Đặc sắc lễ hội Chờ Gò – Bình Định

00:20 12/02/2014

(Giúp bạn)Chợ Gò là một ngôi chợ họp theo định kỳ vào những ngày Tết chợ nghỉ. Chợ Gò ở thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Phọng tục họp chợ này đã tồn tại hàng trăm năm nay từ thời Tây Sơn đến nay.

Người ta quen gọi là Chợ Gò, nhưng thực tế là không thấy sự tấp nập của một ngôi chợ bình thường mà thay vào đó là những trò chơi dân gian, hàng hóa được buôn bán với mục đích chúc phúc, cầu nhiều tài lộc. Không một túp lều, chợ chỉ là một bãi đất bằng phẳng, cao ráo, rộng chừng hai mẫu tây, thời Minh Mạng thuộc thôn Phong Ðăng tổng Tuy Hà, huyện Tuy Phước phủ An Nhơn tỉnh Bình Ðịnh, nay là thôn Phong Thạnh thuộc thị trấn Tuy Phước. Nơi đây, địa thế hiểm yếu, phong cảnh lại hữu tình; phía đông và nam có núi Trường Úc ôm choàng, phía tây giáp quốc lộ 1 cũ, phía bắc có nhánh sông Tọc, thuộc nguồn Hà Thanh, chảy qua với bờ cao dốc, có hàng cây san sát lòa xòa soi bóng.

Tương tuyền thời Tây Sơn, nơi đây dùng làm chỗ tập trận của quân đội. Bộ binh đóng đồn trên núi Trường Úc, thủy quân từ đầm Thị Nại vào cửa Làng Sông rồi ngược dòng sông Tọc đổ bộ lên Trường Úc, hai bên thủy bộ giáp chiến. Ðể khuây khỏa nỗi nhớ nhà trong dịp tết, các tướng Tây Sơn tổ chức cuộc vui ngay trên bãi thao trường vào sáng mồng 1 và mồng 2 tết, nhưng khi trời vừa xế bóng thân nhân phải ra về để binh sĩ chuẩn bị canh phòng nghiêm nhặt về đêm. Vì vậy, hàng năm các gia đình binh sĩ theo lệ đến nơi đây thăm chồng con. Dân địa phương mang hoa quả, thức ăn, nước uống ra bán, lâu năm thành lệ. Khi quân Tây Sơn tan rã, nơi đây trở thành Hội Tết Chợ Gò, mỗi năm chỉ hội hai ngày mồng 1 và mồng 2 tháng giêng và cũng quen lệ tan chợ vào lúc xế trưa. Chợ Gò có tính cách hội vui xuân dân gian hơn là phiên chợ. Từ người bán đến khách hàng đều mặc quần áo mới, nói cười vui vẻ, mặt tươi như hoa, các bà các cô phấn son trang sức lộng lẫy như dự lễ cưới.

dac-sac-le-hoi-cho-go-binh-dinh-1

Người đi hội chợ mua bán lấy may không mặc cả, không cò kè bớt một thêm hai như chợ hàng hoá ta thường thấy. Trong khi hầu hết các chợ Tết quê nơi khác nay đã vắng bóng hình ảnh ông đồ già viết, bán câu đối trên giấy đỏ thắm thì ở chợ Gò tục viết, bán câu đối Tết vẫn còn nguyên vẹn. Năm 1990, báo Bình Ðịnh phát động cuộc thi câu đối về chủ đề Bác Hồ, chỉ trong 30 ngày đã có 136 vế đối của 72 tác giả thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội tham gia. Cả những cụ cao niên 79 tuổi đến những em thiếu nhi 11 tuổi cũng có những vế đối rất hay. Những chiếc chiếu hoa được trải ra lối cổng chợ cùng các cụ già râu tóc bạc phơ quần thâm, khăn xếp, thảo những nét chữ kỳ tài diệu bút trên giấy đỏ. Người xem, người mua đều trầm trồ khen ngợi vẻ đẹp của nét chữ, ý hay thâm thuý của câu đối. Ở đây, nghệ thuật chơi chữ và viết chữ đủ cả bốn lối: Triện (vuông), lệ (nghiêng), chân (rõ ràng), thảo (viết thoắng) là sở trường của những nhà nho, ông đồ văn hay chữ tốt. Nhưng lối viết câu đối thảo vẫn được nhiều người ưa thích nhất. Mỗi một vế đối như một bức tranh nghệ thuật độc đáo.

Nếu ở Bắc Bộ, hội cờ xuân thường diễn ra ở sân đình thì ở đây hội cờ lại diễn ra ngay tại chợ. Các tay cờ hoàn toàn mang tính giải trí thuần tuý. Song như thế không có nghĩa là nước cờ thấp. Họ lên xe, xuống pháo như thần kém gì các tay cờ gạo cội trong làng cờ người Việt. Nếu bạn có dịp chơi hội chợ Gò mời bạn hãy thử chơi một ván, người dân ở đây rất nồng nhiệt đón tiếp. Hội Chợ Gò diễn ra tuy ngắn ngủi nhưng ý nghĩa rất lớn, vì nó tạo ra không khí vui tươi thoải mái sau một năm miệt mài lao động vất vả và đi vào ký ức người dân nơi đây như một mảng tâm hồn tươi sáng và tìm về với bản sắc dân tộc, tìm về với cội nguồn./.

Comments