Cố đô Hoa Lư có giá trị về mặt Lịch sử và còn là danh lam thắng cảnh
(Giúp bạn) - Thời gian đã qua 1000 năm có lẻ, Hoa Lư – kinh đô xưa đã trở thành cố đô. Chiến tranh và thiên nhiên tàn phá, nay cung điện, kinh thành nguy nga tráng lệ ấy không còn nữa. Những nhà khảo cổ học đã khai quật các phế tích và một bảo tàng lộ thiên được hình thành ngay bên cạnh đền thờ Lê Đại Hành.
CỐ ĐÔ HOA LƯ
Kinh đô Hoa Lư xưa (nay là xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) là kinh đô đầu tiên của nước Đại Việt ta dưới hai triều vua Đinh và Tiền Lê. Cố đô Hoa Lư cách thành phố Ninh Bình 7km, cách Hà Nội chưa đầy 100km theo đường bộ hoặc đường sắt và tồn tại trong 41 năm (968 - 1009). Trong số đó 12 năm là triều đại nhà Đinh (Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt) và 29 năm kế tiếp là triều đại nhà Tiền Lê (người đầu tiên là Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Lê Đại Hành). Hơn nghìn năm trước, Hoa Lư là chốn đế đô nguy nga, tráng lệ.
Những núi đồi trùng điệp bao quanh kinh đô như tấm bình phong, sông Hoàng Long uốn khúc và cánh đồng Nho Quan, Gia Viễn mênh mông là mặt sâu thiên nhiên rất thuận lợi cho phòng thủ về mặt quân sự. Trong Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn viết: “Năm 968 Đinh Bộ Lĩnh cho đắp thành, đào hào, làm cung điện, đền đài”... Thời gian đã qua 1000 năm có lẻ, Hoa Lư – kinh đô xưa đã trở thành cố đô. Chiến tranh và thiên nhiên tàn phá, nay cung điện, kinh thành nguy nga tráng lệ ấy không còn nữa. Những nhà khảo cổ học đã khai quật các phế tích và một bảo tàng lộ thiên được hình thành ngay bên cạnh đền thờ Lê Đại Hành.
Figure 1: Phong cảnh cố đô nhìn từ núi Mã Yên
Cố đô Hoa Lư của nước Đại Việt là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa nhưng đồng thời cũng là một thành cổ có giá trị về mặt quân sự. Thành Hoa Lư rộng chừng 300ha, được chia thành hai khu vực: Thành ngoại và thành nội, được thông với nhau bằng một lối đi nhỏ hẹp và hiểm trờ. Mỗi khu gồm có nhiều vòng, nhiều tuyến nhỏ. Cung điện được xây ở thành ngoại, ở phía đông có lối đi chính vào thành.
Figure 2: Cửa Đông vào cố đô Hoa Lư.
Thành ngoại (ở phía tây) rộng chừng 140ha, thuộc địa phận các thôn Yên Thượng, Yên Thành của xã Trường Yên. Tương truyền, ngày xưa nơi đây chính là chính điện và khu vực Đền Đinh, Đền Lê là trung tâm kinh thành.
Figure 3: Miêu tả Sơ đồ tổng quan khu di tích Cố đô Hoa Lư
Thành nội xưa nay là địa phận thôn Chi Phong, xã Trường Yên. Thời Đinh – Lê khu vực này có tên là “Thư nhi xã” – nơi nuôi trẻ em và để các kho tàng lương thảo. Thôn Yên Thành có chùa Nhất Trụ và phủ thờ công chúa Phất Kim (con gái vua Đinh). Năm 1963, trong khi làm thủy lợi, người dân đã đào được nhiều mảnh gốm, xương voi, xương ngựa, đặc biệt là cột kinh Phật. Phải chăng cột kinh Phật bằng đá hiện ở chùa Nhất Trụ là một trong số một trăm cột kinh Phật do Đinh Liễn dã cho xây dựng?
Trong các di tích độc đáo còn lại của kinh đô Hoa Lư hiện nay là đền vua Đinh và đền vua Lê. Đền vua Đinh và đền vua Lê được xây dựng để tưởng nhớ đến công ơn Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn, sau khi nhà Lý quyết định rời kinh đô từ Hoa Lư ra Thăng Long – Hà Nội vào năm 1010.
Đền hai vua có rất nhiều tượng, nhưng đáng chú ý là ba pho tượng: vua Đinh (đền Đinh), vua Lê (đền Lê) và Dương Vân Nga (hoàng hậu của hai vua). Tương truyền ngày xưa khi mới dựng đền, dân địa phương để tượng Hoàng Hậu Dương Vân Nga ở đền vua Đinh. Nhưng theo thuyết “xuất giá tòng phu”, Hoàng hậu phải ở bên cạnh vua Lê Hoàn mới phải đạo. Tuy nhiên nhân dân địa phương vẫn trọng đạo lý, đã đặt tượng Hoàng hậu Dương Vân Nga quay mặt về hướng đền vua Đinh, với ý tưởng là bà vẫn có tình nghĩa với vua Đinh Tiên Hoàng.
Ngoài những giá trị về nhiều mặt như lịch sử, địa lý, kiến trúc, khảo cổ học, Hoa Lư – kinh đô của nước Đại Việt còn là một vùng danh thắng tuyệt vời.