Tính miễn dịch của sữa mẹ
(Giúp bạn)Sữa mẹ là dịch thể sinh học tự nhiên chứa nhiều chất kháng khuẩn, tǎng cường sức đề kháng cho trẻ. Trong sữa mẹ có những yếu tố miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể mà không một thức ǎn nào có thể thay thế được nên trẻ được bú sữa mẹ sẽ ít mắc bệnh.
Tính miễn dịch trong sữa mẹ
Theo Sức khỏe và Đời sống, sữa mẹ không chỉ đơn thuần là một tập hợp các chất dinh dưỡng, nó là một dịch thể sống có độ phức hợp sinh học rất cao, vừa có tính bảo vệ tích cực, vừa có tính điều khiển miễn dịch.
Các đặc tính chống lây nhiễm trong sữa non và sữa trưởng thành có cả thành phần hòa tan và thành phần tế bào, các thành phần hòa tan bao gồm immunoglobulin (IgA - IgM IgG), lysozyme, lactoferin, nhân tố nhị phân, các enzym và các chất điều khiển miễn dịch khác. Các thành phần tế bào bao gồm macrophage (chứa IgA, lysozyme và lactoferin) tế bào limpho, bạch cầu hạt trung tính và các tế bào biểu mô. Các cấu phần này tập trung rất cao ở sữa non và giảm đi ở sữa trưởng thành.
SIgA là thành phần globulin quan trọng nhất, nó được tạo ra bởi các tế bào nhũ tương (Plasma) dưới biểu mô của hệ ruột. Nghiên cứu các mẫu sữa non nồng độ globulin miễn dịch SIgA cao nhất trong ngày đầu, giảm dần ở ngày thứ 2 và ngày thứ 3 chỉ còn khoảng 1/4 so với ngày đầu (Đào Ngọc Diễn - Nguyễn Văn Bàng & CS) do đó cần cho trẻ bú sớm ngay sau khi đẻ, để trẻ bú được sữa non rất phù hợp tiêu hóa của trẻ đồng thời bảo vệ cơ thể trẻ chống lại nhiễm khuẩn ngay sau khi chào đời.
Những ưu thế khi nuôi con bằng sữa mẹ
- Sữa mẹ đã được xác nhận là một thức ăn hoàn hảo nhất trong 6 tháng đầu đời của trẻ.
- Sữa mẹ sạch, không có vi khuẩn lại chứa nhiều kháng thể chống lại nhiều loại vi khuẩn khác nhau, các tế bào bạch cầu diệt vi khuẩn.
- Tăng cường sự gắn bó, tình thương yêu giữa mẹ và con, giúp trẻ phát triển bình thường.
- Tăng cường sức khỏe cho mẹ: Giúp ngừng chảy máu sau đẻ nhanh, co hồi tử cung nhanh; Mẹ chóng phục hồi sức khỏe; Bú mẹ thường xuyên giúp tránh thai.
- Thuận tiện: Sữa mẹ luôn có sẵn, không phải chế biến; Sữa mẹ không bao giờ bị chua, hỏng ở trong vú, thậm chí ngay cả khi người mẹ không cho con bú trong vài ngày; Sữa mẹ không phải mua nên không tốn kém.
SIgA còn được tạo ra từ tuyến vú, nó chịu được các enzym phân giải protein và nồng độ pH thấp, IgA tan sẽ bao phủ niêm mạc ruột như ruột “lớp sơn trắng” và làm cho nó không bị các mầm bệnh thâm nhập vào. Người ta tin rằng, các kháng thể IgA sẽ bao bọc các độc tố vi khuẩn và các kháng nguyên phân tử lớn (macromolecular antigen) do vậy ngăn chặn sự tiếp cận của chúng với biểu mô. Sữa mẹ cũng kích thích sự sản xuất SIgA của bản thân đứa trẻ.
Lysozyme là một enzym có đặc tính tiêu diệt vi khuẩn và chống lại một số virut, ở sữa mẹ có hàm lượng lớn hơn 5.000 lần so với sữa bò.
Lactoferin là một glucoprotein bọc sắt chưa bão hòa, bảo vệ sắt chống lại các vi sinh vật sống phụ thuộc sắt, do đó nó là loại kìm khuẩn. Cũng giống SIgA, lactoferin chịu được các hoạt động phân giải protein.
Nhân tố nhị phân được đề cập trong các thành phần hòa tan, đó là một carbonhydrat chứa nitơ, dễ bị thủy phân bởi nhiệt, nó xúc tiến sự tụ cư ở ruột nhờ các lactonbacilli với sự có mặt của lactose. Kết quả, nồng độ pH thấp ở lòng ống ruột sẽ làm ức chế sự phát triển của E.Coli vi khuẩn Gram (-) và các loại nấm như Candida albican.
Bất cứ một mầm bệnh nào mà người mẹ bị nhiễm cũng làm kích thích sự sản xuất các kháng thể đặc trưng có mặt trong sữa mà con của bà mẹ đó nhận được.
Trong ống nghiệm, sữa mẹ đã được chứng tỏ là tích cực chống lại nhiều mầm bệnh như E.Coli, V.Choleare, Salmonella, Shigella... và có tính bảo vệ đặc trưng chống lại rất nhiều trong các mầm bệnh này (gồm virus Rubella, Herpes simple... và cả ký sinh trùng như G.Lamblia). Đến nay, chưa có một nghiên cứu nào về vai trò ngăn ngừa và chữa trị tiềm tàng của sữa mẹ đối với sự lây nhiễm HIV.
Hoạt động của các cấu phần tế bào của sữa mẹ còn chưa được rõ. Mức tập trung cao nhất là các đại thực bào, tiếp đến là tế bào lympho và bạch cầu hạt trung tính. Những tế bào ngăn ngừa sự lây nhiễm bằng cách tổng hợp thực bào (bạch huyết cầu) và sự tiết ra các chất miễn dịch có mức độ cao đặc trưng nào đó với các vi sinh vật mà người mẹ tiếp xúc.
Báo Phụ nữ Online cho biết, ngoài tính miễn dịch, sữa mẹ còn là nguồn dồi dào các chất dinh dưỡng:
+ Chất đạm:
Nếu như trong sữa bò, chất đạm có thành phần β-lactoglobulin có thể khiến cơ thể trẻ không dung nạp được sữa thì trong sữa mẹ có nhiều α-lactalbumin. Vai trò của chất này là giúp chất béo trong sữa mẹ dễ tiêu hóa và trẻ hấp thụ rất tốt.
Ngoài ra, trong chất đạm sữa mẹ có nhiều loại axit được điều tiết phù hợp cho sự tăng trưởng của trẻ qua từng giai đoạn. Sữa công thức chỉ bắt chước được sữa mẹ theo chế độ dinh dưỡng, còn tính sinh học thì không thể.
Thành phần đạm trong sữa mẹ có hoạt tính sinh học như: men tiêu hóa (amylase, protease, lipase...), yếu tố miễn dịch (immunoglobulins, lactoferrin, lysozyme, bifidus, factor, cytokins, tế bào miễn dịch...), hormons và các yếu tố tăng trưởng (như: epidermal growth F., prolactin, thyroxin, insulin, HGH, FSH, TSH...). Tính sinh học này đã khiến các loại sữa công thức phải “ghen tị”.
Đặc biệt, chất đạm của sữa mẹ có hoạt tính sinh học, không chỉ cung cấp hàm lượng dinh dưỡng đơn thuần mà còn giúp các hoạt chất khác hoạt hóa. Cụ thể, sữa mẹ kích thích tạo ra các kháng thể bền vững (S-IgA) trong môi trường axit của dịch vị và các men thủy giải của dịch tiết, có khả năng chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn qua đường niêm mạc như: nhiễm trùng tiêu hóa, nhiễm trùng tiết niệu sinh dục, ngăn cản sự bám dính của các vi khuẩn lậu cầu, phế cầu, vi-rút cúm... Và kháng thể S-IgA lại có rất nhiều trong sữa non của mẹ (được tiết ra trong một tuần đầu sau sinh).
+ Chất đường
Chủ yếu là lactose và có cả axit sialic là thành phần của oligosaccharides cấu tạo khớp thần kinh, giúp bé chống nhiễm trùng và tăng khả năng học tập.
+ Chất béo
Cung cấp đến 50-55% năng lượng cho bé và càng về cuối cữ bú thì sữa càng nhiều chất béo. Chất béo được hấp thu dễ dàng qua niêm mạc ruột nhờ cấu trúc lipid đôi. Cấu trúc này được hình thành nhờ cơ chế tế bào sản xuất và tiết sữa của cơ thể người mẹ.
Trong khi chất béo trong sữa công thức chỉ là một lớp lipid chứ không phải là màng tế bào (lipid đôi) nên sẽ được hấp thu hoàn toàn qua niêm mạc em bé. Trong chất béo của sữa mẹ có 99% là triglycerides và 1% là phospholipids, cholesterol, axit béo tự do, diglycerides.
Ngoài ra, trong chất béo còn có axit Docosahexaenoic (DHA) và axit Arachidonic (ARA) giúp phát triển hệ thần kinh. Còn sữa công thức không có sự đồng nhất trong các tỷ lệ này.
+Vitamin và khoáng chất
Khoáng chất trong sữa không phụ thuộc vào chế độ ăn của mẹ, dù sắt và kẽm có nồng độ thấp nhưng tính khả dụng sinh học lại được hoạt tính tối đa, giúp trẻ hấp thu cao. Ngoài ra, thành phần canxi trong sữa mẹ là 1,9-2,4 so với phốt pho là 1.
Đây là điều mà sữa công thức mong muốn đạt được, tuy nhiên, dù sữa công thức có bổ sung nhiều canxi hơn sữa mẹ thì cơ thể trẻ cũng không hấp thu hết và tối ưu như canxi trong sữa mẹ, thậm chí canxi trong sữa công thức nhiều còn gây táo bón cho bé.
Thùy Linh
Theo GDVN