Thuốc cam là gì?

15:44 14/04/2015

(Giúp bạn)Thuốc cam được cho là một phương thuốc trong dân gian có tác dụng chữa bệnh và kích thích trẻ ăn uống. Nhiều phụ huynh sử dụng thuốc cam cho con mà không hề có kiến thức về loại thuốc này.

Thuốc cam có tác dụng gì?

Người đưa tin dẫn lời TS. Nguyễn Duy Thuần - Phó giám đốc Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, "thuốc cam" là tên gọi dân dã của một bài thuốc y học cổ truyền, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thường được dùng chữa các bệnh ở trẻ nhỏ như tưa lưỡi, loét miệng, táo bón do nóng trong...

Bài thuốc này gồm nhiều loại dược liệu trong đó thành phần chính là tinh dầu cây chàm. Ở miền Bắc, "thuốc cam" được sử dụng khá phổ biến, thường do các cơ sở gia truyền bào chế. Trên các diễn đàn trên mạng về chăm sóc trẻ như webtretho.com, lamchame.com, nhiều ông bố, bà mẹ cũng chia sẻ với nhau về cách dùng, địa chỉ mua thuốc cam chữa bệnh cho con.

Ngoài công dụng chữa tưa lưỡi, táo bón, nhiệt miệng, thuốc cam còn được cho rằng có thể kích thích ăn uống, trẻ uống thuốc cam sẽ tránh được các bệnh tật và hay ăn chóng lớn.

Và theo thống kê của Vụ Y dược cổ truyền dựa trên báo cáo của các cơ sở điều trị cho thấy trẻ ngộ độc chì phải nhập viện đều liên quan đến sử dụng chế phẩm được gọi là “thuốc cam” - dạng bột, có màu cam hoặc nâu đỏ được bao gói bằng giấy hoặc túi nilông, không nhãn, không tên, dùng để bôi lên niêm mạc miệng hoặc uống chữa “tưa lưỡi”.

-1

Thuốc cam

Thuốc cam khiến trẻ bị nhiễm độc chì

Chia sẻ trên Zing news, BS. Đào Hữu Nam, Khoa Hồi sức cấp cứu - BV Nhi TW cho hay, chỉ trong vòng 2 tháng trở lại đây, khoa liên tục tiếp nhận các bé nhiễm độc chì do dùng thuốc cam. Trong đó, 3 trường hợp bệnh nhi nhập viện gần đây nhất đều chỉ được phát hiện nhiễm độc khi các bé đã rơi vào tình trạng nguy kịch như co giật, li bì, hôn mê.

Khi đã có những biểu hiện nặng về thần kinh, các cháu có thể gánh chịu những di chứng nặng nề như chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù, liệt vĩnh viễn.

"Chì là một chất rất độc hại cho sức khỏe gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, huyết học, dạ dày, đường ruột, tim mạch và thận. Khi xâm nhập cơ thể, kim loại này tích lũy lâu trong nội tạng (đặc biệt là xương) và phải mất hàng chục năm mới có thể thải trừ ra ngoài", bác sĩ này cho hay.

Tuy nhiên, do phần lớn trẻ bị nhiễm độc chì không có biểu hiện điển hình, nên nhiều gia đình thường chủ quan khi sử dụng thuốc.

Sử dụng thuốc cam: Không nên chủ quan với dấu hiệu lạ

Khi dùng thuốc cam để bôi cho trẻ hoặc cho trẻ uống, rất nhiều cha mẹ thấy trẻ có dấu hiệu lạ như ăn vào là chớ, ngủ thì vật vã hay ra mồ hôi trộm thì lại chủ quan cho rằng đó là bình thường nên không đưa đi khám kịp thời.

Cũng có nhiều trường hợp trẻ có những dấu hiện bất thường này được cha mẹ đưa đi khám những không tìm ra bệnh. Cho đến khi cháu bé bị co giật và phải chuyển lên bệnh viện ở Hà Nội, thì các bác sĩ kết luận được là cháu bị nhiễm độc chì do uống thuốc cam.

Trên thực tế, có nhiều trẻ bị nhiễm chì nhưng biểu hiện bệnh không rõ ràng, chỉ chớ, ra mồ hôi trộm, ngủ giật mình, sốt, co giật…

Các bác sĩ khuyến cáo, các bậc cha mẹ, khi trẻ mắc các bệnh nhẹ như tưa lưỡi thì chỉ cần dùng mật ong, nước chè cọ lưỡi cho trẻ, nếu không khỏi thì nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ chỉ định thuốc hợp lý, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, nhất là thuốc không rõ nguồn gốc cho trẻ.

Phòng tránh nhiễm độc chì ở trẻ em

"Để đề phòng ngộ độc chì ở trẻ nhỏ, gia đình không nên tự ý mua và sử dụng các thuốc nam để uống, bôi. Khi có bệnh, chỉ sử dụng các thuốc của nhà sản xuất và phân phối có nhãn mác ghi rõ địa chỉ, chứng nhận cho phép của các cơ quan chức năng", bác sĩ Nam khuyến cáo.

Ngoài ra, gia đình cũng cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho trẻ như rửa tay, cắt móng tay, tránh để trẻ mắc thói quen đưa tay và mọi vật lên miệng; vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, hạn chế để trẻ nhỏ tiếp xúc với đồ chơi không rõ nguồn gốc có thể nhiễm kim loại nặng và chì.

Đặc biệt, ngộ độc chì kinh niên (còn gọi ngộ độc trường diễn) có thể xảy ra do ăn các thực phẩm đóng hộp hàn bằng thiếc lẫn chì, uống nước dẫn qua đường ống pha chì, hít phải bụi chì và các hợp chất của nó trong các nhà máy sản xuất sơn, làm bình ăcquy...

Để tránh nhiễm độc chì cần chú ý cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu lượng bụi chì và hợp chất của nó xâm nhập cơ thể. Cha mẹ cần lưu ý đồ dùng sinh hoạt (như cốc thủy tinh, chén bát nhựa, đồ chơi trẻ em... in hình màu mè sặc sỡ) xem có chứa chì quá giới hạn cho phép.

Cha mẹ cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ trẻ bị nhiễm độc chất từ việc lựa chọn đồ chơi cho trẻ. Tốt nhất không chọn đồ chơi sơn phủ màu sắc sặc sỡ, lòe loẹt.

Nhiễm độc chì ảnh hưởng về lâu dài và điều trị mất nhiều thời gian

Về độc tính, các muối chì đều rất độc và độc tính của nó rất phức tạp. Khi vào cơ thể, chì tích lũy trong các mô nhiều mỡ như não, gan, hoặc mô nhiều sừng như da, lông, tóc, móng. Nếu chì hiện diện trong máu trên 0,3ppm sẽ ngăn cản quá trình oxy hóa glucose tạo ra năng lượng duy trì sự sống, nhưng nếu hàm lượng chì trong máu trên 0,8ppm sẽ gây thiếu máu do thiếu hụt hemoglobin (tức huyết sắc tố tạo màu đỏ hồng cầu có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong hô hấp).

Dù bị nhiễm độc chì ở nồng độ thấp hay cao cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nhiễm trì nặng, không được thải độc kịp thời để lại di chứng nguy hại. Các cháu bị nhiễm chì sẽ bị suy giảm trí tuệ, lùn, khả năng học kém, rối loạn tư duy.

Đặc biệt, nồng độ chì trong máu có tương quan với chỉ số IQ của trẻ, nồng độ nhiễm chì trong máu càng cao thì chỉ số IQ sẽ càng giảm. Để loại bỏ chì ra khỏi cơ thể phải có quá trình điều trị lâu dài vì chì có thời gian bán thải rất dài có thể tới vài chục năm.

Theo PGS Hồng Thu, Phó Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thì ngoài những tác hại trên, nhiễm chì cũng có thể ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục sau này của trẻ. Thời gian bán thải của chì rất dài, nhất là những trường hợp chì đã gắn vào xương.

Trà Mi

Nên đọc
-2 Bệnh viêm xoang chữa trị như thế nào?
-3 Người bị huyết áp thấp nên ăn gì?
-4 Viêm gan siêu vi B lây qua đường nào?
-5 Tác dụng của nước lá vối

Theo GDVN

Comments