Tác dụng chữa bệnh của la hán quả

09:15 12/08/2015

(Giúp bạn) - La hán là một loại quả dùng để thanh nhiệt giải khát, đồng thời thải độc cho cơ thể nhằm giúp chúng ta có một sức khỏe dồi dào và cơ thể dẻo dai.

Tên “La hán quả” được giải thích là do những truyền thuyết từ Trung Quốc: từ thời nhà Đường, Quế Lâm là một trung tâm của Phật giáo, có rất nhiều ngôi chùa. Các tu sĩ Phật giáo được cho là đã dùng quả của cây này làm thực phẩm thường ngày nên đã giúp cơ thể dẻo dai, chống bệnh và trường thọ cùng sự luyện tập võ nghệ để phòng thân. Tên La hán quả cũng còn liên hệ đến những môn võ nghệ nổi tiếng như “Thập bát La hán quyền”, “Thập bát La hán trận” của chùa Thiếu Lâm…

La hán tên dược liệu là Fructus Siraitiae Grosvenorii, quả được thu hái vào tháng 9 - 10 hằng năm, lúc quả chín, để trên mặt đất, khiến nó chín sau, khoảng 8 - 10 ngày vỏ quả từ xanh chuyển sang vàng, dùng lửa sấy khô, qua 5 ~ 6 ngày, thành quả khô gõ có tiếng, sau đó tẩy xạch lông, gói giấy, đóng thùng. phơi hay sấy khô cất dùng dần. 

Đặc tính thực vật


Chi Siraitia còn có thêm 4 loài khác: Siraitia siamensis phân bố tại Thái Lan, Siraitia sikkimensis và Siraitia silomaradjea tại Ấn Độ, Siraitia taiwaniana tại Đài Loan, cũng được gọi là La hán quả.

La hán quả thuộc loại dây leo, lưỡng niên, rụng lá theo mùa, có thể dài từ 3 - 5 m, mọc phủ lên các cây khác bằng tua cuốn. Lá hẹp, hình trái tim, đầu nhọn dài 10 - 20 cm, rộng 3,5 - 12 cm. Hoa mọc thành chùm 2 - 3 hoa, hay 1 hoa, cuống hoa 3 - 5 cm. Cánh hoa mỏng, màu vàng nhạt. Quả hình cầu, đường kính 5 - 7 cm, màu xanh lục sẽ chuyển sang nâu khi khô. Thịt quả mọng nước, có vị ngọt và mùi thơm, trong chứa nhiều hột cỡ hột Khổ qua, dài chừng 15 - 18 mm, ngang 10 - 12 mm.

(Tại Việt Nam, có một loài tương cận: Momordica tonkinensis hay Thladiantha tonkinensis gọi là cây Khố áo, mọc tại miền Bắc, quả chưa được nghiên cứu nhiều).


Thành phần hóa học


 Quả chứa:

- Các đường hữu cơ như fructose, glucose...

- Các terpen glycosid gọi chung là mogrosid, trong đó một số chất đã xác định được công thức như siomenosid I, neo mogrosid, mogrosid từ 1 đến 6 (mogrosid 5 chiếm từ 0,81 đến 1,29%), iso-mogrosid-5, oxo-mogrosid-5.

- Các 28-norcucurbitacins như siraitic acid A, B, C, D và E.

- Hợp chất protein monogrosvin có hoạt tính gây ngưng hoạt động của các ribosome. (Life Science Số 68-2001).

 - Chất ngọt từ quả La hán: mogrosid

Quả La hán được thu hoạch lúc còn xanh và chuyển sang màu đen sau khi được phơi khô. Vị ngọt của quả là do một nhóm glycosid loại terpen, gọi chung là mogrosid, chiếm khoảng 1% phần thịt của quả, tính theo trọng lượng. Cả quả khô lẫn quả tươi đều được dùng để chiết, và cho một chất bột có thể chứa ít nhất là 80% mogrosid. Các mogrosid đã được phân biệt và định danh từ 1 đến 5, chất chính là mogrosid-5 (trước đây được gọi là esgosid). Một số hợp chất tương tự trong quả La hán được gọi là siamenosid, neomogrosid...

Hỗn hợp mogrosid trong quả La hán cho vị ngọt cao hơn đường mía khoảng 300 lần (tính theo trọng lượng), như thế bột chiết 80% sẽ ngọt hơn đường mía gấp 250 lần. Trong khi đó mogrosid nguyên chất có thể ngọt gấp 400 lần đường mía. Iso-mogrosid-5 ngọt hơn đường khoảng 500 lần.

- Hoạt tính chống oxy hóa: chất trích từ quả La hán và các glycosid như mogrosid-4, mogrosid-5, 11-oxo-mogrosid-5, siamenosid... ức chế được các tiến trình gây oxy hóa loại do đồng làm trung gian, loại oxy hóa lipoprotein có phân tử lượng thấp… các phản ứng chống oxy hóa này tùy thuộc lượng sử dụng. 11-oxo-mogrosid được xem là có hoạt tính mạnh nhất. Cũng trong thử nghiệm in vivo này, các khả năng thu nhặt các gốc tự do của trích tinh quả và mogrosid được ghi nhận là yếu hơn vitamin E (International Journal of Food Science and Nutrition Số 58-2007).

- Khả năng chống ung thư: các thử nghiệm trên thú vật ghi nhận các glycosid loại cucurbitan trích từ quả La hán có thể có một số hoạt tính ngừa ung thư.

- Hoạt tính chống dị ứng, kháng histamin: khi cho chuột dùng chất trích từ quả liều duy nhất 300 mg/kg, chuột bị gây dị ứng không còn phản ứng ngứa gãi da, liều 1.000 mg/kg làm mất phản ứng gãi mũi… Các liều dùng mỗi ngày 300 mg và 1.000 mg lặp lại sau 2 đến 4 tuần cho thấy các hiệu ứng chống histamin được tích lũy dần dần… (Biology and Pharmacy Bulletin Số 28-2005).


Tác dụng dược lý


 

Đông y cho rằng quả la hán vị ngọt, tính mát, không độc đi vào hai kinh phế và đại trường (sách Quảng Tây Trung dược chí nói quy kinh phế và tỳ). Có công năng nhuận phế, lợi hầu, hóa đàm chỉ khát, nhuận tràng thông tiện. Do đó được sử dụng để trị ho phế nhiệt và đàm hỏa nội kết, viêm hầu họng, đại tiện bí kết (trị đàm hỏa ho, ho gà, huyết táo)... Cụ thể được sử dụng trong viêm long đường hô hấp trên như hầu họng, viêm amidan... thuộc thể nhiệt độc uẩn kết, trị viêm phế quản cấp hay mạn, thuộc thể nhiệt đàm úng phế hay chứng táo bón kinh niên thuộc thể tân khuy tràng táo tức thể dịch thiếu, ruột khô...Ngoài ra còn thấy nước sắc của quả la hán có tác dụng trấn khái (chống ho), khử đàm (trừ đờm) rõ ràng và lại còn có khả năng làm tăng cường chức năng miễn dịch của các tế bào của cơ thể. Trà la hán còn là thứ giải khát giàu dinh dưỡng, rất thích hợp với người bị nóng trong mà đông y gọi là “thể tạng uất hỏa nội kết”.Đặc biệt hơn là quả la hán có chứa một số hợp chất có độ ngọt gấp hàng trăm lần đường mía, nhưng không phải là đường nên còn là thức ăn lý tưởng cho những bệnh nhân béo phì hay tiểu đường.

 Để tham khảo và ứng dụng, xin giới thiệu những phương pháp trị liệu tiêu biểu có la hán như sau:

- Chữa viêm họng: Lấy quả la hán thái hãm với nước sôi, uống thay nước trong ngày.

- Chữa chứng viêm thanh quản (mất tiếng): La hán 1 quả, thái miếng sắc lấy nước uống 2-3 lần trong ngày hoặc uống dần mỗi lần một ít.

- Chữa ho gà: La hán 1 quả, hồng khô 25g, sắc lấy nước uống; hoặc la hán 1 quả, phổi heo bóp hết bọt 40g, hầm  nhừ, nêm gia vị ăn.

- Chữa ho đờm vàng quánh: la hán 20g, tang bạch bì 12g, sắc lấy nước uống trong ngày.

- Bổ phế (hỗ trợ trong trị lao): La hán 60g, thịt lợn nạc 100g, hai thứ thái lát cho hầm cùng, nêm gia vị đủ, ăn cùng cơm.

- Chữa táo bón: Dùng la hán sắc lấy nước, pha thêm mật ong uống trong ngày.

- Trị “cảm nóng” và khát: lấy 1 quả La hán, bổ đôi, quậy đều trong nước sôi. Uống thay trà.

- Tiểu đường và dùng thay cho đường: uống nước nấu La hán quả hay thêm vào thức ăn khi cần đến đường.

Comments