Tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ từng được lưu giữ trong nhiều hội lễ giêng hai gắn với những làng có thờ dâm thần như La Khê, Hoài Đức, Hà Nội; Đồng Kỵ, Bắc Ninh; Văn Trưng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc; đền Bà Banh, Hải Dương; Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ... Quê ấy, từ khai hội đến rã đám, rộn ràng trống hội.
Miếu Đụ Đị ở Phú Thọ
Từ sáng mờ đất đến khi nhọ mặt, ngày đu xuân trai khom gối hạc, gái uốn lưng ong; đêm mật, già trẻ hỉ hả vui trò nõ nường... Trong giá rét, khi đã ngấm men say, chỉ mới thoáng nghĩ hay chợt nhớ đến hội làng thì đã nao nức, dậm dật khắp ngõ ngách cơ thể. Tình ấy mới động lòng trời. Xuân ấy mới thực là Xuân.
Cây lúa được thờ trang trọng trong miếu
Nay, nhiều tục xưa đã mất, còn lại gần như độc nhất một nơi…
Xưa, bên ngòi nước trong khu rừng trám có một ngôi miếu cổ linh thiêng. Cứ hai hoặc bốn năm một lần - các năm chẵn, vào đầu Xuân, dân làng ở đây lại mở lễ hội diễn nhiều tích trò, nên gọi là miếu Trò, và vì nằm trong khu rừng trám nên còn có tên khác là miếu Trò Trám.
Lễ hội diễn ra vào lúc nửa đêm
Xóm ở đó cũng được gọi tên xóm Trám, thuộc làng có tên tục là Kẻ Gáp, tên chữ là Thạch Cáp, nay là xã Tứ Xã nằm trong vùng di tích đồ đá cũ của người Việt cổ như Gò Mun, Đồng Đậu con… ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, bởi vậy Lễ hội Tứ Xã cũng có tên gọi khác là Lễ hội Kẻ Gát.
Cách Đền Hùng khoảng 5km về phía Đông Nam và nằm bên bờ tả ngạn sông Thao, xưa kia Tứ Xã là vùng đồng trũng ngập nước, thỉnh thoảng nổi lên những đồi gò là chỗ ở của người Việt cổ, lúa chỉ làm một vụ, quanh năm sinh sống bằng nghề vó bè.
Ai ơi chớ tưởng tôi già, tôi còn gánh được dăm ba cái... lờ! (trò Trám).
Thực ra Trò Trám chỉ là một phần, nhưng là phần hấp dẫn và vui nhất của Lễ hội Tứ Xã kéo dài trong 3 ngày (10 đến 12 tháng Giêng). Diễn ra vào nửa đêm ngày 11 và kéo dài tới rạng sáng ngày 12, Trò Trám diễn ra tại miếu Trò gồm: Lễ mật, hay lễ phồn thực cầu cho nhân dân được bình an, cầu mong giống nòi sinh sôi nảy nở; Lễ rước lúa thần - lễ cầu mùa; và Trò Trám: Trò trình nghề tứ dân chi nghiệp với bốn nghề chính trong dân gian là sĩ, nông, công, thương.
Đúng 12 giờ đêm, đèn đuốc tắt phụt, mọi người nín thở, vị trưởng lão cẩn trọng mở chiếc hòm thiêng, mở các lớp khăn điều lấy ra bộ dùi gỗ tả thực hình dương vật sơn son (Nõ) với chiếc mảng gỗ đỏ tạo hình âm vật (Nường), kính cẩn trao Nõ cho người nam ở trần chít khăn và Nường cho người nữ yếm thắm.
Khẩu lệnh “Linh tinh tình… Phộc” lặp lại 3 lần, sau mỗi lần, trong bóng tối, người nam dùng Nõ đâm “phộc” vào Nường. Nếu cả ba lần Nõ đâm trúng Nường thì năm đó thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu… Mỗi lần Nõ đâm trúng Nường, chiêng trống nổi lên, dân làng đứng quanh miếu reo hò vui vẻ.
Sau màn “Linh tinh tình… Phộc” này, đến màn “Tháo khoán”, trai gái và dân làng đổ ra khu vườn đằng sau miếu thờ thoải mái ghẹo nhau. Theo lệ làng, sau đêm “Tháo khoán”, những đôi trai gái nghèo chỉ cần đem cơi trầu trình với các cụ là có thể về ở với nhau làm vợ chồng. Những đứa trẻ sinh ra từ đêm “Tháo khoán” cũng không bị làng chê cười, mà trái lại, còn được xem là đem lại may mắn…
Tất nhiên đấy là những chuyện ngày xưa.
Một thời gian dài lễ hội Tứ Xã và Trò Trám bị đứt đoạn, thậm chí, nó còn bị bài bác là trụy lạc… Đầu những năm 1990, lễ hội Tứ Xã bắt đầu nhen nhóm trở lại nhưng phải tới năm 2000 lễ hội độc nhất vô nhị này mới được chính thức phục hồi với quy mô quốc gia. Năm ngoái, 2010, nhân dịp miếu Trò được công nhận di tích cấp tỉnh, lễ hội Tứ Xã được tổ chức rất to.
Trở lại Tứ Xã, Lâm Thao mùa Xuân này, nhiều thứ đổi thay. Làng Gáp đã đổi tên, thay dạng. Không còn những hình ảnh như thời nữ sĩ Hồ Xuân Hương về làm lẽ Tổng Cóc. Quê đang nguy cơ thành phố. Các nghi lễ, thủ tục trong lễ hội xưa được phục dựng gần như trọn vẹn, cũng “Linh tinh tình… Phộc”, cũng “Tháo khoán”, nhưng sự thiêng liêng kính cẩn và cả sự hồn nhiên xưa khó còn.
Theo lệ, Lễ mật (hay Lễ phồn thực) với màn “Linh tinh tình… Phộc” diễn ra trong bóng tối, mọi người nghe tiếng vang của Nõ và Nường chạm nhau mà đoán biết trúng hay trật. Năm 2010, do phải phục vụ cánh báo chí mà màn lễ thiêng liêng này lần đầu tiên phá lệ, diễn ra tới hai lần: một lần “làm thật”, một lần cho báo chí chụp ảnh, ghi hình.
Cũng theo lệ, màn “Tháo khoán” dành cho trai tân, gái tân là chính, cũng diễn ra khi trời tối đen như mực. Nay cũng do e ngại cánh báo chí đưa hình ảnh…lên mạng nên năm vừa rồi nam thanh nữ tú trong làng “chạy” sạch, chỉ còn các ông bà ngũ tuần tham gia “diễn” trò “Tháo khoán” cho quay phim chụp ảnh. Du khách hiếu kỳ, báo chí chen vai, thích cánh…, Trò Trám có nguy cơ đi theo con đường mòn của những phiên chợ tình… diễn thay cho tình yêu.
Nhưng may mắn là cái tinh quý của hội làng hay dấu tích tín ngưỡng phồn thực vẫn còn phảng phất, quyến luyến đâu đó. Ấy là những ẩn ngữ trong văn tế cùng các trường đoạn diễn xướng tứ dân chi nghiệp. Trước Lễ mật, những nghệ sĩ ưu tú của làng Tứ Xã sẽ có màn trình diễn về thợ cày cấy, kẻ đi câu, người bán mua Xuân, nhóm sĩ tử rao bán chữ nghĩa…
Chị nông dân thì véo von:
Người ta đi cấy lấy công
Tôi đây đi cấy lấy ông chủ nhà
Đi cấy thì gốc chổng lên
Ngọn thời cắm xuống mới nên mùa màng.
Lời ca của chàng thợ mộc có câu:
Người ta xẻ gỗ trên ngàn
Anh đây cưa lấy một nàng đương tơ
Với phường buôn bán hay kẻ sĩ thì câu chữ, lời ca có vẻ trau chuốt, ý tứ:
Còn Xuân thì mua Xuân đi
Nay lần mai lữa còn gì là xuân
Hay:
Học trò đi học sách kinh
Tay cầm quản bút “quệt” tình nghiên đây
Nhưng với mấy anh, chị hề hát pha trò thì câu chữ ngổn ngang sự tinh nghịch…:
- Giờ đây anh mới hỏi nàng
Cái gì lủng lẳng một gang trong quần
- Chàng hỏi thì thiếp thưa rằng
Cái đeo lủng lẳng là giằng cối xay
Trước Lễ mật, trong một tiết điệu lạ lùng của đêm Xuân, những ẩn ngữ cứ lặp đi, khi bổng lúc trầm, các động tác, vũ điệu cứ nhắc lại, tái hiện như một thức ma thuật.
Những cái “dung tục” đang được thiêng hóa? Chỉ có thể tìm câu trả lời trong niềm tin kỳ lạ của từng người dân Tứ Xã. Hàng trăm năm nay họ tin rằng khi diễn trò Đụ Đị vào thời khắc thiêng liêng của trời đất thì sẽ cảm tất thông, cầu tất ứng.