Đặc sắc Lễ Nhập hạ của người Khmer
(Giúp bạn)Hàng năm, các lễ hội lớn của người Khmer đều diễn ra như: Lễ Chol Chnam Thmey, Lễ Sene Dolta, Lễ Ok OmBok,… Một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Khmer Nam Bộ chính là Lễ Nhập hạ.
Cứ đến ngày 15/6 âm lịch hàng năm (tháng Asat của đồng bào Khmer), đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung và người dân Sóc Trăng nói riêng lại tổ chức lễ Nhập hạ, còn gọi là Bun Chôl Vô Sa, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, gia đình yên vui hạnh phúc; đồng thời dâng các vật dụng sinh hoạt cho các chư tăng tại chùa trong 3 tháng Nhập hạ.
Lễ Nhập hạ của đồng bào Khmer có thể chia làm 2 ngày chính. Ngày thứ nhất diễn ra vào buổi chiều, đồng bào sẽ đem lễ vật đến chùa để làm lễ cầu nguyện. Trong ngày này, lễ vật không thể thiếu là những cây đèn cầy to lớn được các phật tử dâng đến chùa để thắp liên tục (không để tắt) trong ba tháng Nhập hạ. Ngày thứ hai, đồng bào phật tử đem cơm, nước, gạo... đến chùa dâng lên sư sãi nhằm cầu siêu cho người quá cố và cầu bình an, hạnh phúc cho phum sóc.
Trong ba tháng Nhập hạ (từ ngày 15/6-15/9 âm lịch), ngoài việc thắp đèn cầy, các chùa Khmer còn đánh trống vào hai buổi sáng (bắt đầu từ 4 giờ -5 giờ) và chiều (từ 16-17 giờ) để giúp cho đồng bào của phum sóc chủ động được thời gian trong hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Lễ Nhập hạ được tổ chức vào mùa mưa, khi bắt đầu vào mùa gieo trồng và cày cấy theo lịch của đồng bào Khmer.
Lễ Nhập hạ có ý nghĩa quan trọng đối với sư sãi và đồng bào Khmer, vừa tạo thời gian để sư sãi chuyên tâm học đạo, trau dồi giáo lý và tự vấn bản thân trong quá trình tu hành, vừa tạo điều kiện cho người dân chuyên tâm lao động sản xuất, đạt năng suất cao trong mùa vụ.
Ngoài ra, người Khmer Nam bộ còn có các hoạt động văn hóa - thể thao truyền thống khác mang ý nghĩa hết sức thiêng liêng của như đua ghe ngo, đua bò. Trước đây, các hoạt động này chỉ mang tính tự phát, nhưng ngày nay đua ghe ngo và đua bò đã thực sự trở thành đặc trưng văn hóa tiêu biểu của dân tộc Khơme Nam bộ nói riêng và cả vùng Nam bộ nói chung trong các lễ hội truyền thống.
Có thể thấy, lễ hội của dân tộc Khmer Nam bộ được xem là hệ thống di sản mang nhiều giá trị văn hóa – lịch sử lâu đời với nhiều nét đặc thù, độc đáo của văn hóa địa phương. Ngay cả hình ảnh của những ngôi chùa Khmer với kiến trúc độc đáo, không chỉ là không gian tâm linh mà còn là một trung tâm hoạt động văn hóa, xã hội - được xem như một bảo tàng hoàn hảo cả về giá trị văn hóa – lịch sử, là một biểu trưng nghệ thuật độc đáo của người Khmer Nam bộ. Do đó, trong các lễ hội, bên cạnh niềm vui cộng đồng, người Khmer luôn thể hiện mong muốn giữ gìn đạo lý trong các mối quan hệ cuộc sống, cầu chúc phước lành, may mắn cho những người xung quanh. Đó cũng chính là nền tảng của đời sống tinh thần và là nét đẹp tâm hồn của đồng bào Khmer Nam bộ.