Vitamin
(Giúp bạn)
Vitamin, hay sinh tố, là phân tử hữu cơ cần thiết ở lượng rất nhỏ cho hoạt động chuyển hoá bình thường của cơ thể sinh vật. Có nhiều loại vitamin và chúng khác nhau về bản chất hoá học lẫn tác dụng sinh lý.
Các loại vitamin
- Vitamin A, B1, B2, B3, B5, B6, B7, B9, B12, C, D1, D2, D3, D4, D5, E, K
- Vitamin A, D, E, K hòa tan trong chất béo
- Vitamin B, C hòa tan trong nước
Vitamin A
Còn có các tên là retinol, axerophthol...
Vitamin A tồn tại trong tự nhiên gồm 2 dạng:
- Retinol: dạng hoạt động của vitamin A, nó được đồng hoá trực tiếp bởi cơ thể.
- Tiền vitamin A: nó chính là một tiền chất của vitamin A được biết đến nhiều dưới tên bêta-caroten. Tiền chất này được chuyển hoá bởi ruột thành vitamin A để cơ thể có thể sử dụng.
Vitamin A có nhiều chức năng quan trọng đối với cơ thể con người:
- Thị giác: mắt được cấu tạo bởi các sắc tố có chứa vitamin A. Nó được hấp thụ bởi luồng thần kinh được vận chuyển nhờ dây thần kinh thị giác. Vì vậy sự có mặt của vitamin A là một phần không thể thiếu đối với việc đảm bảo thị giác của con người.
- Các mô: Vitamin A kích thích quá trình phát triển của các biểu mô như mô sừng, ruột và các con đường hô hấp. Nó cũng ảnh hưởng đặc biệt đến da, kích thích sự liền sẹo và phòng ngừa các chứng bệnh của da như trứng cá.
- Sự sinh trưởng: do vai trò quan trọng trong sự phát triển tế bào của con người, nên vitamin A là yếu tố không thể thiếu đối với sự phát triển cua phôi thai và trẻ em. Vitamin A còn có vai trò đối với sự phát triển của xương, thiếu vitamin A làm xương mềm và mảnh hơn bình thường, quá trình vôi hoá bị rối loạn.
- Hệ thống miễn dịch: do các hoạt động đặc hiệu lên các tế bào của cơ thể, vitamin A tham gia tích cực vào sức chống chịu bệnh tật của con người.
- Chống lão hoá: Vitamin A kéo dài quá trình lão hoá do làm ngăn chặn sự phát triển của các gốc tự do.
- Chống ung thư: hoạt động kìm hãm của nó với các gốc tự do cũng dẫn đến ngăn chặn được một số bệnh ung thư.
Vitamin D
Còn có các tên là antirachitic factor, calcitriol...
Đây là một nhóm hóa chất trong đó về phương diện dinh dưỡng có 2 chất quan trọng là ecgocanxiferon (vitamin D2) và colecanxiferon (vitamin D3). Trong thực vật ecgosterol, dưới tác dụng của ánh nắng sẽ cho ecgocanxiferon. Trong động vật và người có 7-dehydro-cholesterol, dưới tác dụng cửa ánh nắng sẽ cho colecanxiferon.
Vai trò:
- Hình thành hệ xương: vitamin này tham gia vào quá trình hấp thụ canxi và photpho ở ruột non, nó còn tham gia vào củng cố, tu sửa xương.
- Cốt hóa răng: tham gia vào việc tạo ra độ chắc cho răng của con người.
- Chức năng khác: vitamin D còn tham gia vào điều hoà chức năng một số gen. Ngoài ra, còn tham gia một số chức năng bài tiết cảu insulin, hormon cận giáp, hệ miễn dịch, phát triển hệ sinh sản và da ở nữ giới.
Vitamin E
Còn có các tên là tocopherol...
Vitamin E là một chất chống oxy hoá tốt do cản trở phản ứng xấu của các gốc tự do trên các tế bào của cơ thể.
Vai trò:
- Ngăn ngừa lão hoá: do phản ứng chống oxy hoá bằng cách ngăn chặn các gốc tự do mà vitamin E có vai trò quan trọng trong việc chống lão hoá.
- Ngăn ngừa ung thư: kết hợp với vitamin C tạo thành nhân tố quan trọng làm chậm sự phát sinh của một số bệnh ung thư.
- Ngăn ngừa bệnh tim mạch: vitamin E làm giảm các cholestrol xấu và làm tănng sự tuần hoàn máu nên làm giảm nguy cơ mắc các bênh tim mạch.
- Hệ thống miễn dịch: kích thích hệ thống miễn dịch hoạt động bình thường bằng việc bảo vệ các tế bào...
Vitamin B1
Còn có các tên là thiamin, aneurin...
Vitamin B1 đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra năng lượng cần thiết cho các hoạt động chức năng của con người.
Vai trò:
- Đồng hoá đường: vitamin B1 cần thiết cho việc tạo ra một loại enzym (tham gia vào thành phần của coenzyme) quan trọng tham gia vào quá trình chuyển hoá đường và quá trình phát triển của cơ thể. Khi thiếu vitamin B1 axit pyruvic sẽ tích lũy trong cơ thể gây độc cho hệ thống thần kinh. Vì thế nhu cầu vitamin B1 đối với cơ thể tỉ lệ thuận với nhu cầu năng lượng.
- Nhân tố ngon miệng: kích thích sự tạo thành một loại enzyme tham gia vào quá trình đồng hoá thức ăn, kích thích cảm giác thèm ăn.
- Sự cân bằng về thần kinh: Vitamin B1 tham gia điều hòa quá trình dẫn truyền các xung tác thần kinh, kích thích hoạt động trí óc và trí nhớ.
Vitamin B2
Còn có các tên là riboflavin...
Vitamin B2 giữ vai trò xác định trong các phản ứng của một số enzyme cần thiết cho quá trình hô hấp (tham gia vào thành phần của các enzyme vận chuyển hiđrô).
Vai trò:
- Cân bằng dinh dưỡng: vitamin B2 tham gia vào sự chuyển hoá thức ăn thành năng lượng thông qua việc tham gia sự chuyển hoá glucid,lipid và protein bằng các enzyme.
- Nhân tố phát triển
- Tình trạng của da
- Thị giác: vitamin B2 có ảnh hưởng tới khả năng cảm thụ ánh sáng của mắt nhất là đối với sự nhìn màu. Kết hợp với vitamin A làm cho dây thần kinh thị giác hoạt động tốt đảm bảo thị giác của con người.
Vitamin C
Còn có các tên là acid ascorbic...
Vitamin C là một chất chống oxy hoá tốt, nó tham gia vào nhiều hoạt động sống quan trọng của cơ thể.
Vai trò:
- Kìm hãm sự lão hoá của tế bào: nhờ phản ứng chống oxy hoá mà vitamin C ngăn chặn ảnh hưởng xấu của các gốc tự do, hơn nữa nó có phản ứng tái sinh mà vitamin E - cũng là một chất chống oxy hoá - không có.
- Kích thích sự bảo vệ các mô: chức năng đặc trưng riêng của viamin C là vai trò quan trọng trong quá trình hình thành collagen, một protein quan trọng đốI với sự tạo thành và bảo vệ các mô như da, sụn, mạch máu, xương và răng.
- Kích thích nhanh sự liền sẹo: do vai trò trong việc bảo vệ các mô mà vitamin C cũng đóng vai trò trong quá trình liền seo.
- Ngăn ngừa ung thư: kết hợp với vitamin E tạo thành nhân tố quan trọng làm chậm quá trình phát bệnh của một số bênh ung thư.
- Tăng cường khả năng chống nhiễm khuẩn: kích thích tổng hợp nên interferon - chất ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn và virut trong tế bào.
- Dọn sạch cơ thể: vitamin C làm giảm các chất thải có hại đối với cơ thể như thuốc trừ sâu, kim loại nặng, CO, SO2, và cả những chất độc do cơ thể tạo ra.
- Chống lại chứng thiếu máu: vitamin C kích thích sự hấp thụ sắt bởi ruột non. Sắt chính là nhân tố tạo màu cho máu và làm tăng nhanh sự tạo thành hồng cầu, cho phép làm giảm nguy cơ thiếu máu.
Triệu chứng khi thiếu các vitamin
Vitamin A
- Chế độ dinh dưỡng có đầy đủ sinh tố A giữ vai trò tối quan trọng cho mục tiêu phòng bệnh. Theo báo cáo của Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO), hiện vẫn còn hàng triệu người trong các nước chậm tiến mang bệnh do thiếu sinh tố A. Hàng năm, vẫn có không dưới nửa triệu trẻ con bị mù vì thiếu sinh tố A, trong số đó hơn 2/3 là trường hợp tử vong oan uổng, vì trên thực tế, phương thức phòng ngừa tình trạng thiếu hụt sinh tố A tương đối đơn giản.
Triệu chứng đầu tiên của tình trạng thiếu hụt sinh tố A là dấu hiệu quáng gà, nghĩa là tình trạng giảm sút thị lực vào buổi tối. Nếu nguồn dự trữ sinh tố A không được bù trừ, các triệu chứng khác như da khô, rụng tóc, gãy móng tay sẽ lần lượt xuất hiện. Tình trạng thiếu hụt sinh tố A nếu tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến hậu quả mất hẳn thị giác. Thêm vào đó là khuynh hướng bội nhiễm trầm trọng trên đường hô hấp, vì thiếu sinh tố A thì niêm mạc khí quản bị khô và tạo điều kiện thuận tiện cho vi trùng tác hại.
- Nguồn cung cấp sinh tố A chủ yếu là thực phẩm xuất xứ từ nguồn gốc động vật như: gan, cá biển, bơ, sữa, trứng... Thành phần sinh tố A trong thực phẩm động vật có thể đảm nhiệm hoàn hảo phần lớn các chức năng liệt kê ở đoạn trên, nhưng lại không có khả năng phòng chống hiện tượng ung thư và xơ cứng tế bào, vì khả năng này không được đảm nhiệm trực tiếp bởi sinh tố A mà thông qua một tác chất tiền thân của sinh tố A: beta-carotin, còn gọi là tiền sinh tố A. Chất này lại chỉ có trong thực phẩm rau trái như: rau dền, cà rốt, cải broc-coli, bí rợ, cà chua, ớt bị, đu đủ, gấc, dưa hấu, khoai ta... Tiền sinh tố A là thành phần làm trái cây có màu vàng cam, rau cải có màu xanh thẫm. Thành phần này đảm nhiệm trong cơ thể con người ba chức năng quan trọng:
- Trong điều kiện nuôi trồng ở Việt Nam, có vài loại thực phẩm cần được chú trọng vì tuy bình dân nhưng lại cung cấp dồi dào tiền sinh tố A, đó là khoai lang ta, rau dền và đu đủ.
Nhu cầu về tiền sinh tố A của cơ thể trung bình vào khoảng 25.000 IU (International unit), trong khi:
· Một củ cà rốt loại trung có thể cung cấp tối thiểu 20.000 IU tiền sinh tố A.
100g khoai lang ta cung cấp khoảng 27.000 IU tiền sinh tố A.
100g rau dền cung cấp không dưới 7.000 IU tiền sinh tố A.
Chỉ cần quán triệt thêm một chút về khoa dinh dưỡng, người ta có thừa phương tiện để phòng bệnh xây dựng trên thực phẩm bình dân rẻ tiền.
- Sinh tố A được tích trữ lâu dài trong cơ thể. Lạm dụng sinh tố A có thể đưa đến tình trạng nhiễm độc với triệu chứng tổn thương ngoài da, viêm khớp, đau bắp thịt, nôn mửa, rụng tóc và viêm gan. Do đó, đừng quá tin vào quảng cáo hấp dẫn để uống thuốc sinh tố A mỗi ngày nhằm mục tiêu phòng ngừa ung thư. Thuốc sinh tố A thường được định lượng theo thành phần tiêu chuẩn quốc tế IU với 1mg sinh tố A = 3.000 IU. Thuốc sinh tố A liều cao từ 10.000 IU là dược phẩm đặc hiệu và chỉ nên áp dụng một cách giới hạn theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa cho bệnh nhân đang có vấn đề với thị lực, đang đối đầu với chứng mụn dưới dạng nặng hoặc thường gặp tình trạng bội nhiễm trên đường hô hấp. Độc giả cũng nên lưu ý là sinh tố A trong dầu cá không có tác dụng phòng ngừa ung thư, cũng không có khả năng ngăn ngừa bệnh mắt cườm như nhiều người lầm tưởng. Chỉ có thành phần tiền sinh tố A trong rau cải, trái cây mới có khả năng phòng bệnh.
Vitamin D
- Chức năng chủ yếu của sinh tố D tập trung vào quy trình kiến tạo xương, thông qua cơ chế phân phối chất vôi và phosphor. Sinh tố D hưng phấn khả năng hấp thụ hai loại muối khoáng này qua đường tiêu hóa và đồng thời yểm trợ quy trình dự trữ trong mô xương. Lượng sinh tố D đầy đủ trong cơ thể là điều kiện thiết yếu để vôi và phosphor được giữ chặt trong mô xương. Nói một cách tượng hình, thiếu sinh tố D thì cấu trúc của xương bị loãng hoặc không đồng bộ. Ngoài ra, sinh tố D còn ảnh hưởng trên sự phân hóa tế bào trong chiều hướng ngăn chặn hiện tượng biến thể cấu trúc tế bào sinh ung thư. Kết quả thống kê cho thấy bệnh nhân được điều trị với sinh tố D sau quy trình xạ trị ít bị tái nhiễm ung thư, khi so sánh với nhóm bệnh nhân không có sinh tố D trong phác đồ điều trị. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh là sinh tố D có tác dụng giảm thiểu tỷ lệ nhiễm ung thư da gây ra do tia tử ngoại và độc chất trong không khí.
- Bệnh chứng điển hình do thiếu sinh tố D là bệnh còi xương với triệu chứng xương dễ gãy, biến dạng xương ức, xương sọ, đốt sống và xương hàm. Trên thực tế, bệnh này hiện nay chỉ còn xuất hiện trên quốc gia nghèo đói, trên trẻ sơ sinh chỉ bú mẹ mà người mẹ lại bị suy dinh dưỡng trầm trọng.
- Sinh tố D có nhiều trong cá biển, thịt, trứng, nấm. Liều sinh tố D cần thiết cho mỗi ngày là 5 microgram. Sinh tố D, không như nhiều người lầm tưởng, có rất ít trong sữa! Do đó các bà mẹ còn thiếu kinh nghiệm nuôi con cần lưu ý bổ túc loại sinh tố này cho trẻ sơ sinh. Vì sinh tố D được cơ thể tổng hợp qua ánh sáng mặt trời nên nếu chế độ dinh dưỡng cung ứng đầy đủ thành phần chất béo cho gan và nếu đối tượng có dịp phơi nắng thì ít khi cơ thể rơi vào tình trạng thiếu hụt sinh tố D. Bảng so sánh hàm lượng sinh tố D đính kèm dưới đây cho thấy người ăn chay trường rất dễ thiếu sinh tố D, vì hình thức dinh dưỡng xây dựng hoàn toàn trên rau cải khó đáp ứng nhu cầu về sinh tố D. Đây cũng là lý do tại sao phần lớn người ăn chay trường dễ bị chứng loãng xương. Với đối tượng theo đuổi hình thức ăn chay thì nấm là dạng thực phẩm đáng chú trọng, vì trong nấm có nhiều sinh tố D.
- Cơ thể người nghiện thuốc lá cũng có nhu cầu về sinh tố D cao hơn bình thường. Người lớn tuổi nếu ít vận động, ít phơi nắng, lại thêm khuynh hướng giới hạn thức ăn thịt cá rất dễ thiếu sinh tố D. Ngược lại, người dầm mưa dãi nắng quá nhiều dễ bị biến dạng xương khớp do rối loạn chuyển hóa sinh tố D. Chỉ cần 15 phút dưới ánh nắng gắt thì cường độ của tia tử ngoại đã đủ để hưng phấn quy trình sản xuất sinh tố D kéo dài 24 giờ... Người phải làm việc thường xuyên dưới trời nắng gắt vì thế phải được bảo vệ đúng mức với mũ áo che kín, hay tốt hơn nữa với các loại kem bảo hộ lao động có tác dụng ngăn chặn tia tử ngoại.
- Sinh tố D được dự trữ khá lâu trong cơ thể nên tình trạng tích lũy có thể dẫn đến hiện tượng nhiễm độc với triệu chứng biếng ăn, nôn mửa, nhức đầu, viêm thận và đặc biệt là sạn thận vì lượng sinh tố D quá cao trong cơ thể sẽ gây tác dụng hồi nghịch vận chuyển chất vôi từ xương đến thận và tích lũy trên đường tiết niệu. Dược phẩm có sinh tố D vì thế chỉ nên được áp dụng theo đúng chỉ dẫn và dưới sự kiểm soát của thầy thuốc. Tác dụng của sinh tố D được hỗ trợ bởi sinh tố C, B6 và khoáng chất vôi. Trên cơ sở vừa trình bày, nên chọn dược phẩm sinh tố D có đi kèm các thành phần vừa kể trong trường hợp phải dùng thuốc.
Vitamin E
- Trên thực tế, hầu như không có bệnh chứng chuyên biệt do thiếu sinh tố E. Nhà thống kê đã từ lâu ghi nhận mối liên hệ giữa đối tượng có lượng sinh tố E trong máu rất thấp với các chứng bệnh thời đại như: nhồi máu cơ tim, ung thư, dị ứng. Triệu chứng điển hình thường gặp khi nguồn dự trữ sinh tố E bị thiếu hụt là khuynh hướng mỏi cơ, rối loạn thị lực, co thắt bắp thịt, suy nhược, hay quên.
- Sinh tố E có nhiều trong các loại dầu thực vật, trong đậu, mè cũng như trong một số rau cải như: rau dền, củ su hào. Bảng so sánh hàm lượng sinh tố E dưới đây cho thấy vai trò quan trọng của các loại dầu ăn dẫn xuất từ đậu phộng, đậu nành, hoa hướng dương.
- Nhu cầu lý tưởng của sinh tố E là 12mg mỗi ngày. Trong điều kiện sinh hoạt bình thường, chỉ tiêu này có thể được đáp ứng dễ dàng với chế độ dinh dưỡng có trọng điểm là nguồn thực phẩm rau cải, khoai lang ta và dầu thực vật. Nhu cầu về sinh tố E gia tăng trong trường hợp có thai, trên đối tượng đang cho con bú, với người đang trong tình trạng căng thẳng thần kinh, người không quen dùng dầu ăn thực vật. Bệnh nhân ung thư và tim mạch nên được tiếp tế với lượng sinh tố E cao gấp 5 lần hàm lượng bình thường mà không sợ bị nhiễm độc vì bệnh chứng do tích lũy sinh tố E trong cơ thể hầu như không có trong thực tế, trừ khi đối tượng có đủ phương tiện để tự đầu độc với liều sinh tố E tối thiểu 800mg mỗi ngày và trong nhiều tháng liên tục.
Vitamin C
- Triệu chứng khiếm khuyết sinh tố C tiến hành tuần tự qua 3 giai đoạn, mau hay chậm tùy theo mức độ thiếu hụt, trước khi bị bệnh Scorbut do thiếu sinh tố C thực sự hội đủ điều kiện thành hình:
- Giai đoạn 1: mệt mỏi, căng thẳng thần kinh, buồn ngủ, đau nhức cơ khớp.
- Giai đoạn 2: chảy máu nướu răng, dưới da, da niêm.
- Giai đoạn 3: biến dạng xương khớp, vết thương không lành, hư răng, bội nhiễm.
Trái cây tươi là nguồn cung ứng chủ yếu sinh tố C, đặc biệt là dâu, chanh, bưởi, ổi, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu. Một loại trái cây quen thuộc ở Úc châu nên được nông gia Việt Nam lưu ý hội nhập là trái kiwi, vì đó là nguồn cung cấp dồi dào sinh tố C. Thành phần rau cải có nhiều sinh tố C là ớt bị, cải broccoli, bắp cải, cà chua. Trong đa số trường hợp, chế độ dinh dưỡng với rau trái tươi đủ đảm bảo hàm lượng sinh tố C cho cơ thể. Bảng dưới đây cho thấy tỷ lệ hàm lượng của sinh tố C trong các loại rau trái khác nhau, qua đó quan niệm ăn cam mới có sinh tố C không còn đứng vững, vì trên cùng trọng lượng thì ớt bị có hàm lượng sinh tố C cao gần gấp 3 lần lượng sinh tố C trong trái cam.
- Cần lưu ý một điểm quan trọng: lượng sinh tố C được cơ thể hấp thu và dự trữ không tỷ lệ thuận với hàm lượng sinh tố trong thực phẩm, thậm chí còn giảm thiểu khi lượng sinh tố C trong thực phẩm quá cao. Nói một cách cụ thể, người vì hết lòng với sinh tố C nếu có thể ăn liền một lúc nửa chục cam sành thì phần lớn sinh tố C sẽ bị đào thải một cách hoang phí trong nước tiểu. Trong trường hợp này, dù tốn tiền, lượng sinh tố C hữu ích cho cơ thể vẫn thấp hơn ở người khôn khéo chỉ ăn một trái cam thôi, nhưng đều đặn sau mỗi bữa ăn. Nhu cầu về liều lượng sinh tố C không có chỉ tiêu cố định:
- Lượng sinh tố C tối thiểu cần thiết cho cơ thể để ngăn ngừa bệnh Scorbut chỉ là 10mg mỗi ngày.
- Nhu cầu về sinh tố C trung bình cho người không phải làm việc nặng là 75mg/ngày.
- Thai sản phụ có nhu cầu sinh tố C cao hơn, khoảng 100-130mg mỗi ngày.
- Bệnh nhân có nhu cầu chống bội nhiễm, dự phòng ung thư, kháng dị ứng sẽ cần tối thiểu 150mg sinh tố C mỗi ngày.
- Người nghiện thuốc lá, vận động viên, bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục, công nhân lao động nặng nên được tiếp tế mỗi ngày với 200mg sinh tố C.
- Sinh tố C là nguồn dược liệu thiên nhiên cần thiết cho quy trình phục hồi và phòng bệnh xủa cơ thể. Chỉ cần bảo vệ kho dự trữ sinh tố C bằng cách tiếp tế đều đặn sinh tố C cho cơ thể, con người có thể ngăn chặn nhiều bệnh chứng trầm trong qua phương tiện đơn giản với thực phẩm rau trái.
Theo wikipedia