Người châu Á và phong tục đón tết cổ truyền
(Giúp bạn)Ngoài một số nước ăn tết âm lịch như Việt Nam, Trung Quốc, Singapore, các nước Châu Á khác cũng có cái tết cổ truyền của riêng mình. Mặc dù phong tục mỗi nơi mỗi khác, nhưng tất cả các nghi lễ, phong tục đón năm mới ở các nước đều cầu mong năm mới đem lại may mắn, hạnh phúc và an lành
Cùng tìm hiểu các phong tục đón Tết các nước đặc biệt với Châu Á xem thế nào nhé
- 1
Trung Quốc
Tết cổ truyền ở Trung Quốc là những ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Bắt đầu từ 8-12 âm lịch, mọi người dân Trung Hoa trên khắp thế giới kéo nhau về quê ăn Tết để được đoàn tụ với gia đình. Họ quây quần bên nhau làm những món ăn ngon để thờ cúng tổ tiên trong dịp năm mới và những lễ hội vui. Tết Nguyên đán ở Trung Quốc kéo dài cho đến hết ngày 15-1 âm lịch.
Trong năm mới, trẻ em và người già thường được mừng tuổi, gọi là lì xì, tiền đựng trong bao đỏ để lấy may. Người ta thường mua cành đào để nhà vì cho rằng cây đào nở hoa tượng trưng cho tài lộc.
Mỗi năm trong lịch của người Trung Quốc tương ứng với một con vật nên trong năm của con vật nào thì người ta thường tránh ăn thịt con vật đó vào đầu năm. Trung Quốc có phong tục đốt pháo để đuổi ma quỷ và những điều xui xẻo.
Năm hết Tết đến, người dân Trung Quốc thường trang trí nhà bằng cách treo những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ dán giấy đỏ và đốt pháo để mong muốn có một cái Tết vui vẻ, một năm mới an lành.
- 2
Lào
Tết đón năm mới của người Lào có tên là Bunpimay (còn gọi là Tết “Buộc chỉ cổ tay”, hay lễ hội “Hốt Nậm” - Té nước, cầu mong nước về, cho cuộc sống sinh sôi, đâm chồi, nảy lộc). Trong ngày Tết, người Lào rất chú trọng tới việc ăn món lạp, đặc biệt là các doanh nhân. Theo ngôn ngữ của nước này, lạp có nghĩa lộc. Lạp được xem như là linh hồn của người Lào trong năm mới. Người ta có thể đem chúc nhau bằng món lạp. Gia đình nào nhận được nhiều món này thì hy vọng năm mới sẽ có nhiều lộc. Lạp ở đây thường được làm bằng thịt gà hay thịt bò tươi sau đó đem trộn với gia vị. Đặc biệt, món này mà không có thính thì sẽ làm giảm hương vị độc đáo của chúng. Trong mỗi gia đình, đặc biệt là những người làm nghề kinh doanh, món lạp thường được các đầu bếp làm rất công phu, vì nếu món này trong ngày Tết mà không ngon thì họ thường ví năm mới làm ăn có nhiều điềm xui.
Trong ngày Tết nước Lào thường có tục biếu vải, biếu khăn cho người già. Ban ngày người ta đến đền chùa cầu nguyện. Vào buổi tối, mọi người tập trung ở chùa để vui chơi, biểu diễn âm nhạc truyền thống (morlam) và múa lam vong. Nếu làng nào đặt tượng Phật trong hang núi thì lễ tắm Phật gọi là Song Namphaphou. Các nhà sư và dân làng ăn trưa ngay tại núi sau khi làm lễ. Đặc biệt, người Lào sử dụng hoa trong ngày tết để cầu may, có hai loại hoa: hoa muồng (bò cạp vàng, hoa hoàng hậu) được người dân cài trên xe, trang trí trong nhà. Còn hoa Champa được người dân kết thành chùm hay cài trên tóc để cầu mong điều phước lành.
Người Lào có thói quen du xuân hết giao thừa. Trung tâm công viên Đài chiến thắng Patuxay lộng lẫy đèn hoa. Trong các rạp hát, nhà văn hóa, người dân được thưởng thức những tiết mục múa cổ truyền đặc sắc của dân tộc Lào. Đó là những điệu múa cung đình gợi lại một nền văn hiến huy hoàng của các triều vua Lạn Xạng (mà ta quen gọi là đất nước Triệu voi). Những điệu múa vừa sang trọng duyên dáng vừa mang sự huyền bí đậm chất tín ngưỡng của người dân ở một đất nước coi đạo phật là Quốc giáo.
- 3
Hàn Quốc
Tết âm lịch cổ truyền của người Hàn Quốc thường rơi vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 dương lịch, là đại lễ quan trọng nhất trong năm. Cũng như Việt Nam, mặc dù chính thức năm mới và cũng là bắt đầu vào Tết được tính từ thời khắc giao thừa song trên thực tế không khí Tết đã tràn ngập từ những ngày cuối năm âm. Vào ngày 30 Tết, các gia đình đều đã lo dọn vệ sinh sạch sẽ nhà cửa. Buổi tối trước giao thừa, họ thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Các thanh tre được đốt trong nhà lúc giao thừa để xua đuổi tà ma vì tục truyền do tiếng nổ của các thanh tre sẽ làm cho ma quỷ khiếp sợ bỏ chạy. Đêm giao thừa không ai ngủ cả, vì theo truyền thuyết nếu ngủ thì sáng hôm sau sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn khi thức dậy.
Vào những ngày Tết, mọi người đều mặc trang phục truyền thống hanbok hoặc chọn cho mình những bộ quần áo đẹp nhất, cả gia đình cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Sau lễ nghi này, những người ít tuổi trong gia đình sẽ cúi lạy những người lớn tuổi trong gia đình. Như nhiều quốc gia Á Đông khác, trẻ em Hàn Quốc cũng luôn là đối tượng được quan tâm, cưng chiều nhất trong dịp Tết. Sau khi các cháu làm động tác cúi đầu chào năm mới (sebae) trước người lớn và chúc họ may mắn (bok), chúng sẽ được người lớn thưởng tiền hoặc có khi là vàng, ngọc hay một món quà quý nào đó tuỳ thuộc vào tuổi, vị trí của chúng trong gia đình và đương nhiên là cả điều kiện, hoàn cảnh, quan niệm của từng gia đình nữa.
- 4
Thái Lan
Tết cổ truyền của đất nước Thái Lan có tên gọi là Songkran được tổ chức từ ngày 13-15/4 hàng năm. Đây là thời điểm người Thái tỏ lòng kính trọng với Đức Phật. Họ dọn dẹp nhà cửa, rũ bỏ những cái cũ, té nước lên nhau bằng xô, súng phun nước, bóng... những người càng được té nhiều nước càng may mắn. Lễ hội này có nét giống Lào và Campuchia, tuy nhiên mỗi nước có nghi thức lễ và hội có vài chi tiết khác nhau. Trong thời gian diễn ra lễ hội, nhiều cuộc diễu hành, thi sắc đẹp được tổ chức. Ngoài ra, người ta còn nấu các món ăn truyền thống và mặc các trang phục nhiều màu sắc. Tiếp đó là Wan Nao - ngày dành riêng để chuẩn bị đồ ăn trong những ngày lễ sắp tới. Theo tập tục, người dân sẽ tới bờ sông và thi nhau dựng các ngôi chùa bằng cát, mỗi hạt cát sẽ cuốn đi một tội lỗi. Ngày Wan Nao tương tự như ngày 30 của Tết cổ truyền Việt Nam. Wan Payawan là ngày đầu tiên của năm mới. Mở đầu là một số nghi lễ trên chùa vào lúc sáng sớm, người dân sẽ cúng đồ ăn và quần áo. Còn tại nhà, các bức ảnh của Đức Phật sẽ được lau và vẩy nước thơm. Wan Payawan cũng là ngày bắt đầu của lễ hội té nước. Cuối cùng là ngày Wan Parg-bpee - ngày để cầu nguyện, tưởng nhớ người già, tổ tiên và rắc nước thiêng. Songkran là Tết mọi người nghĩ tới người đã khuất nên họ thường chuẩn bị những bữa ăn thịnh soạn để cúng tổ tiên rồi tiếp đó mới vui chơi thỏa thích.
- 5
Nhật Bản
Ở Nhật Bản, năm mới là dịp tụ họp gia đình nên tất cả cửa hàng, văn phòng, cơ quan đều đóng cửa. Trong năm mới, người ta thường treo một vòng làm bằng rơm khô trước cửa nhà vì đó là biểu tượng của niềm vui và sự may mắn.
Khi gặp nhau, người ta thường cười to với hy vọng sẽ vui vẻ quanh năm. Để xua tan mọi điều xui xẻo trong đêm giao thừa, người Nhật thường rung chuông 100 lần. Tết ở Nhật Bản kéo dài tới 2 tuần.
Vào những ngày này, khắp nơi vang lên tiếng chày giã bột gạo làm bánh. Bánh Tết đặc trưng là bánh bột gạo môchi. Đúng 12 giờ đêm giao thừa, trong các chùa vang lên 108 tiếng chuông. Tiếng chuông còn được truyền qua radio.
Nhiều người Nhật đổ tới các chùa để làm lễ đầu năm, mua bùa hộ mệnh. Theo truyền thống, trong những ngày đầu năm, các cô gái được sai ra đồng bứt hái nhiều loại cây cỏ (không độc) khác nhau. Tới ngày mồng bảy Tết, chủ nhà đem nấu những lá "lộc xuân" đó với gạo thành món ăn đặc biệt dùng để ăn sáng.
- 6
Singapore
Diễn ra cùng thời điểm với Tết Nguyên đán của người Việt Nam vào dịp này, Tết Âm lịch ở Singapore cũng như hàng năm đều tổ chức Lễ hội Mùa xuân .Ở Singapore, đêm 30 Tết âm lịch, mọi trẻ em có thói quen thức đón giao thừa, chúng thường đợi bố mẹ cúng giao thừa, cúng tổ tiên hoặc đốt pháo xong mới đi ngủ. Ngày đầu tiên của năm mới là ngày trẻ con đi chúc Tết ông bà, bố mẹ, cô dì, chú bác, cũng là "ngày phong bao" của chúng. Chúng sẽ được nhận các phong bao tiền mừng tuổi của bề trên. Mọi người thường ăn món bánh rán làm bằng bột nếp và đường đỏ. Ở thành thị và nông thôn thường có biểu diễn múa sư tử và múa rồng rất đặc sắc.