Danh ca Thanh Thúy "vàng son" một thời
(Giúp bạn)“Thanh Thúy là nữ ca sĩ được ngợi ca nhiều nhất trong văn thơ… Bởi vì Thanh Thúy chính là người yêu trong mộng của cả một thế hệ”…Thi sỹ Nguyên Sa đã dành những lời khen ngợi chân tình cho người phụ nữ có giọng hát đậm chất liêu trai này.
“Nàng thơ” của văn nghệ sỹ một thời
Ca sỹ Thanh Thúy tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thanh Thúy, sinh năm 1943 tại Huế trong một gia đình có 5 anh chị em. Bà trở thành ca sĩ từ năm 15 tuổi vì bản năng nghệ sĩ thiên bẩm và vì khao khát đến tuyệt vọng của một cô bé nghèo cần kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ. Ở Sài Gòn những năm 1960, không một ai là không biết và không nghe giọng hát Thanh Thúy. Nhiều người Sài Gòn vẫn giữ những bản thu âm giọng hát Thanh Thúy đến giờ. Nhiều thế hệ sau nghe giọng hát liêu trai, như khói sương của Thanh Thúy vẫn phải trầm trồ, xuýt xoa.
Giọng hát của Thanh Thúy đẹp liêu trai và ma mị, đôi mắt của Thanh Thúy có thể “đánh gục” bất cứ trái tim người đàn ông nào trót một lần nhìn vào nó. Việc bà trở thành “nàng thơ” trong lòng bao nhiêu nhà thơ, nghệ sĩ, cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Tiếng hát liêu trai Thanh Thúy.
Tuổi thơ của Thanh Thúy là một tuổi thơ sớm phải gánh gồng trên vai gánh nặng của gia đình. Đi hát cật lực để kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ, nhưng nguyện vọng đó của bà không thành. Thanh Thúy phải chứng kiến sự ra đi vĩnh viễn của mẹ mình năm 1960, khi vừa bước sang tuổi 17 chưa lâu.
Sau nỗi đau mất mát to lớn đó, Thanh Thúy lại là người thay mẹ gánh vác gia đình, nuôi mấy em còn nhỏ dại, lo cho các em ăn học thành người. Sau này sang Mỹ, Thanh Thúy vẫn là người chị cả gắn bó với các em, gánh vác chuyện gia đình và là chỗ dựa tinh thần cho mấy người em gái.
Thanh Thúy qua những ca khúc trữ tình, lãng mạn của nhiều nhạc sĩ tài danh được mô tả bằng tiếng hát lơ lửng với khói sương, nhấp nhô cùng sóng nước, đam mê theo cung bậc, thì thầm với kẻ tình si, du dương trong tĩnh lặng, vỗ về với yêu thương.
Thanh Thúy được mệnh danh là “nàng thơ" của cả một thế hệ.
Đầu thập niên 60, ngọn bút của cây bút đầu đàn nhóm Sáng tạo & Kịch ảnh, Mai Thảo đã gọi Thanh Thúy là “Tiếng hát lúc không giờ”. “Tôi vẫn thấy một con chim nhạn bay trong dòng sông sương mù… chậm và khuya… công phu… kỳ lạ!”. Với tiếng hát đó, Mai Thảo còn gọi Thanh Thúy là “Tiếng hát khói sương” qua bài viết của Lâm Tường Dũ. Sau này, Thanh Thúy đã ra một CD mang tựa đề của ca khúc đó.
Thanh Thúy cũng là niềm cảm hứng bất tận cho chàng nhạc sỹ tài hoa, si tình Trúc Phương. Và ngược lại, bà cũng nổi danh, được yêu thích qua nhiều ca khúc của nhạc sỹ này. Với Trúc Phương, duyên nợ không trọn nhưng mối giao cảm trong âm nhạc vẫn còn đeo đuổi Thanh Thúy. Sau này, khi đã sống ở hải ngoại, Thanh Thúy vẫn tiếp tục gởi đến tha nhân nhiều ca khúc của Trúc Phương, tương trợ tác giả nơi quê nhà sống bất hạnh.
Theo nhà thơ Nguyên Sa, Thanh Thúy cũng là nguồn cảm hứng của Hoàng Trúc Ly, Mai Thảo, Viên Linh, Tuấn Huy. Bởi vì “Thanh Thúy chính là người yêu trong mộng của cả một thế hệ, trong đó có những nhà văn, nhà thơ bén nhạy bắt được cảm xúc riêng tư mà diễn đạt cái khách quan mênh mông trong cái chủ quan, riêng lẽ sống thực và chân thành…”.
Những mối tình đáng trân trọng
Trịnh Công Sơn nổi tiếng tài hoa, những bóng hồng đi qua đời ông không thiếu. Tuy nhiên, với Thanh Thúy, chàng nhạc sỹ đa tình này lại dành cho nàng một mối thâm tình đặc biệt.
Chàng thư sinh gầy gò, lang bạt vào Sài Gòn cuối thập niên 50, khi nghe Thanh Thúy hát “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong đã khóc và thốt lên: “Những giọt nước mắt ấy như một cơn mưa nhỏ trên tâm hồn mỏng mảnh của tôi đã khiến tôi phải lùi xa hơn nữa về một cõi đời nào còn xa xôi hơn đã từng làm tôi nhỏ lệ. Phải có một nỗi tuyệt vọng nào đó khởi đầu để tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời làm của cải riêng tư… Tôi e là tôi cũng đã ăn những giọt nước mắt để biết tận tình nói về những giọt nước mắt kia”.
Với Trịnh Công Sơn, Thanh Thúy chính là nguồn cảm hứng để ông viết nên ca khúc đầu tay: “Ướt mi”. Đó là một nhạc phẩm hay kỳ lạ, buồn thương đến não nề với những câu như: “Đừng khóc trong đêm mưa, đừng than trong câu ca”. Sau này, nhạc sỹ họ Trịnh còn viết thêm bài “Thương một người” với hình ảnh: “Thương ai về ngõ tối, sương rơi ướt đôi môi…” để dành tặng Thanh Thúy.
Bản nhạc “Mưa nửa đêm” của Trúc Phương dành tặng Thanh Thúy.
Mối tình đơn phương của nhạc sỹ họ Trịnh có thể gọi là chút tình đầu thoáng qua, nhưng cugx có thể gọi là mối tình say đắm, vô vọng. Ông cũng từng tâm sự: “Dần dần, hình bóng Thanh Thúy đã ăn sâu vào trong tôi lúc nào không biết. Nói yêu Thanh Thúy thì cũng chưa hẳn vì tôi nhỏ tuổi hơn, lại nhiều mặc cảm và vô danh… Biết vậy, nhưng tôi không thể không đêm nào thiếu hình ảnh và tiếng hát của nàng.
Ngoài nhạc sỹ họ Trịnh, Trúc Phương cũng là người “thương thầm nhớ trộm” Thanh Thúy. Trúc Phương yêu Thanh Thúy bằng một tình yêu trọn vẹn, nhưng có lẽ, hai người chỉ có duyên mà không có phận. Rất nhiều tác phẩm để đời của nhạc sỹ Trúc Phương như “Chuyện chúng mình”, “Bóng nhỏ đường chiều”, “Tàu đêm năm cũ” đều mang hình ảnh của Thanh Thúy. Và cũng chính nhờ tiếng hát liêu trai của Thanh Thúy mà các nhạc phẩm của Trúc Phương bay cao.
Nhạc sỹ Trúc Phương đến khi chết vẫn lâm vào cảnh túng thiếu. Trước khi chết chàng vẫn nhớ đến bóng hình người cũ đang sống ở trời Tây. Trong nhạc phẩm cuối cùng: “Mắt chân dung để lại” của Trúc Phương vẫn ẩn hiện bóng hình của Thanh Thúy: “Gửi người xưa bỏ ta để đôi mắt lại, giọt vắn giọt dài mãi đọng vũng bùn nhỏ, ta và em đã trót thiên thu nhầm lỡ”.