Trẻ ăn đặc quá sớm có thể gặp vấn đề về tiêu hóa
(Giúp bạn)Ăn thức ăn đặc (còn gọi là giai đoạn ăn dặm) quá sớm không tốt cho đường ruột của bé, có thể khiến trẻ cáu kỉnh vì không tiêu.
Vnexpress dẫn tin theo Parentables, nhiều trẻ em dưới 6 tháng tuổi đã được cho ăn những bữa bột hoàn toàn vì cha mẹ nghĩ rằng ăn đặc sẽ giúp trẻ no bụng hơn và có thể ngủ qua đêm. Tuy nhiên, nếu ăn thức ăn đặc sớm quá, bé sẽ không được hưởng đầy đủ những lợi ích của việc bú sữa hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.
Lý do không nên cho trẻ ăn đặc khi bé chưa đến 6 tháng tuổi
1. Do sự phát triển thể chất của bé
Đến 6 tháng tuổi, trẻ em mới phát triển đầy đủ về thể chất để sẵn sàng ăn thức ăn đặc. Lúc này, bé có thể ngồi dậy và đã mọc răng, đây là hai dấu hiệu rõ ràng nhất để một đứa trẻ có thể ăn thức ăn đặc. Trẻ sơ sinh thường có phản xạ đẩy lưỡi để phản đối bất kỳ vật nào dược đưa vào miệng chúng.
Phản xạ này giúp trẻ không bị nghẹt thở nhưng cũng gây khó khăn rất nhiều cho việc ăn dặm. Một khi cơ thể trẻ em đã đủ phát triển về mặt thể chất, việc chuyển sang ăn thức ăn đặc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, đồng thời cũng làm giảm bực bội cho cả người chăm sóc lẫn chính các bé.
2. Do sự phát triển của các vi khuẩn đường ruột và các enzyme tiêu hóa
Các vi khuẩn có ích sống trong hệ tiêu hóa cần một thời gian nhất định để phát triển và những enzyme tiêu hóa phức tạp chỉ được sản xuất khi trẻ đã đủ 6 tháng tuổi. Cả vi khuẩn và enzyme đều là yếu tố cần thiết giúp chuyển hóa tinh bột, carbohydrates và chất béo để có thể hấp thụ vào máu nuôi cơ thể một cách đúng đắn nhất.
Khi không thể xử lý thực phẩm, bé sẽ dễ cáu kỉnh, hay "xì hơi" và bị táo bón. Việc cho trẻ ăn dặm quá sớm có thể liên quan đến bệnh loét dạ dày, tiểu đường và eczema.
3. Ăn thức ăn đặc quá sớm làm giảm khả năng hấp thụ sắt và các dinh dưỡng khác
Nghiên cứu cho thấy trẻ được ăn ngũ cốc có bổ sung sắt cùng các vitamin và khoáng chất khác thường không hấp thụ được nhiều sắt ở những thực phẩm này. Trong khi đó, bú sữa mẹ, trẻ có thể duy trì đươc một lượng huyết sắc tố (hemoglobin) và sắt ồn định trong cơ thể.
Điều đó có nghĩa trẻ dễ dàng hấp thụ sắt trong sữa mẹ hơn là trong thức ăn đặc. Với những bé uống sữa công thức cũng thế, nếu bé càng ăn dặm sớm, bé càng nhận được ít năng lượng từ những thực phẩm này.
Ngoài ra, theo Tuổi trẻ Online, một số thắc mắc và giải đáp cho các mẹ về ăn dặm cho bé như sau:
- Khi nào trẻ ăn được cả xác ?
Ngay từ khi 6 tháng tuổi vì lúc này đường tiêu hóa của trẻ đã có khả năng tiêu hóa các loại thực phẩm.
- Nếu trẻ phun thức ăn thì làm thế nào ?
Đây là phản ứng bình thường của trẻ vì trẻ chưa biết nhai và nuốt nên cứ bình tĩnh cho trẻ ăn lại.
- Nếu trẻ khóc khi ăn?
Có thể là do trẻ phản ứng với thức ăn lạ. Vì vậy đầu tiên cho trẻ ăn những thực phẩm giống như bột sữa, bột trứng, bột tàu hũ… không nên nêm nếm quá mặn, hoặc nhiều gia vị sẽ gây “sốc” cho trẻ.
- Cháo và bột thì cái nào tốt hơn?
Bột có năng lượng cao hơn cháo và dễ làm hơn. Nếu trẻ thích ăn bột thì hãy cho trẻ ăn đến khi chuyển sang ăn cơm. Có thể tập cho trẻ nhai bằng cách cho trẻ ăn các loại bánh dinh dưỡng khác.
Thùy Linh
Theo GDVN