Tác dụng chữa bệnh của cây chè đắng

14:22 10/03/2014

(Giúp bạn)

Ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, từ xa xưa đã biết dùng chè để pha hãm làm nước uống hàng ngày, trở thành tập tục và đi vào nghệ thuật ẩm thực dùng trong giao tiếp, tiệc tùng v.v... là nguồn vui trong sinh hoạt đời sống không thể thiếu.


Cây chè có tên khoa học Camellia sinensis, họ chè. Nước ta có hai loại chè, chè Việt Nam (Camellia vietnamensis) và chè Bắc (Camellia Tonkinensis). Chè được trồng và mọc tự nhiên tại các vùng đồi núi phía Bắc, nhiều ở Lạng Sơn và Hà Giang.

Thành phần hóa học của chè chủ yếu là tanin chiếm 10-20%, cafeine 1-6%. Ngoài ra còn chứa theophyline, theobsonine và xanthine. Trong tanin của chè thành phần chủ yếu là gallorfl, epigalocatahol, galloy - L - epiecitecline và L - epicatechol. Để tồn tại cafeine đã kết hợp với tanin. Hàm lượng cafein cao ở lá chè non. Khi chè lên men thì hàm lượng cafein lại càng tăng cao hơn. Hương thơm của chè chính là lượng tinh dầu thơm có ở chè 0,6%. Khi sao khô chỉ còn lại 0,006%. Tinh dầu thơm của chè đó là chất volatile oils. Trong chè còn chứa các chất như triterpenoid, saporin, cagenin - ở triterpenoid và saponin có Theasapogenol E và theafolisaponin - hàm lượng vitamin C có khoảng 130-180mg%, một lượng nhỏ caroten, flavolnoid, flavolnoid querutin và kaemplerol. Những chất này kết hợp với flavolnoid và acid gallic để tạo thành một số este...

Ảnh minh họa

Theo Đông y chè vị đắng, ngọt, hơi chua, hàn, không độc, tác dụng vào gan, lách, phổi, thận.

Nhờ các thành phần hóa học có trong chè mà nó đã có nhiều tác dụng phòng và chữa bệnh. Chẳng hạn chất cafeine tác dụng lên hệ thần kinh trung khu gây hưng phấn tinh thần, tư duy hoạt bát. Có khả năng hồi phục sức khỏe nhanh sau khi lao động mệt mỏi chỉ cần uống một cốc nước chè đường pha thêm chút sữa. Cafeine làm tăng cường co bóp cơ vân, làm hạn chế hấp thụ canxi ở ruột, làm ức chế tái hấp thu của ống nhỏ thận gây lợi niệu. Làm tăng cường sự phân tiết trong dạ dày vì vậy khi mắc bệnh đường tiêu hóa không nên uống nhiều nước chè.

Cafeine cùng với theophyline trực tiếp gây hưng phấn tâm trạng, kích thích mao mạch làm hưng phấn trung khu vận động huyết quản. Chất theophyline của chè còn làm nhão cơ trơn vì thế dùng để chữa chứng đau gan và hô hấp hổn hển.

Nhưng khi dùng nhiều chè lại gây mất ngủ, làm tim đập mạnh, đau đầu, ù tai hoa mắt... nên không dùng quá nhiều chè trong ngày.

Nước chè còn tác dụng ức chế kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn kháng khuẩn, đặc biệt đối với lị trực trùng nhờ chất tanin có trong nước chè. Nước chè xanh có hiệu nghiệm hơn chè khô.

Ngoài ra còn thấy chè có tác dụng làm giảm huyết áp, trị bệnh hoại huyết và phong thấp nặng. Làm mau lành các vết thương, lở loét... Nước chè có khả năng phòng chống ung thư nhờ các chất như theophyline, cafeine, Theobronine có trong chè xanh, chè khô nên đã kích thích tế bào cơ thể sinh sản ra Interferon trong máu. Chính chất này đã ức chế sự phát triển và phân chia của các tế bào ung thư. Vì vậy hàng ngày uống 10 chén nước chè trở lên thì có khả năng phòng chống ung thư. Do đó có thể sử dụng nước chè uống rộng rãi trong các nhà máy xí nghiệp độc hại để dự phòng ung thư và thải độc.

Gần đây, Fujiki cùng nhiều nhà khoa học Nhật Bản, các nhà khoa học thuộc Viện hàn lâm Hoàng gia Anh đã công bố nước chè xanh ngăn chặn sự phát triển các loại ung thư gan, ung thư dạ dày vì ở chè có chất gallat epigallocatecline là hợp chất chính chống ung thư.

Hạt chè cũng chứa saponin, khi thủy phân saponin có chất théasapogenin A, B, C và camellia sapogenol C, A, camelliasapogenol II cùng ít hóa hợp chất flavonol, mầm của hạt chè chứa theanin. Hạt chè vị đắng, hàn, có ít độc. Theo sách "Cây thuốc Trung Quốc" dùng làm thuốc chữa cho người hen suyễn khó thở, chỉ dùng hạt tốt mới thu hoạch trong năm. Dùng hạt chè cùng cây bách hợp 2 thứ bằng nhau, nghiền nhỏ trộn đều làm thành viên hoàn uống với nước sôi để nguội ngày 2 lần mỗi lần chừng 2-3gam. Chữa trị ho có đờm, thở hổn hển, thở gấp dùng hạt rang lên xay nghiền nhỏ trộn với bột nếp rồi uống với nước chín.

Rễ chè có stachyos, raffinose, saccharose, glucose, fructose và một lượng nhỏ hợp chất phenol, cũng theo sách "Cây thuốc Trung Quốc" dùng để chữa lở loét miệng: Dùng rễ 50-100gam rửa sạch sao lên rồi nấu kỹ lấy nước uống trong ngày.

Chữa vẩy nến: Rễ 50-100gam cắt ngắn từng đoạn 3-5cm cho vào sắc đặc lấy nước rửa ngoài, ngày uống 3-4 lần lúc đói.

Chữa bệnh đau tim: thỉnh thoảng thấy nhói vùng tim, nhịp tim không đều lấy rễ cây chè già với rễ cây me rừng mỗi thứ 50g, rễ cây thiên thảo 12-15g cả ba cho vào sắc uống. Uống mỗi tuần 6 ngày dùng liên tục 4 tuần. Quá trình uống sẽ thấy đi tiểu tăng lượng, ăn ngủ tốt, cơn đau dịu dần, nhịp tim ổn định.

Ngoài ra còn chữa trị nhiều bệnh khác, nhiều bài viết đã đề cập đến nên xin không nhắc lại.

Vậy cây chè lại trở thành dược liệu quý giúp con người chữa được nhiều bệnh. Ở nước ta chè sẵn và dễ kiếm dễ tìm. Mong rằng mọi người sử dụng tốt trong ngày hè một cách hợp lý và khoa học.


Cây chè đắng được trồng nhiều ở Việt Nam và miền nam Trung Quốc. Ở Việt Nam chè đắng được trồng ở Cao Bằng. Ở Trung Quốc, chè đắng được trồng nhiều nhất ở Quảng Tây.

Về phần loại thực vật, cây chè đắng Cao Bằng và khổ đinh trà Quảng Tây đều có cùng họ, cùng chi.

Do đặc điểm: Lá chè được chế biến cuộn chặt như cái đinh, vị lại rất đắng. Tiếng Trung Quốc khổ là đắng, chè là trà nên có tên gọi khác: “Khổ đinh trà”.

Chè đắng là loại cây thân gỗ, có cây cao đến 30 mét.

Theo y học cổ truyền Trung Hoa: Khổ đinh trà có tác dụng tản phong nhiệt, chữa cảm mạo nhức đầu, ngứa mắt, viêm mũi, giải độc, làm dịu chứng rung cơ, giảm khát, chữa viêm phế quản, giảm ho, tiêu đờm; tăng cường tiêu hóa, giảm tác hại của bệnh tiêu chảy, ổn định thần kinh, tăng trí nhớ.

Theo y học hiện đại: những kết quả nghiên cứu mới đây công bố, chè đắng có tác dụng giảm cholestorol, giảm mỡ máu, giảm chứng cao huyết áp, tăng cường lưu thông máu, ngăn chặn suy thoái chức năng tim và não, giãn khí quản, điều hòa mô mỡ, giảm tích tụ mỡ, làm cho cơ thể cân đối (chống béo phì). Dịch chiết nước chè đắng có tác dụng kháng khuẩn cao.

Thành phần hóa học của chè đắng: ngoài một số hoạt chất chính khác với chè xanh, còn đại bộ phận các thành phần khác cũng tương tự như chè xanh, chỉ khác nhau về hàm lượng. Ví dụ trong chè đắng Cao Bằng có hàm lượng flavoonoid (chất có tác dụng chống lão hóa, chống ung thư) lại cao gấp 7 lần chè xanh.

Liều thường dùng: 2 lá khô (còn gọi là 2 đinh) cho ấm trà 1 người uống; pha nước sôi nhiều lần để uống đến khi hết vị đắng.

Uống chè đắng có giảm khả năng sinh lý đàn ông?

Điều này các tài liệu y học cổ truyền và hiện đại chưa thấy ghi. Đồng bào dân tộc ở Cao Bằng uống chè đắng đã bao đời nay chưa thấy ai nói tới tác dụng giảm khả năng sinh lý của đàn ông sau khi dùng chè đắng. 

"Cây chè đắng vân" - Tên khoa học chính xác?


Ảnh minh họa

Chúng ta đã sử dụng nhiều loại lá và búp của nhiều loài cây nấu nước uống thay chè nên cũng gọi là chè như: Chè vối (nụ hoa cây Vối), Chè vằng (Dây lá vằng), Chè hàng rào (cành lá Chè mạn hoả) và có nhiều loại cây khác như Lành ngạnh, Mâm xôi, Đơn kim (hay Đơn buốt), Chè dây, Súm. Cây Sum Eurya nitida Korth có cành lá dùng làm chè uống gọi Chè cẩu, cũng có vị đắng nên gọi là Chè đắng. Nhiều loại cây khác có lá, búp lá hay một bộ phận khác của cây được chế biến thành trà để pha uống như trà Actiso, trà Khổ qua....

 

   Trong những năm gần đây, có một loại Chè đắng được nhiều người sử dụng dưới dạng nấu nước lá khô uống hoặc dùng những tôm 2-3 lá non sao cho cuốn lại thành sợi hoặc tán thành bột gói vào trà túi lọc. Đó là loại Chè đắng ở Cao Bằng mà bà con Tầy - Nùng gọi là Ché khôm.

 

   Năm 1998, tác giả Lê Đình Khả có viết: Chè đắng trước đây phân bố ở huyện Hạ Lang và huyện Trạch An, nay còn một số cây. Đến năm 1997, ở huyện Hạ Lang đã phải mua giống của Trung Quốc về trồng với giá khoảng 10.000đ/cây con. Sau đó, cây được nhân giống bằng hom lấy ở cây ba năm rưỡi tuổi và sau hai tháng rưỡi, hom dâm đã ra rễ dài 2-3cm. Tác giả Lê Đình Khả cho biết tên khoa học của cây Chè đắng hay Khổ đinh trà là Ilex latifolia Thunb.

 

  Năm 1999, trong bài “Tên khoa học của cây Chè đắng ở Việt Nam”, các tác giả Nguyễn Tiến Bân và Nguyễn Khắc Khôi ở Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã cho biết: Qua việc đi công tác tại Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc), có dịp xem nhiều mẫu vật và tra cứu các tài liệu mới xuất bản của Trung Quốc thì có nhiều vật được xếp vào cùng một loài Ilex kudingcha C.J Tseng (1981). Vào năm 1998, các tác giả Y.X.Fesg, S.K Chen, R.F.Zhao và C.F Liang nhận thấy các mẫu đó không đồng nhất và đã phân thành 4 loài khác nhau như: I.pentagona, I.kaushue, I.latifolia và I.dunniana. Trong Thực vật chí Vân Nam (Flora Yunnanica), Y.R.Li (1996: 233) đã nêu ra những đặc điểm định loại sau:

             1. I. kaushue: Cành và cuống hoa có lông tơ thưa, phiến lá dài 13-16cm, rộng 5-6cm, gân bên rõ ở cả hai mặt. Cụm hoa mọc tụm là dạng chùm giả với trục cụm hoa dài gần 1cm; đài của hoa đực hình đĩa; nhị ngắn hơn cánh hoa.

            2. I.latifolia: Cành và cuống hoa hoàn toàn không có lông, phiến lá dài 8 - 17cm, rộng 4,5 -7,5cm, gân bên chỉ rõ ở mặt dưới, không rõ ở mặt trên, cụm hoa dạng tán giả, gần như không có cuống; đài của hoa đực hình đấu, nhị dài bằng cánh hoa.

            Đến nay, tác giả Nguyễn Tiến Bân đã khẳng định Chè đắng, Ché khôm hay Khổ đinh trà ở Việt Nam cần mang tên khoa học đúng đắn là Ilex kaushue S.Y.Hu. Còn tên I.kudingcha C.J.Tseng là tên đồng nghĩa và tên Ilex latifolia hiểu theo Lê Đình Khả cũng vậy. Như vậy, nghĩa là ở Trung Quốc có cả Ilex kaushue S.Y.Hu và Ilex latifolia Thunb. ex Merr. Còn loại Chè đắng của nước ta làIlex kaushue S.Y.Hu.

            Chè đắng phân bố ở Lào Cai (núi Hàm Rồng, thị xã Sa Pa ), Cao Bằng (Nguyên Bình: Mai Long; Hạ Lang: An Lạc, Đồng Loan, Đức Quang; Thái Đức: Quảng Hoà, Mỹ Hưng, Tiên Thành; Thạch An: Đức Xuân, Nà Tục, Tục Ngã, Pắc Lùng) Hào Bình (Yên Thuỷ, Phố Sấu), Ninh Bình (Cúc Phương, Đồng Cơn). Còn ở Trung Quốc (Hồ Bắc, Hồ Nam, Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Nam tới đảo Hải Nam ).

            Trước đây, trong bài viết “Các cây thuốc thuộc chi Ilex L, họ Nhựa ruồi hay Bùi –Aquifoliaceae”, tôi có nêu tên cây Chè đắng như các tác giả Nguyễn Tiến Bân và Nguyễn Khắc Khôi đã nêu năm 1999. Theo tác giả Lê Đình Khả, cũng có thể là ta có nhập trồng loài Ilex latifoliaThunb.ex.Merr. Tôi chưa được xem mẫu vật của loài sau nên chưa thể khẳng định. Trong khi chờ đợi thì việc viết theo tên đã được nhà thực vật học Nguyễn Tiến Bân định loại và công bố là chính xác.

            Như vậy, rõ ràng là không thể tìm thấy tên đúng của cây Chè đắng trước năm 1999 khi nó chưa được công bố chính thức. Tuy nhiên, việc thu thập của loài này đã được tiến hành ở nhiều địa phương từ những năm 1970 - 1971 cho đến 1996 - 1997 nên trong các sách về Cây cỏ Việt Nam (Phạm Hoàng Hộ), Từ điển Cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi) cũng chưa thể nêu được khi chưa có căn cứ khoa học chính xác.

 

            Những công bố gần đây có nêu đến các tên như Ilex kudingchaI. latifolia là do nhiều sách của Trung Quốc khi viết về Khổ đinh trà đã giới thiệu cùng các cây khác như I. cornuta Lindl. và một số loài Nữ trinh như Ligustrum nepalense Rehd., L. japonicum Thunb. Var. pubescens Koidz;  cũng dùng như Khổ đinh trà và lá có vị đắng nấu uống như chè.

 

            Về tên Khổ đinh trà, có nhiều tác giả cho biết là cây được gây trồng ở thôn Khổ Đinh, xã Long Môn, huyện Đa Tân, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Người ta chế thành dạng trà vo viên lớn (Khổ đinh trà ở Quảng Tây) hay vo viên nhỏ (Khổ đinh vương ở Hải Nam ).

                Ta gọi là Chè đắng, có khi nói rõ hơn là Chè đắng Cao Bằng vì xuất xứ việc sử dụng là từ Cao Bằng và hiện nay ở Cao Bằng chè này mọc tự nhiên ở nhiều nơi.

 

            Về công dụng của Khổ đinh trà, các sách khác nhau đã nêu:

                 - Sách Thực dụng Trung thảo dược nguyên sắc đồ phổ nêu tên Ilex kudingcha C.J.Tseng với tính vị đắng, ngọt, mát, có tác dụng tán phong nhiệt, thanh đầu mục, trừ phiền khát. Dùng trị đau đầu, đau răng, mắt đỏ, tai điếc, tai giữa chảy mủ, nhiệt bệnh phiền khát, lỵ, đau họng, bỏng lửa. Liều dùng 3 - 10g, dùng ngoài không kể liều lượng. Thể hư dùng phải cẩn thận.

            - Sách Trung thảo dược thái sắc đồ phổ ghi tên Ilex latifolia Thunb với tính đại hàn, vị đắng, ngọt, có tác dụng tán phong nhiệt, thanh đầu mục, trừ phiền khát. Dùng trị đau đầu, đau răng, mắt đỏ, nhiệt bệnh phiền khát, lỵ.

            - Sách Vân Nam trung dược tư nguyên danh lục ghi Ilex latifolia Thunb với bộ phận dùng là lá, có tính vị đắng, mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tân sinh, chỉ khát. Dùng trị bệnh sởi, đau bụng, bệnh hậu phiền khát, bệnh sốt rét.

            - Sách Trung dược đại tự điển ghi 2 loài Ilex cornuta Lindl và I.latifolia Thunb có vị đắng, ngọt, có tác dụng tán phong nhiệt, thanh đầu mục, trừ phiền khát. Dùng trị đau đầu, đau răng, mắt đỏ, tai ù, nhiệt bệnh phiền khát và bệnh lỵ. Sách này còn dẫn ra nhiều nguồn tư liệu khác nhau như sách Bản thảo tái tân có nêu loại trừ chất béo; sách Trung Quốc khoa học đại từ điển nêu là hoạt huyết mạch, lương tử cung; sách Tứ Xuyên trung dược chí nêu là trị được ăn uống không tiêu; sách Cương mục thập di nêu là hoạt huyết, tuyệt dựng....

            Như vậy, khi đúc kết, người ta chỉ nêu lên những cái phổ biến nhất, còn những hiệu dụng khác chưa thể nêu hết. Ví dụ: vấn đề triệt sản chẳng hạn, chưa có ai dùng nhiều năm để kiểm chứng. Cần có thời gian sử dụng lâu dài để có thể hiểu hết giá trị của loài chè này.

            Tác giả Nguyễn Tiến Bân viết trong Danh lục các loài thực vật Việt Nam (2003): “Lá dùng uống thay chè, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, trừ khát thanh tân, dùng cho bệnh sốt khát nước, đau đầu, đau răng, đau mắt, chữa lỵ. Theo tài liệu Trung Quốc đây là loại chè nổi tiếng ở Quảng Tây. Loại chè thuốc được dùng để biếu tặng các quan chức cao cấp thời phong kiến. Uống chè thường xuyên có tác dụng làm trí óc minh mẫn, lợi tiểu, giúp tiêu hoá, giải khát, giải độc, giữ trữ lượng cơ thể, kéo dài tuổi thọ”

            Tác giả Lã Đình Mỡi viết về Chè đắng trong Tài nguyên thực vật Đông Nam á (3-2003): “Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ, trong lá Chè đắng có 5 nhóm chất là saponin, triterpen, flavonoit, axit hữu cơ, polysaccharit và carotenoit, trong đó các nhóm saponin và flavonoit có hàm lượng đáng kể. Mặt khác các thử nghiệm đều không tìm thấy alcaloit và glucosit”.

            Cũng cần chú ý là cây Chè đắng Nam Mỹ - Ilex paraguariensis A.St. Hil (cùng chi với cây Chè đắng nước ta) đã được sử dụng lâu đời ở Nam Mỹ. Từ sau 1670, khi những người truyền giáo Tây Ban Nha đưa cây này vào trồng thì nó trở thành một cây có giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với cây chè, được sử dụng quen thuộc ở nhiều nước Nam Mỹ, Bắc Mỹ và Châu Âu. Các thông tin về cây Chè đắng Nam Mỹ là những tài liệu tham khảo có giá trị khi sử dụng cây Chè đắng ở nước ta.

 

            Các tác giả Nguyễn Tiến Bân và Nguyễn Khắc Khôi từ tháng 3 năm 1999 đã viết: Chè đắng - một loại thân gỗ bản địa của vùng núi đá vôi là một cây kinh tế có triển vọng cho các vùng cao núi đá có đồng bào dân tộc ít người sinh sống. Nó rất cần được nhân giống và đưa vào trồng ở các tỉnh miền núi, phục vụ chương trình trồng 5 triệu hecta rừng của nhà nước. Tuy mới trồng thử ở một vùng - vài điểm ở Cao Bằng nhưng đồng bào địa phương đã nhận xét: “Chè đắng là loại cây trồng rừng có giá trị kinh tế cao”

 










(st)

Comments