Thận trọng khi dùng vitamin C
(Giúp bạn)Việc dùng vitamin C tùy tiện không những gây ra những hậu quả xấu đến sức khỏe mà còn đặc biệt nghiêm trọng với bệnh nhân mắc các bệnh bác sĩ khuyến cáo không được dùng vitamin C.
Theo Báo Sài Gòn tiếp thị Online, không như hầu hết các loài động vật khác, cơ thể con người không thể tự sản xuất vitamin C. Thiếu hụt chất này đưa đến bệnh scorbut với triệu chứng kinh điển: chảy máu nướu răng, chậm lành vết thương, có các vết thâm tím rộng trên da, dễ bị nhiễm trùng.
Vitamin C có nhiều trong các loại rau xanh như bông cải xanh, cà chua, trong các loại nước quả tươi như cam, chanh, quýt, bưởi… Chức năng chủ yếu của vitamin C là giúp sản xuất collagen, một protein chính của cơ thể (vì vậy có ảnh hưởng đến làn da), tham gia sản xuất một số chất dẫn truyền thần kinh và hoóc môn, giúp hấp thụ và sử dụng các yếu tố dinh dưỡng khác. Vitamin C cũng là chất chống oxy hoá rất quan trọng (bên cạnh vitamin E, bêta-caroten và chất khoáng selen).
Phó giáo sư - dược sĩ Nguyễn Hữu Đức cho biết trên trang, hiện nay vitamin C được bày bán dưới dạng thuốc và thực phẩm chức năng. Nhiều người thấy vitamin C được bán như thực phẩm chức năng cứ nghĩ đây là loại dùng tuỳ tiện mà không có hại.
Cần lưu ý, không được lạm dụng vitamin này quá nhiều vì nhu cầu khuyến cáo cung cấp vitamin C hàng ngày cho cơ thể chỉ là 60mg (viên vitamin C 1g là quá nhiều). Dùng vitamin C liều cao (quá 1g/ngày) có nguy cơ bị tiêu chảy, loét đường tiêu hoá (nếu uống vào lúc bụng trống), sỏi thận oxalat, tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá, giảm độ bền hồng cầu.
Không nên tùy tiện dùng Vitamin C
Báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, hiện nay nhiều người vẫn vô tư dùng vitamin C, coi nó như một thứ “làm mát” cơ thể, tăng sức đề kháng mỗi khi thấy “nóng trong người", mụn nhọt, lở loét, sức đề kháng yếu... Song đã từ lâu vitamin C được coi là dược phẩm chứ không phải là thực phẩm, vì vậy, không thể dùng tùy tiện.
Mọi khuyến cáo về thuốc đều dựa trên kết quả nghiên cứu tầm cỡ và mang tính chất đại diện không thể khuyến cáo cho từng người một, bởi vì tính chất, tình trạng bệnh, tình trạng cơ thể của từng người bệnh không giống nhau.
Việc dùng vitamin C với mục đích gì là do bác sĩ khám bệnh trao đổi trực tiếp với người bệnh hoặc người nhà (nếu là trẻ em, người cao tuổi). Từ đó bác sĩ khám bệnh sẽ cho chỉ định cụ thể đối với mỗi một người bệnh, người bệnh cần tuân theo, không tự động thay đổi liều lượng, không tự ngưng thuốc hay tăng liều sử dụng và nên tin tưởng vào chỉ định của bác sĩ khám bệnh cho mình.
Trong quá trình sử dụng thuốc nếu thấy có điều gì cần thiết phải trao đổi thì nên trực tiếp gặp bác sĩ khám bệnh, không nên thông qua một người khác. Bởi vì bác sĩ kê đơn thuốc cho mình là người hiểu về bệnh của mình nhất và có chỉ định phù hợp nhất với tình trạng bệnh. Không nên coi vitamin C như là một loại thuốc bổ, dùng không giới hạn (đặc biệt là trẻ em, thai phụ) và không tự động mua vitamin C để tự điều trị.
Ngoài ra cũng như đối với viên sủi C - một dạng thuốc đang được dùng khá nhiều hiện nay, khi được thả vào nước sẽ sủi bọt mạnh, khí thoát ra làm cho viên tan vỡ, tan trong nước hoàn toàn tạo thành dung dịch dễ uống. Viên sủi bọt C thông dụng hiện nay chứa 1g (tức 1.000mg) vitamin C, cao hơn 16 lần nhu cầu khuyến cáo hàng ngày.
Chỉ một số trường hợp thiếu vitamin đến độ bệnh lý mới cần dùng vitamin liều cao (gọi là liều điều trị). Vitamin C cũng thế. Việc dùng vitamin C liều cao để trị cảm cúm hiện vẫn còn gây tranh cãi, trong khi dùng quá 1g mỗi ngày rất dễ bị các tác dụng phụ như đã nói.
Cũng theo Phó giáo sư Đức, những người bị tăng huyết áp tuyệt đối không dùng thuốc dạng sủi bọt nói chung, trong đó có viên C sủi. Bởi có một số người phải kiêng muối, tức không được ăn mặn, như người bị bệnh tăng huyết áp chẳng hạn.
Thực chất của kiêng muối chính là kiêng natri (muối ăn là natri clorid), trong khi bất cứ thuốc sủi bọt nào cũng chứa natri (nhằm phản ứng với axít citric có trong viên thuốc để gặp nước sẽ sủi bọt). Nếu người bị tăng huyết áp đang điều trị mà ăn nhiều muối hoặc dùng chất có nhiều natri thì huyết áp sẽ tăng vọt.
Thùy Linh
Theo GDVN