Thuốc tiêm hay thuốc uống tốt hơn?
(Giúp bạn)Thuốc uống luôn là ưu tiên vì thuốc tiêm, truyền tác dụng nhanh thì tác dụng phụ cũng nhanh và dễ gặp hơn. với một trong những tác dụng phụ đáng lo ngại là tình trạng dị ứng thuốc.
Khi nào cần dùng thuốc tiêm hay thuốc uống?
Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, thuốc bao giờ cũng có các dạng bào chế khác nhau để thầy thuốc lựa chọn cho phù hợp với từng mức độ bệnh, tình trạng bệnh nhân và dễ dàng sử dụng, thuận lợi cho người bệnh và nhất là đối với người cao tuổi, trẻ em.
Khi thầy thuốc quyết định cho người bệnh sử dụng thuốc uống hay thuốc tiêm (tiêm bắp, tiêm dưới da hay tiêm tĩnh mạch chậm, tiêm nhỏ giọt) là hoàn toàn phụ thuộc vào mục đích điều trị, kết hợp với tình trạng thực tế của người bệnh cũng như về dược lực, dược động học của thuốc ấy (thời gian phát huy tác dụng và hết tác dụng của thuốc).
Yêu cầu khi dùng thuốc là phải chọn lựa loại thuốc tốt có nghĩa là thuốc nhanh chóng có được nồng độ đủ để phát huy tác dụng kịp thời sau khi sử dụng, có thời gian tồn tại trong máu càng lâu càng tốt, để không phải dùng nhiều lần trong ngày.
Mặt khác thuốc không gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, dễ sử dụng, mùi vị dễ chịu khi uống hoặc khi tiêm ít đau và giá thành hợp lý nhất.
Về dược động học, khi đưa bất cứ một thứ thuốc nào vào cơ thể, thuốc cũng cần có một thời gian nhất định để hấp thu vào máu, đủ để phát huy tác dụng và sẽ bị cơ thể loại bỏ bằng các cách khác nhau ra khỏi cơ thể.
Thuốc dùng qua đường tiêm sẽ nhanh chóng có nồng độ cao trong máu và trong vùng bị bệnh, nghĩa là sẽ sớm phát huy tác dụng. Nhưng thuốc tiêm cũng nhanh chóng bị đào thải ra khỏi cơ thể.
Chẳng hạn khi sử dụng kháng sinh như tiêm ampicilin qua đường tĩnh mạch, sau 2 – 3 phút sẽ có nồng độ tối đa trong máu và thuốc sẽ bị loại trừ ra khỏi cơ thể sau 5 giờ nên phải tiêm ít nhất 4 lần mới giữ được nồng độ thuốc thích hợp để có thể chống được vi khuẩn sinh sôi nảy nở trong máu.
Còn nếu tiêm bắp sẽ mất 45 - 60 phút để có nồng độ tối đa cần thiết và sẽ bị đào thải khỏi cơ thể sau 7 -8 giờ, như vậy đòi hỏi phải tiêm bắp ít nhất 3 lần mỗi ngày mới đủ tác dụng. Ngược lại, nếu uống phải mất 2 giờ sau mới đạt nồng độ tối đa cần thiết nhưng thuốc chỉ bị đào thải phần lớn sau khoảng 10 giờ và người bệnh chỉ cần uống 2 lần mỗi ngày cũng có thể đủ tác dụng cần thiết.
Như vậy trong thực tế phải dùng đường tiêm bắt buộc với những trường hợp có rối loạn hấp thu tại đường tiêu hóa, hay nôn trớ thường xuyên nên không thể đưa thuốc vào đường tiêu hóa. Hoặc trong trường hợp nhiễm khuẩn quá nặng (nhiễm khuẩn máu có choáng, nhiễm khuẩn máu do não mô cầu… ).
Còn trong đại đa số tình trạng khác đều có thể dùng đường uống với liều lượng thích hợp sẽ có tác dụng chữa bệnh như đường tiêm. Dùng đường uống còn tránh được đau đớn cho bệnh nhân nhất là trẻ em, ít có tác dụng phụ và tai biến hơn tiêm, dễ dùng và giá thành hợp lý.
Nguy cơ từ thuốc tiêm cao hơn thuốc uống
Chia sẻ trên Báo điện tử Người lao động, BS Tô Vĩnh Ninh, Trưởng Khoa Cấp cứu và ngoại trú BV Quốc tế Hạnh Phúc cho biết, bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc qua hình thức tiêm, truyền trong các trường hợp: bệnh nhân không thể uống thuốc được (do hôn mê, quá yếu, có vấn đề về khả năng nuốt…), các ca cấp cứu cần thuốc có tác dụng nhanh, khi sử dụng những loại thuốc không có dạng viên nén...
Thuốc uống luôn là ưu tiên và phòng điều dưỡng ở các BV thường có trách nhiệm thống kê, theo dõi lượng thuốc uống, tiêm, truyền được chỉ định để bảo đảm thuốc tiêm, truyền không bị lạm dụng. Quan trọng hơn, thuốc dùng qua đường tiêm, truyền tác dụng nhanh thì tác dụng phụ cũng nhanh và dễ gặp hơn.
BS Ninh cho biết, một trong những tác dụng phụ đáng lo ngại là tình trạng dị ứng thuốc, biểu hiện nặng nhất là sốc phản vệ. Tỉ lệ sốc khá thấp nên bệnh nhân không nên quá lo ngại nhưng cũng đừng chủ quan và rước những nguy cơ không cần thiết khi cố yêu cầu bác sĩ chích thuốc trong khi tình trạng của mình chỉ cần vài viên thuốc uống.
TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó Giám đốc BV Nguyễn Trãi, phân tích rằng, cùng một loại thuốc nhưng nếu đưa vào thẳng mạch máu qua ngả tiêm, truyền dịch thì thuốc sẽ tiếp xúc thẳng với hệ miễn dịch của cơ thể nên dễ gây phản ứng hơn so với thuốc uống.
Điều này có nghĩa là khả năng sốc phản vệ do thuốc cũng cao hơn. Chưa kể nếu bệnh nhân được tiêm, truyền thuốc ở nơi không có điều kiện bảo đảm, hệ thống ống truyền, kim tiêm… không sạch sẽ, thuốc không được bảo quản đúng cách hay lẫn tạp chất… thì nguy cơ bị phản ứng, sốc phản vệ còn nhiều hơn, không phải sốc do thuốc mà do chính các tạp chất, bụi bẩn xâm nhập cơ thể.
Vì những lý do trên, biện pháp tiêm, truyền thuốc chỉ được áp dụng nhiều nhất ở khoa cấp cứu, khoa hồi sức tích cực. Cho rằng “chích thuốc thì mau khỏe hơn uống” là không đúng”.
Ngoài ra, theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, nhiều người nghĩ đơn giản chỉ tiêm thuốc bổ thì an toàn, không nguy hiểm như tiêm kháng sinh nhưng điều này chưa chắc. Theo các nghiên cứu, một số loại vitamin như B1, B6, B12, C... cũng thuộc nhóm dễ gây sốc phản vệ nếu tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch.
Ngay cả trong BV, nơi có đủ phương tiện, bác sĩ hết sức cân nhắc khi tiêm những loại này và chỉ áp dụng cho các bệnh nhân đã quá suy kiệt, hôn mê...
Thuốc tham khảo: Itranstad Chỉ định |
Thùy Linh
Theo GDVN