Tập luyện phục hồi sau khi bị gãy xương
(Giúp bạn)Trong sinh hoạt, lao động hằng ngày chỉ vì sơ suất nào đó chúng ta có thể bị chấn thương, mà gãy xương là tai nạn rất hay gặp nhất là tình hình tai nạn giao thông hiện nay.
Tôi bị gãy xương bàn chân, xương ngón út, nhưng nay tôi đã tháo bột được một tuần, đi lại cũng tốt. Tuy nhiên, vì là cầu thủ bóng rổ nên không biết với tình trạng hiện giờ khi nào tôi mới có thể tập luyện lại bình thường?
(Minh An - Phú Thọ)
Hướng dẫn phục hồi sau khi bị gãy xương
Theo báo Tuổi trẻ, xương ngón út cần 4-6 tuần mới lành chắc nếu được nắn chỉnh và bất động tốt. Sau thời gian này, phải khám và chụp X-quang đánh giá xương có lành tốt và ngay ngắn không, trước khi bác sĩ cho phép bạn đi đứng hay chạy nhảy lại.
Sau khi bó bột xương gãy, bạn cần tập lại sức mạnh gân, cơ vùng cổ - bàn chân vì gân, cơ sẽ bị teo sau một thời gian bất động; tập tầm vận động các khớp cổ - bàn chân; massage và thủy trị liệu bàn chân cho máu huyết lưu thông; sau đó tập đứng chịu lực một chân trên chân gãy cho vững; tập lại dáng đi bình thường chịu lực đều hai chân, rồi tập chạy bộ tăng dần từ chậm đến nhanh, từ ít đến nhiều, chạy trên bàn chân sau đó chạy trên mũi chân; tập bật nhảy cao; tập các thụ thể thần kinh cảm nhận không gian trong động tác di chuyển đổi hướng, bật nhảy.
Thời gian phục hồi này khoảng hai tháng sau lành xương, và bạn có thể trở lại chạy nhảy tập luyện bóng rổ nếu không còn đau chỗ gãy, tầm vận động khớp cổ bàn chân bình thường, sức bật và di chuyển đa hướng tốt, chạy nhảy bình thường. Trong lúc tập các bài tập trên, vẫn duy trì phối hợp tập các động tác thể thao cho tay, thân mình cũng như sức bền và sức mạnh cơ thể để sớm trở lại phong độ thể thao như trước chấn thương.
Báo Sức khỏe đời sống đưa ra những biện pháp phục hồi sau khi bị gãy xương:
Cử động khớp
Bác sĩ Phan Ngọc Minh cho biết, khớp bất động lâu sẽ bị cứng do cơ co ngắn lại, bao khớp bị co rúm, bao hoạt dịch tăng sản mỡ, sụn bị mỏng. Do vậy cử động khớp là cách tốt để bơm cho dịch khớp ra vào, khớp được nuôi dưỡng và trở nên mềm mại, tốc độ cho một lần co duỗi là 45 giây, mỗi lần tập10 - 15 phút, ngày 4 - 6 lần.
Có thể tập từ ngày thứ 3 sau mổ hoặc sau bó bột.Tập duy trì sức cơ: Tập tăng sức căng của cơ (độ dài bó cơ không thay đổi, khớp không cử động), tập co cơ (sao cho khớp cử động, co cơ ngắn lại). Khi khớp cử động còn đau nhiều thì tập căng cơ, khi khớp đỡ đau thì tập co cơ.
Dùng nhiệt
Tác dụng của dùng nhiệt là giảm đau, đỡ khó chịu, có lợi ích khi tập cử động chủ động. Dùng túi chườm nước nóng, chườm lên chỗ đau để luyện tập. Chú ý không được dùng nhiệt sóng ngắn cho toàn chi có đinh, nẹp vít vòng thép kim loại nóng lên có thể làm hỏng tổ chức, dễ gây viêm rò.
Tập sinh hoạt thông thường
Cần tập làm động tác trong sinh hoạt bằng lên xuống cầu thang, bậc thềm nhà, tập ngồi xổm đứng lên. Đối với tổn thương xương tay thì tập nắm, mở bàn tay (dùng hòn đá hình quả trứng để nắm), tập cầm bút, đũa, tránh không để tay bị cong, khoèo. Khi nào không còn đau nữa, không bị hạn chế thì quá trình tập luyện này mới đạt kết quả tốt.
Thời gian tập thường từ 6 tháng đến 2 năm, tùy theo mức độ thương tổn.
Biện pháp xoa nắn
Nên xoa nắn thường xuyên ổ gãy xương liền khớp. Chỉ xoa nắn nhẹ nhàng bằng tay mà không được dùng các loại dầu cao, cồn, thuốc xoa bóp nào để xoa vào các khớp, vì như vậy rất có thể làm cho xơ cứng khớp, vôi hóa cạnh khớp.Khi bị chấn thương, để chóng lành, người bệnh cần kiên trì tập luyện, cần kết hợp các biện pháp tập luyện khác nhau để trở lại hình dáng ban đầu.
Tr.Tuyển
Theo GDVN