Vì sao thời hiện đại con người dễ mắc bệnh tâm thần?

21:10 10/02/2014

(Giúp bạn)Mỗi ngày, khoa khám của bệnh viện Tâm thần TPHCM tiếp nhận từ 500-600 bệnh nhân. Nếu như trước kia bệnh nhân mắc chứng tâm thần phân liệt là chủ yếu thì hiện trên 50% bệnh nhân là do các chứng trầm cảm, rối loạn lo âu, mất ngủ...

Theo bảng phân loại quốc tế về các rối loạn tâm, bệnh tâm thần hiện chia thành gần ba trăm loại. Ví như tâm thần phân liệt; các rối loạn lo âu; rối loạn thích ứng; rối loạn hành vi; rối loạn giấc ngủ; rối loạn tình dục; rối loạn lưỡng cực; trầm cảm...

  • 1

     Đổ vỡ tình cảm, thất bại kinh doanh...

    Với chứng tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, đến nay y học vẫn chưa tìm thấy nguyên nhân. Hiện đây là những bệnh được cho là có nhiều yếu tố gây nên, trong đó có yếu tố di truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia.

    vi-sao-thoi-hien-dai-con-nguoi-de-mac-benh-tam-than-1
    Các nghiên cứu đã tìm thấy ở những cặp sinh đôi cùng trứng có dấu hiệu tâm thần phân liệt hay trong các trường hợp bố mẹ bị bệnh, con cái cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn quần thể chung. Bên cạnh đó, yếu tố sinh học cũng ảnh hưởng đến các bệnh tâm thần. Các dẫn chất thần kinh như dopamin, serotonine, norepinephrine… trong não bộ tăng lên hay giảm xuống được nhận thấy trong môt số bệnh.

    Ngoài những yếu tố trên, môi trường sống cũng là yếu tố tác động rất nhiều đến tinh thần, ví như đổ vỡ tình cảm hay thất bại trong kinh doanh, nghề nghiệp, tình trạng stress kéo dài. Một yếu tố không kém phần quan trọng nữa là bản lĩnh của mỗi người, người mạnh mẽ thì dễ vượt qua các khó khăn trong cuộc sống, người yếu đuối, phụ thuộc, thì ngược lại và họ dễ mắc các rối loạn tâm thần hơn.

  • 2

    Áp lực công việc, học đường, thất thường sinh hoạt...

    Nhịp sống hiện đại luôn đòi hỏi con người phải có sự phấn đấu hết mức có thể. Ngoài công việc, họ cần liên tục trau dồi ngoại ngữ, công nghệ thông tin để nhanh chóng cập nhật những tri thức, kỹ năng mới. Giờ làm việc không còn dừng lại ở 8 tiếng, không phải làm đến hết giờ mà đến khi nào hết việc mới ngưng. Sự thất thường trong chế độ sinh hoạt, cộng với những áp lực lo toan sẽ bị sa thải, bị phá sản là con đường rất ngắn dẫn đến stress, tâm thần.

  • 3

     Cấu trúc gia đình bị phá vỡ

    Có thể nói cấu trúc gia đình thời hiện đại đã ít nhiều bị phá vỡ. Con cái trưởng thành không nhất thiết phải chung sống với bố mẹ. Có nhiều gia đình chỉ có hai ông bà già sống với nhau.

    Và chuyện sống chung hai, ba thế hệ dưới một mái nhà cũng tiềm ẩn nhiều khác biệt về cách nghĩ, cách sống. Người già thích nghe cải lương, ăn đồ nấu tại nhà, mặc quần áo kín đáo. Họ hay có thói quen áp đặt cách nghĩ, cái nhìn của mình lên con trẻ. Trong khi đó, giới trẻ lại thích hip hop, ăn fastfood, xài đồ thời trang...


    Một khi không cân bằng được cách sống giữa các thế hệ, mâu thuẫn sẽ diễn ra, nếu không được giải quyết, sự giằng xé giữa quá khứ và thực tại có thể dẫn đến tình trạng stress kéo dài, lúc đó trầm cảm có thể xuất hiện.

    Tỷ lệ trầm cảm ở phụ nữ hiện đã tăng gấp đôi so với nam giới. Người ta cho rằng, có một số giai đoạn đặc biệt như thai nghén, sinh nở, nuôi con, trách nhiệm với gia đình, giai đoạn tiền mãn kinh… có thể giải thích cho hiện tượng này. Ngoài thiên chức làm mẹ, làm vợ, người phụ nữ hiện cũng phải gánh vác công việc xã hội như nam giới. Điều này chắc chắn làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cho họ.

  • 4

    Nói với người bận rộn

    Sau khi tan sở, trở lại với đời thường, nên để lại công việc ở cơ quan. Gặp gỡ bạn bè, chơi thể thao, nghe nhạc. Cuối tuần, cùng vợ (chồng) con đi mua sắm, hoặc đi dã ngoại với cả gia đình. Có điều kiện thì tổ chức du lịch, về quê thăm họ hàng, người thân. Mỗi người cần có một đam mê, một thú vui nào đó để giảm căng thẳng từ công việc, ví như nghe nhạc, chơi một nhạc cụ, thành thạo một môn thể thao, hoặc học khiêu vũ...

    Nói cho cùng, chúng ta nên thiết lập một lối sống lành mạnh, biết chia sẻ và quân bình giữa tinh thần và thể chất. Một cơ thể cường tráng thì tinh thần cũng luôn sảng khoái.

    Những áp lực từ học đường cũng có thể khiến trẻ nhanh chóng rơi vào các rối loạn như lo âu, trầm cảm, rối loạn hành vi. Thời khoá biểu học dày đặc từ sáng đến tối. Thời gian nghỉ ngơi bị thu hẹp. Không được chơi, ít được tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh, cuộc sống của trẻ bó hẹp, không còn thời gian tiếp xúc với thiên nhiên, giao tiếp với bên ngoài xã hội. Sự học từ lúc nào trở thành nỗi ám ảnh trong đầu trẻ. Chúng sợ đến trường và dễ xuất hiện các rối loạn như nôn ói, khó thở, đau bụng mỗi khi cha mẹ kêu đi học.

Comments