Những phiên chợ Tết đặc sắc của Việt Nam (P.2)

00:04 12/02/2014

(Giúp bạn)Ở Việt Nam có những phiên chợ, mỗi năm chỉ họp một lần vào dịp giáp Tết hay đúng vào ngày Tết. Xa xôi, cách trở, bận rộn mấy, người ta cũng đến mà du xuân, cầu duyên, cầu phát tài, phát lộc hay đơn giản chỉ là dịp để gặp gỡ thăm hỏi, chúc Tết lẫn nhau.

  • 1
    Chợ Bến:
     
    Chợ Bến ở Đồng Hới (Quảng Bình), chỉ họp ba ngày đầu năm. Chợ họp dọc theo bờ sông Nhật Lệ, không có địa điểm nhất định. Trên bộ xe cộ tấp nập, dưới sông thuyền ghe chen nhau san sát.
     
    Từ hôm trước Tết, nhân dân địa phương dựng lều trại, mở bài chòi. Người về họp chợ mang theo các loại đặc sản ở quê hương mình như các đồ thủ công mỹ nghệ, tôm, cá, thịt heo rừng, mật ong, gà, vịt, bánh, kẹo, đồ chơi trẻ em...
     
    Kẻ mua người bán dù không quen biết nhau vẫn chào hỏi, chúc tụng lẫn nhau và không nói thách giá, cò kè bớt một thêm hai như những phiên chợ thường. Họ đi chợ chỉ mong cầu sự may mắn, cầu phúc lộc thọ cho năm mới. Thanh thiếu niên thì reo hò quanh các trò vui như chọi gà, leo cột mỡ, đi cầu nối trên sông hay túm tụm quanh các điểm bài chòi.
  • 2
    Chợ Cồn và Chợ thịt heo:
     
    Chợ Cồn ở xã Vĩnh Mỹ, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế họp vào ngày mồng 1, mồng 2 Tết, tại một cồn cát cách khu chợ thường ngày khoảng 1.500m, nên còn gọi là chợ Cồn.
     
    "Chợ thịt heo" họp tại xã Mỹ Lợi, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế vào các ngày 29 và 30 tháng Chạp. Chợ không họp ở chợ thường ngày mà họp trên những chòi cao mới cất ở gần khu chợ thường ngày.
     
    Từ xưa người dân ở xã Vĩnh Mỹ và xã Mỹ Lợi cho rằng trong những ngày Tết, "người âm" cũng về họp chợ nên người trần họp chợ ở nơi khác và nhường chợ cũ cho người âm. Sau những ngày họp chợ Tết xong, chợ lại về họp ở nơi cũ.
  • 3
    Chợ Gia Lạc:

    nhung-phien-cho-tet-dac-sac-cua-viet-nam-p2-1
     
    Xưa kia, chợ họp ở phủ, sau này mới dời đến ngã ba đường Dương Nỗ, cách trung tâm thành phố Huế chừng 3km.
     
    Chợ họp mỗi năm một phiên, đông vui nhất là sáng mồng 1 Tết. Phiên chợ này đặc biệt bởi có người đánh bài chòi ngồi ngất ngưởng trên những chiếc chòi cao.
     
    Chợ Gia Lạc hình thành cách đây khoảng 200 năm và bày bán nhiều đặc sản của các địa phương như bún bò, bánh bèo, bánh phu thê (su sê), kẹo mứt, chuối ngự Nam Giao, quýt ngọt Hương Cần, trầu cau Nam Phổ...
     
    Người khởi xướng nên chợ Gia Lạc, là Định Viễn công Nguyễn Phước Bình, hoàng tử thứ tư, con vua Gia Long.
  • 4
    Chợ Gò Trường Úc:
     
    Chợ Gò Trường Úc có tục họp vào ngày mồng 1 Tết Nguyên đán trên một gò đất cao ở chân núi Trường Úc, cạnh thị trấn Tuy Phước, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 8km.
     
    Chợ Gò Trường Úc là điểm vui xuân lý tưởng mang đậm tính chất lễ hội cổ truyền. Người đi chợ không chỉ để đi mua sắm mà còn đi du xuân hái lộc, cầu may. Chùa Long Sơn cổ kính nằm kề bên núi Trường Úc từ lâu đã là nơi mọi người đến xin thẻ cầu nhân duyên, phúc lộc mỗi khi Tết đến, Xuân về.
  • 5
    Chợ Viềng Nam Định:
     
    Có hai chợ Viềng, chợ Viềng gần phủ Dầy, ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định - còn gọi là chợ Viềng Phủ. Chợ Viềng ở gần chùa Bi, ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định - còn gọi là chợ Viềng Chùa.
     
    nhung-phien-cho-tet-dac-sac-cua-viet-nam-p2-2
     
    Dân gian có câu "Chợ Viềng 2 chợ, 1 phiên" chỉ 2 chợ này cùng tên Viềng và họp cùng phiên, cùng buôn bán những mặt hàng giống nhau (đồ cổ, đồ cũ, công cụ nhà nông, thịt bò, cây cảnh, giống cây trồng ...).
     
    Chợ Viềng họp vào đêm mùng Bảy, rạng sáng ngày mùng Tám tháng Giêng hàng năm với quan niệm “bán rủi, mua may.” Ngày trước, người ta đi chợ hầu hết theo phương thức thức trao đổi hàng hóa (chủ yếu là đồ cũ) không qua tiền tệ, để tìm cho mình những thứ phù hợp với công việc, nhu cầu, sở nguyện, theo tinh thần “ “bán được là quí, mua được càng may.”
     
    Ngày nay, đi chợ Viềng còn kết hợp với cúng bái, cầu may ở các đền, phủ đặc biệt là Phủ Dày thờ Mẫu Liễu Hạnh.

Comments