Chân dung, con đường "trị vì" Samsung của tỷ phú giàu nhất Hàn Quốc
(Giúp bạn) - Samsung khởi đầu từ một công ty buôn bán nhỏ ngày nay đã trở thành tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc, có quy mô hoạt động toàn cầu. Một trong những người có công lớn trong việc dựng xây "đế chế" công nghệ này chính là Lee Kun Hee. Ông gia nhập Samsung năm 24 tuổi, trở thành chủ tịch khi 45 tuổi... hiện là người giàu nhất Hàn Quốc.
Cùng nhìn lại cuộc đời, quá trình lãnh đạo Samsung của vị tỷ phú giàu nhất xứ sở Kim Chi này... Theo lời kể của Masaki Oguro, một kỹ sư người Nhật làm việc tại nhà máy chuyên sản xuất camera của Samsung ở Suwon, ngoại ô thủ đô Seoul, về trải nghiệm của mình khi đón tiếp Chủ tịch Lee Kun-Hee trong lần ông đến thăm nhà máy. Quá trình chuẩn bị cho cuộc thị sát của Chủ tịch Samsung đã được thực hiện trước đó khá lâu, và tỉ mỉ như đón một nguyên thủ quốc gia.
Các công nhân được yêu cầu đỗ xe ở khu vực sau nhà máy. Những chiếc xe xấu xí của họ có thể khiến nhà lãnh đạo này nghịch mắt. Kẹo bạc hà được để trong nhà vệ sinh, giúp nhân viên có hơi thở thơm tho. Thảm đỏ được trải dài tới cửa chiếc limo của ông, với hai hàng bảo vệ đứng bên cạnh. Toàn bộ nhân viên đều được lệnh không được nhìn vị chủ tịch đi vào nhà máy qua cửa sổ.
"Chúng tôi không được phép nhìn ông ấy từ trên cao xuống. Samsung giống như một tôn giáo, còn Chủ tịch Lee giống như vị thánh", Masaki Oguro nói với Bloomberg.
Để có được vị thế và uy quyền như vậy, tỷ phú hiện sở hữu hơn 9 tỷ USD tài sản (theo công bố của Forbes) đã phải trải qua hơn 20 năm làm việc dưới cái bóng của cha mình. Thậm chí, ông từng bị cả HĐQT nghi ngờ khi mới lên nắm quyền, từng vào tù cũng như đối mặt với cuộc chiến quyền thừa kế với chính người thân.
20 năm "tồn tại" dưới cái bóng của cha
Sinh tháng 1/1942, ông Lee Kun-Hee là con trai út và cũng là môt trong 8 người có quyền thừa kế của Samsung. Gia nhập tập đoàn vào năm 1968 với tấm bằng thạc sĩ kinh tế của đại học George Washington, những năm đầu, Lee Kun-Hee là trợ tá cho cha mình, nhà sáng lập Lee Byung-Chul, trong mảng sản xuất thiết bị bán dẫn.
Chỉ là con trai út trong số 3 người con của cố chủ tịch Lee, tỷ phú Lee Kun-Hee hầu như không có cơ hội để cạnh tranh chiếc ghế quyền lực nhất tại Samsung, bởi Hàn Quốc là quốc gia coi trọng vị trí trưởng thứ.
Ông Lee Kun-Hee trong cuộc họp với cố chủ tịch Samsung.(Ảnh: Korea ITTimes.)
Cuộc đời run rủi đã khiến hai người anh của Lee Kun Hee mất dần sự tín nhiệm của cha. Trong khi ông Lee Kun-Hee với 20 năm làm việc dưới cái bóng rất lớn của cha mình lại củng cố được niềm tin từ cố chủ tịch Lee Byung-Chul. Tuy nhiên, ban lãnh đạo của Samsung khi đó không hoàn toàn ủng hộ người thừa kế trẻ tuổi, nhất là khi ông lên kế hoạch tập trung toàn lực cho mảng bán dẫn, trong hoàn cảnh Samsung chỉ là một kẻ đi sau yếu thế.
Ngày 1/12/1987 đánh dấu sự đổi ngôi của Samsung. 2 tuần sau cái chết của cha, Lee Kun-Hee tiếp quản chiếc ghế Chủ tịch. Khi đó, Samsung đang ở thế "hậu bối" và là cái tên nhỏ bé đứng sau hàng loạt tên tuổi ngành điện tử khác như Sony, Toshiba, Sharp, NEC, Hitachi. Sản phẩm của tập đoàn này khi đó chỉ được coi là hàng thấp cấp.
Mở ra những cuộc "đại cách mạng"
Nhằm đưa Samsung vươn lên mạnh mẽ, Chủ tịch Lee đã ra quyết định chỉ tập trung vào công nghệ số hóa, đồng thời ghi dấu với tuyên bố nổi tiếng "Thay đổi tất cả trừ vợ con". Một thời gian dài sau đó, ông không đến văn phòng, từ chối các cuộc tiếp khách, cuộc họp, cũng như cắt liên lạc bằng điện thoại. Ông buộc các lãnh đạo cấp dưới phải tự ra quyết định và chịu trách nhiệm.
Cách làm việc khác thường của ông chủ Samsung đã mở ra cuộc "đại cách mạng" tại tập đoàn này. Tháng 10/1993, Samsung Electronics lật đổ ngôi vương đã tồn tại gần 50 năm của các doanh nghiệp Nhật Bản để trở thành công ty đứng đầu thế giới lĩnh vực dung lượng bộ nhớ và vượt mặt hàng loạt tên tuổi lớn để trở thành ông lớn mảng bán dẫn.
Cách làm việc khác thường của ông chủ Samsung đã mở ra cuộc "đại cách mạng" tại tập đoàn này.
Trong thời đại của mình, Chủ tịch Lee tập trung vào việc "tạo ra tương lai chứ không phải đối phó với tương lai". Ông cũng đã cảnh báo với các lãnh đạo cấp cao của Samsung về cuộc khủng hoảng kinh tế có thể diễn ra vào những năm cuối thập kỷ 90. Tiên đoán của ông chính xác, và nhờ chiến lược chuẩn bị từ trước, cùng quyết định cắt giảm nhân sự cương quyết, Samsung đứng vững trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Năm 1995, một số điện thoại di động sản xuất tại nhà máy Gumi của Samsung được Chủ tịch Lee Kun-Hee tặng quan khách gặp sự cố. Ngay lập tức, hơn 2.000 công nhân tại nhà máy Gumi đeo trên tay tấm băng đỏ có dòng chữ "Chất lượng là số 1", được lệnh tập trung trước những lô hàng điện tử có giá tới 50 triệu USD, bị yêu cầu cầm búa hoặc đốt cháy toàn bộ đống hàng. Nhiều người trong số đó đã không cầm được nước mắt khi phải hủy đi chính những sản phẩm mà chính họ sản xuất ra.
Sự quyết liệt của vị tỷ phú này còn thể hiện ở những quyết định nhân sự. Năm 1999, Chủ tịch Samsung quyết định thuê một chuyên gia tiếp thị nổi tiếng người Mỹ gốc Hàn, ông Eric Kim, về phụ trách tiếp thị sản phẩm của tập đoàn, với mục tiêu đưa Samsung vươn tầm ảnh hưởng ra toàn thế giới.
Các nhân viên dưới quyền khi đó đã phản đối dữ dội, vì cho rằng không ai hiểu người Hàn bằng chính họ. Chủ tịch Lee tuyên bố: "Ai dám cản trở Kim thì hãy bước qua xác tôi". Và cái bắt tay đó đã mang lại trái ngọt cho Samsung khi cái tên này giờ đây đã trở thành một biểu tượng của thế giới.
Những khó khăn cuối đời
Sức khỏe không ổn định khiến ông Lee Kun-Hee thường xuyên phải ra vào bệnh viện. Những năm 90, sau một thời gian ngắn tiếp quản công việc của cha, ông cũng phải đối mặt với căn bệnh ung thư phổi. Trong 2 năm gần đây, vị tỷ phú này thường xuyên phải cấp cứu do đau tim, thậm chí tim của ông đã ngừng đập trong vài lần vào viện.
Trong suốt những năm 2000, Samsung dính kiện tụng liên tiếp. Công ty này phải đối mặt với hàng loạt tố cáo như lập quỹ đen, cạnh tranh không lành mạnh, tài trợ bất hợp pháp cho ứng viên Tổng thống, chuyển nhượng tài sản trái luật cho người trong gia đình.
Tháng 10/2007, Samsung chính thức bị điều tra về tố cáo hối lộ, lập quỹ đen với số tiền lên tới cả tỷ USD. Chủ tịch Lee đối mặt với án phạt tù lên tới 15 năm. Tòa án cuối cùng xử Lee Kun-Hee 3 năm tù treo, khiến ông buộc phải rời chiếc ghế Chủ tịch trong vòng 1 năm, trước khi nhận được ân xá của Tổng thống.
Năm 2012, hai anh chị của ông Lee Kun-Hee lần lượt đệ đơn kiện đòi tài sản với tổng số tiền gần 800 triệu USD. Lý do cả hai người này đưa ra là họ có quyền thừa hưởng một phần tài sản thừa kế từ cha, trong khi ông Lee tuyên bố không chi dù chỉ một xu. Cuộc chiến pháp lý vẫn kéo dài dai dẳng, ngay cả khi Chủ tịch Samsung phải nằm viện điều trị bệnh tim suốt 4 tháng cuối năm 2014.
Chủ tịch Lee gặp khó khăn vào những năm cuối đời khi kinh tế thế giới có dấu hiệu khó khăn, Samsung phải đối mặt với hàng loạt vấn đề pháp lý.
Vốn hoạt động trên mô hình chaebol, trong lòng Samsung là một hệ thống sở hữu chéo phức tạp giữa các công ty thành viên và người nhà Chủ tịch Lee, nhằm tập trung quyền lực tuyệt đối và tránh nguy cơ bị thâu tóm. Vì vậy, dù nắm trong tay không quá 2% vốn của Samsung, nhưng gia đình họ Lee vẫn là ông chủ độc nhất của gã khổng lồ với 74 công ty con.
Để chuẩn bị cho một thế hệ thừa kế tiếp theo, tỷ phú này đã dần trao quyền điều hành những công ty lớn thuộc tập đoàn cho 3 người con của mình. Hai cô con gái của ông đều có mặt trong danh sách những nữ tỷ phú trẻ giàu nhất thế giới. Tuy vậy, công cuộc chuyển giao có thể sẽ khiến gia đình tỷ phú này mất đi khoảng 6 tỷ USD do quy định về thuế thừa kế vô cùng nặng nề của Hàn Quốc.