Vẹo cột sống ở trẻ
(Giúp bạn)Một trong những dị tật nặng trẻ em hay gặp là vẹo cột sống. Tuy nhiên không phải cha mẹ nào cũng có nhận thức đúng về mối nguy đó. Thực tế thăm khám ghi nhận nhiều trường hợp vì cha mẹ đánh giá không đầy đủ dị tật này nên đã đưa đến những quyết định chăm sóc sức khỏe con em mình sai lầm.
- 1
Trẻ vẹo cột sống do di truyền từ cha mẹ?
Vẹo cột sống có nhiều nguyên nhân: bẩm sinh; vẹo cột sống kèm các bệnh lý tuỷ sống hay thần kinh cơ (bướu đa sợi thần kinh, hội chứng Marfan, rỗng tuỷ sống, thoát vị hạnh nhân tiểu não…); vẹo cột sống vô căn (không rõ nguyên nhân. Chiếm đa số, khoảng 70%)…
Khoảng 30% cháu vẹo cột sống có tiền căn gia đình liên quan đến di truyền. Đa số trẻ dưới ba tuổi vẹo cột sống bẩm sinh hay liên quan bệnh lý, khó điều trị và tiên lượng nặng. Khoảng 20% trẻ vẹo cột sống thiếu nhi (từ 3 – 10 tuổi) có nguyên nhân bệnh lý kèm theo, đa số không rõ nguyên nhân. Sau mười tuổi, thanh thiếu niên vẹo cột sống thường là vô căn, diễn biến nặng cho đến khi dừng lại ở tuổi trưởng thành, điều trị thường cho kết quả tốt dù bảo tồn hay phẫu thuật.Khi điều trị trễ, vẹo càng nặng, phẫu thuật càng nguy hiểm, dự hậu càng dè dặt. Vì vậy, cha mẹ phải hết sức quan tâm đến cột sống con em. Các cháu cũng chớ e dè hỏi ý kiến cha mẹ, thầy cô khi thấy mình mặc áo dài không đẹp do gù nhô xương sườn, hay thấy bất thường ở vai (vai này thấp hơn vai kia).
- 2
Cách phát hiện sớm vẹo cột sống
Cha mẹ, người thân, bạn bè hay thầy cô giáo có thể thực hiện định kỳ “nghiệm pháp Adams” để phát hiện sớm vẹo cột sống ở trẻ:
- Nhìn từ phía sau lưng các cháu bị tật vẹo cột sống, khi các cháu đứng thẳng, sẽ thấy: vai xệ một bên, lồng ngực nhô lên một bên, có thể kèm theo vùng hông – thắt lưng nhô phía bên kia; xương chậu và háng cao hơn bên kia; cột sống lệch sang bên.
- Cho cháu cúi thắt lưng, nhìn phía sau lưng sẽ thấy rõ lồng ngực hay hông thắt lưng nhô lên một hay hai bên.
- Còng cột sống được nhìn thấy khi cho các cháu cúi thắt lưng và người khám nhìn ngang.
- 3
Tuỳ mức độ vẹo, cách trị khác nhau
Trẻ có góc vẹo dưới 20 độ: sẽ được theo dõi đánh giá bởi X-quang thường quy mỗi ba hay sáu tháng. Quanh tuổi dậy thì, khảo sát X-quang nên nhặt hơn. Việc tập luyện cơ bắp, cơ vùng bụng và thắt lưng như đu xà ngang… giúp trẻ khỏe và mềm dẻo hơn, nhưng không phải biện pháp điều trị. Không nên cho kéo tạ, nắn bẻ xương sống, châm cứu, day bấm huyệt… vì không giúp ngăn chặn vẹo cột sống.
Trẻ có góc vẹo giữa 20 và 40 độ: cho mang nẹp thân. Cần lưu ý mang loại áo nẹp đúng chỉ định: nẹp Boston cho vẹo cột sống thắt lưng, nẹp Milwaukee cho vẹo cột sống ngực. Nẹp đêm không có giá trị cho trẻ vẹo cột sống, lạm dụng có thể gây trì trệ việc điều trị đúng mức.
Trẻ có độ vẹo trên 40 độ: can thiệp phẫu thuật. Hiện tiến bộ nhất là áp dụng ốc chân cung cho toàn bộ cấu hình nắn chỉnh vẹo cột sống và hàn xương sống sau với ghép tự thân (mào chậu). Nắn chỉnh vẹo cột sống bằng phẫu thuật rất nguy hiểm khi trẻ đến muộn do chức năng hô hấp đã kém, độ vẹo quá lớn và chi phí dụng cụ mua của nước ngoài càng cao, hiện từ 2.000 – 5.000 USD. Đối với các cháu quá nhỏ tuổi, điều trị phẫu thuật khó hơn vì còn tính đến sự tăng trưởng của các cháu.