Tác dụng chữa bệnh của gạo nếp

13:58 10/03/2014

(Giúp bạn)Gạo nếp từ lâu đã nổi tiếng với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Hãy cùng Giupban.com.vn điểm lại những công dụng và bài thuốc từ "người bạn lương thực" thân quen của chúng ta nhé

Ảnh minh họa

Hạt nếp có tên khoa học là Oryza Sativa. Đây là loại gạo rất dẻo và có giá trị dinh dưỡng cao. Người ta thường dùng để nấu xôi, nấu chè, làm bánh... Gạo nếp có vị ngọt, mùi thơm, nhiều nhựa và có tính âm. 

Theo YHHĐ, trong hạt nếp không chứa thành phần gluten, không có vị ngọt. Một chén 200gr cơm nếp đã nấu chín có chứa 169 calories; 3,5 gr protein; 37 carbohydrate; 1,7 chất xơ; 9,7 cmg selenium và 0,33 gr chất béo. Trong đó, nếp cẩm hay còn gọi là "bổ huyết mễ" cũng gồm những thành phần dinh dưỡng trên nhưng chứa một số chất dinh dưỡng cao hơn.

Theo YHCT, hạt nếp nói chung đều có tính ấm, vị ngọt, dễ tiêu hoá, giúp làm ấm bụng. Gạo nếp nấu xôi là liều thuốc hữu hiệu dành cho người yếu bao tử, nhất là những người bị viêm loét bao tử không thể tiêu thụ cơm tẻ. Do hạt nếp chứa nhiều chất xơ không hoà tan, nên nó có tác dụng đề phòng một số bệnh như ung thư tuyến tính, trực tràng.

Một số bài thuốc chữa bệnh từ gạo nếp

Ảnh minh họa


Cháo gạo nếp táo tàu
:

Gạo nếp, táo tàu lượng vừa đủ, đun thành cháo loãng. Ngày ăn từ 1 – 2 lần, giúp trị viêm dạ dày mãn tính và loét dạ dày. 

Cháo gạo nếp đậu đen:

Gạo nếp 100g, đậu đen 30g, hồng táo 30g, đun thành cháo. Mỗi ngày ăn từ 1 – 2 lần, trị thiếu máu do thiếu sắt.

Cháo gạo nếp đậu xanh:

Gạo nếp 100g, đậu xanh 50g, nấu cháo ăn để hỗ trợ điều trị chứng tiêu khát của bệnh đái tháo đường.

Cháo gạo nếp hạt sen:

Những người bệnh mới ốm khỏi, cơ thể suy nhược, lấy gạo nếp, hạt sen lượng vừa đủ, đem nấu thành cháo. Mỗi ngày ăn sáng và tối.  

Cháo gạo nếp nấu suông: Còn gọi là cháo hoa (lấy gạo nếp, cho thêm nước vào nấu chín) có tác dụng làm mát ruột cho những trường hợp nặng bụng. Nếu nấu nhừ với chân giò hoặc móng giò heo, lõi thông thảo, đu đủ non và lá sung sẽ giúp làm tăng tiết sữa.

Gạo nếp mật ong:

Gạo nếp 30g tán ra bột mịn, nấu thành dạng hồ loãng, chế thêm 30g mật ong, chia ra, ăn vài lần trong ngày, dùng cho người miệng khát muốn uống nhiều nước, ăn kém, hay nôn và buồn nôn. Món ăn này còn có tác dụng lợi mật, giảm đau, dùng cho các trường hợp có cơn đau quặn gan do giun chui lên đường mật.

Gạo nếp sắc với gừng:

Gạo nếp 20g, sao vàng; gừng tươi ba lát giã nhỏ. Đem hai thứ sắc với 200ml nước còn 50ml, uống trong ngày để chữa nôn mửa không dứt. Cùng chữa chứng nôn mửa còn có cách khác: gạo nếp, mạch môn, đẳng sâm mỗi thứ 12g, bán hạ 6g, cam thảo 4g, nấu nước uống.

Gạo nếp trộn hoàng liên, dầu vừng:

Gạo nếp 100g, nấu thành cơm nếp rồi đốt thành than. Sau đó trộn đều với bột hoàng liên (30g) và dầu vừng, bôi chữa chứng chốc đầu ở trẻ em.

Bao tử heo nhồi gạo nếp: Cho gạo nếp lượng vừa đủ vào bao tử heo, nướng khô, giã ra làm viên hoàn để ăn hàng ngày. Cách khác, cho thêm vào gia vị các loại, buộc kín miệng, đem hấp cách thuỷ cho thật chín rồi chia ăn vài lần.

Xôi nếp sâm táo:

Gạo nếp 250g, đẳng sâm 10g, đại táo 20g, đường trắng 50g. Ngâm đẳng sâm, táo tầu cùng với đường, đổ nước xăm xắp, sau đó sắc cạn trong 30 phút.

Gạo nếp đồ thành xôi, xới ra đĩa, gắp đẳng sâm, táo tầu đặt phía trên, thêm một chút nước thuốc đã sắc cạn lên trên cùng. Món này có tác dụng chữa mệt mỏi, mất ngủ, kém ăn, phù thũng… 

Xôi nếp bát bảo:


Gạo nếp 500g, cùi hạt đào 50g, đường trắng 100g, hạt đậu côve trắng 50g, hạt sen ( bỏ tâm ) 50g, mơ xanh ướp đường 25g, hồng táo 20g, hạt ý dĩ 50g, cùi nhãn 50g, mỡ lợn vừa đủ.

Hạt ý dĩ, hạt đậu côve, hạt sen ngâm nước nóng cho nở, cho vào nồi nấu chín. Hồng táo rửa sạch, ngâm nước, cùi đào hạt xào chín. Gạo nếp đồ thành xôi, bôi mỡ lợn dưới đáy bát bày mứt mơ xanh, cùi nhãn, táo, nhân đào hạt, hạt sen, hạt đậu côve, ý dĩ, cuối cùng cho xôi lên trên. Tiếp tục đồ trong 20 phút. Cho một ít nước khuấy đường thành kẹo, rưới lên phía trên đĩa xôi. Món này có tác dụng chữa kém ăn, hao gầy, đi lỏng, phù thũng.

Comments