Lễ hội xuống đồng của bà con Yên Bình

00:20 12/02/2014

(Giúp bạn)Huyện Yên Bình (Yên Bái) từ bao đời nay luôn coi hồ Thác Bà là báu vật của quê hương mình. Những làng bản định cư xung quanh hồ đã có cả nghìn năm tuổi, nhiều dân tộc anh em như Kinh, Tày, Cao Lan, Dao, Nùng…đã cùng nhau chung sống và gìn giữ mảnh đất quê hương này.

Năm nào cũng vậy cứ đến  sáng mùng 7 tháng Giêng, tất cả người dân trong vùng  lại có mặt đông đủ ở đình làng Lúc để tham gia lễ hội xuống đồng cầu chúc một năm mới thịnh vượng, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, và cũng là dịp già làng, trưởng bản, nam thanh nữ tú gặp mặt, tổ chức các cuộc thi đấu, trò chơi dân gian vui đón năm mới, khắc sâu tinh thần đoàn kết cộng đồng, giữa các dân tộc anh em. Theo các cụ cao niên trong làng hội làng đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, nhiều thế hệ, qua mỗi giai đoạn lịch sử, tuy quy mô tổ chức khác nhau nhưng vẫn mang đậm nét văn hóa bản sắc.

 Trình tự lễ hội cũng hết sức quan trọng, trước hết người dân trong bản chuẩn bị mâm lễ gồm những sản vật do bà con làm ra để dâng lên Thành Hoàng Làng, thần núi, thần suối sau một năm làm ăn. Đồng thời cầu những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với người dân trong bản trong năm tới. Chuyển sang phần hội bà con cũng phải xin phép thành Hoàng Làng bằng cách dâng lễ tại chân cột Còn, sau khi chủ nhang làm lễ và tiến hành tung quả Cón ba lần thì dân làng bắt đầu vào hội. Do vậy trong lễ hội xuống đồng của đồng bào tày nhiều nội dung, trò chơi dân gian có thể thay đổi qua từng năm nhưng không thể thiếu phần thi cày và thi ném còn.  

le-hoi-xuong-dong-cua-ba-con-yen-binh-1

Người dân đến Lễ hội xuống đồng ở bản Lúc xã Bảo Hà sẽ được hòa mình trong các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc của đồng bào vùng cao như: ném còn, bắn nỏ, kéo co…mọi người đều nhiệt tình tham gia và quyết tâm dành phần thắng với hi vọng năm mới sẽ gặp nhiều may mắn. Từ lễ hội năm 2012  ngoài những trò chơi dân tộc bản Lúc đang nỗ lực khôi phục hội trọi trâu. Qua đây nêu cao ý thức của người dân trong việc chăm sóc, bảo vệ con vật nuôi mà từ trước tới nay vẫn được coi là đầu cơ nghiệp đối với người nông dân. Không khí lễ hội thực sự sôi động khi chứng kiến phần thi cày, với sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả những người tham gia phần thi đều cố gắng hết mình điều khiển trâu sao cho cày thật nhành, đường cày thẳng và đẹp. Với quan niệm của đồng bào ở đây nếu bên nào thắng cuộc có đường cày thẳng thì sẽ đem may mắn về cho bản: người dân khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, gia súc gia cầm không bi dịch bệnh mà ngày càng sinh sôi, phát triển. Bên cạnhphần nghi lễ là những tiết mục văn nghệ đặc sắc mừng Đảng, mừng Xuân với sự tham gia của các diễn viên không chuyên trong thôn bản. Những người phụ nữ hàng ngày chỉ mải mê với công việc đồng áng, hôm nay, họ được cất cao tiếng hát với khuôn mặt rạng ngời niềm vui. Đặc biệt là điệu xòe xuống đồng truyền thống của đồng bào Tày nơi đây đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ, với những động tác uyển chuyển, nhịp nhàng đã để lại nhiều ấn tượng cho những ai tham dự lễ hội.

Có thể nói Lễ hội xuống đồng ngoài ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, làng bản yên bình giúp bà con trong bản gặp gỡ, giao lưu chia sẽ kinh nghiêm sản xuất, phát triển kinh tế. Những hoạt động văn hóa – văn nghệ, trò chơi dân gian trong lễ hội là những nét văn hóa giàu truyền thống, mang đậm bản sắc đã được phục hồi, lưu giữ. Sau lễ hội người dân sẽ bước vào một mùa gieo hạt mới với niềm tin cây trồng sẽ tươi tốt, mùa màng bội thu đời sống bà con nhân dân sẽ ngày được nâng lên./.

Comments