏ các tế bào thần kinh ở não không phát triển đầy đủ sẽ ảnh hưởng đến trí tuệ, giảm trí nhớ và kém thông minh.

Trẻ suy dinh dưỡng dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn có thể làm cho suy dinh dưỡng nặng hơn. Suy dinh dưỡng bị mù do thiếu vitamin A thì tỷ lệ tử vong cao.

Phòng suy dinh dưỡng ở trẻ

Theo Sức khỏe & đời sống, để phòng suy dinh dưỡng, cần làm tốt các việc sau đây:

- Chăm sóc trẻ từ trong bụng mẹ: Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy cân nặng của trẻ sơ sinh phụ thuộc nhiều vào dinh dưỡng của bà mẹ. Ở những bà mẹ ăn uống kém thì thai nhi có thể bị suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ. Vì vậy, trong thời gian mang thai người mẹ cần ăn uống bồi dưỡng hơn bình thường đồng thời theo dõi tăng cân từng quý; khám thai định kỳ ít nhất 3 lần. Thực hiện tiêm phòng uốn ván, nghỉ ngơi trước đẻ và sinh đẻ tại cơ sở y tế để mẹ tròn con vuông.

- Nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý: Cho trẻ bú sớm ngay sau đẻ, bú càng sớm càng tốt, cho bú hoàn toàn trong 4 tháng đầu và kéo dài 18-24 tháng.

Trong trường hợp mẹ không có sữa hoặc ít sữa thì cho trẻ ăn thêm sữa bò hoặc sữa đậu nành, tuyệt đối không dùng nước cháo đơn thuần để nuôi trẻ.

Từ 5 tháng tuổi ngoài bú mẹ cần cho trẻ ăn thêm thức ăn bổ sung, tùy theo lứa tuổi có thể cho trẻ ăn bột, cháo nhưng phải quấy lẫn với thịt, trứng, đậu đỗ, dầu, mỡ và các loại rau.

Khi trẻ ốm không được kiêng khem quá mức, cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày thức ăn dễ tiêu hóa và đủ các chất dinh dưỡng.

- Tiêm chủng: Để phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn cần thực hiện tiêm chủng cho trẻ đầy đủ và đúng kỳ hạn.

- Theo dõi cân nặng: Trong năm đầu mỗi tháng cân trẻ 1 lần, trẻ từ 2-5 tuổi thì 2-3 tháng cân 1 lần, nếu thấy cân của trẻ bắt đầu đứng hoặc sụt cân là dấu hiệu sớm để phát hiện suy dinh dưỡng.

- Sinh đẻ kế hoạch: Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng tăng cao gặp ở những bà mẹ đẻ dày và đông con cho nên cần sinh đẻ có kế hoạch.

- Xây dựng hệ sinh thái vườn-ao-chuồng tại gia đình để tạo thêm nguồn thực phẩm nhằm cải thiện bữa ăn cho bà mẹ và trẻ em.

Suy dinh dưỡng là một vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, tương lai của nòi giống. Do đó đòi hỏi những biện pháp cơ bản của nhà nước và sự kết hợp của nhiều ngành, gia đình và xã hội. Bản thân các bà mẹ là những người trực tiếp nuôi trẻ, cần được trang bị những kiến thức về nuôi con theo khoa học.

Tham khảo thuốc:

Paracetamol: là chất chuyển hóa có hoạt tính của phenacetin, là thuốc giảm đau - hạ sốt hữu hiệu có thể thay thế aspirin; tuy vậy, khác với aspirin, paracetamol không có hiệu quả điều trị viêm.

Trà Mi

Nên đọc
-2 Bà bầu có được uống thuốc Depamide không?
-3 Thời điểm nào không nên quan hệ tình dục?
-4 Bệnh nhân ung thư có cần kiêng khem trong ăn uống?
-5 Cần cẩn trọng khi ăn thịt dê

Theo GDVN

Comments