Showbiz Việt và sự lũng đoạn của các format nhập khẩu

07:21 12/02/2014

(Giúp bạn)Thành công về lượng khán giả theo dõi, lượng quảng cáo dày đặc, nên khi các format nước ngoài được ồ ạt nhập về vô tình đã đặt ra một thách thức lớn cho các chương trình thuần Việt do các nhà sản xuất Việt Nam đầu tư thực hiện.

  • 1

    Format nước ngoài chiếm lĩnh thị trường  

    Chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây, khán giả Việt Nam đang ngày càng được tiếp cận với nhiều format truyền hình mới được mua về sản xuất tại Việt Nam. Thành công của Chiếc nón kì diệu (2001), Hãy chọn giá đúng, Ai là triệu phú (2005) đã chứng minh về độ hút khán giả của những format được xây dựng gần gũi với đời sống thường nhật, nhưng biết cách cài đặt những yếu tố kịch tính hấp dẫn ở nội dung, tạo thêm sự hưng phấn và hào hứng của khán giả khi theo dõi. Xuất phát từ VTV, nhưng sau này, để làm phong phú nội dung chương trình truyền hình, các đài truyền hình ở các địa phương lớn cũng lao theo việc mua bản quyền thực hiện các format nước ngoài và rất nhiều format phiên bản Việt cũng chứng tỏ sức hút mạnh mẽ của mình khi đến với công chúng như Nốt nhạc vui, Rồng vàng (HTV), Đuổi hình bắt chữ (HTV Hà Nội),...

    Lượng khán giả theo dõi các chương trình là thước đo quan trọng nhất với các chương trình hướng đến yếu tố giải trí, thư giãn. Sự hấp dẫn của các format nước ngoài được xây dựng từ các ý tưởng kịch bản mang tính đại chúng, phù hợp thị hiếu số đông khán giả ở nhiều quốc gia đã được chứng minh bằng việc tỷ suất khán giả Việt Nam theo dõi các format nước ngoài rất đông đảo theo những nghiên cứu của các công ty phân tích thị trường.

    showbiz-viet-va-su-lung-doan-cua-cac-format-nhap-khau-1

    Với sự hưởng ứng của khán giả, không khó để hiểu tại sao các đài truyền hình hay các công ty truyền thông lớn tại Việt Nam lại càng ngày nhập về càng nhiều các chương trình lớn. Kênh giải trí VTV3, cũng là kênh thương mại lớn nhất của Đài truyền hình Việt Nam gần như đang rơi vào một cuộc cạnh tranh khá căng thẳng với các gameshow mới trong các khung giờ phát sóng chương trình giải trí. Sự dày đặc tới mức đôi lúc một số chương trình gameshow buộc phải chuyển sang phát sóng trên các kênh khác của VTV.  

    Và sau sự chiếm lĩnh của các format được ghi hình offline (ghi hình trước, biên tập và phát sóng sau), các nhà sản xuất Việt Nam cũng đã bắt đầu dấn thân vào những format mang yếu tố truyền hình trực tiếp. Mặc dù khá khó khăn và gặp nhiều thách thức khi đội ngũ nhân lực và kĩ thuật truyền hình chưa có nền tảng hiện đại như các kênh truyền hình nước ngoài, nhưng sự thành công của Vietnam Idol, Vietnam's Got Talent, Hợp ca tranh tài, Bước nhảy Hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo... với giá quảng cáo cao ngất ngưởng đã chứng minh hướng đi mạo hiểm này đã phần nào thành công.

  • 2

    Format Việt loay hoay

    SV 96 (hiện là SV 2012), Bảy sắc cầu vồng, Ở nhà chủ nhật, Đường lên đỉnh Olympia, Rung chuông vàng... là những cái tên đầy huy hoàng một thời của VTV. Đây là số ít trong rất nhiều các format Việt Nam được khán giả biết đến vì được phát trên đài truyền hình quốc gia. Nhưng với số lượng chưa đầy trên một bàn tay, và ngày càng trở nên thiếu sức hút với khán giả, không khó để nhận ra số lượng các chương trình trên như muối bỏ bể so với lượng chương trình format nước ngoài hiện nay và gần như mất thế cân bằng về sự hấp dẫn với các chương trình khác khi không thể cạnh tranh ở khung "giờ vàng" của VTV với những format khác.

    Những chương trình do Việt Nam sản xuất đa số ở dạng gameshow kiến thức có nội dung đơn thuần, ghi hình, biên tập và phát sóng sau nên tính hấp dẫn gần như phải do bàn tay biên tập từ người sản xuất, vì bản chất thông tin kiến thức rất khô khan và không nhiều sức hút. Với dạng chương trình thiên về kiến thức tổng hợp, không khó để thấy dạng mô típ này sẽ tự cạnh với nhau về khán giả, trong khi các format nước ngoài lại rất đa dạng về cách khai thác. Không chỉ ở mảng kiến thức truyền hình, format nước ngoài nặng yếu tố giải trí, chiêu trò câu khán giả, thậm chí đưa khán giả và nội dung một cách thông minh tạo nên sự liên kết chặt chẽ, đây là yếu tố điển hình mà các chương trình truyền hình thực tế đang khai thác triệt để tâm lý khán giả.

  • 3

    Le lói những hướng đi mới của format Việt

    Không thể phủ nhận tính ăn khách của các format nước ngoài nhưng không thể không thừa nhận một số những ảnh hưởng không tích cực từ các format này, thậm chí một số trường hợp "lừa đảo", sử dụng kịch bản "ảo" để đẩy cao tỷ suất người xem đã từng bị phanh phui tên báo chí. Mặc dù nhiều format nước ngoài mang danh truyền hình thực tế, tôn trọng và ghi lại những diễn biến thật của nhân vật trong chương trình nhưng hầu như với tất cả các format nước ngoài, tính "thật", "thực tế" đôi khi cần phải đặt nghi vấn.

    Bởi lẽ, khi đã được phát sóng truyền hình hình, tất cả nội dung sẽ phải được dựng lại theo phong cách giải trí, tâm lý, cảm xúc sẽ được biên tập kĩ để làm nổi bật tính cách nhân vật. Dù vẫn là tình huống thật, nhưng khi âm nhạc được đưa thêm, xử lí cảnh quay được dựng lại, câu chuyện sẽ được hiểu và nhận thức đôi khi rất nhiều chiều.

    showbiz-viet-va-su-lung-doan-cua-cac-format-nhap-khau-2

    Sau Bài hát Việt, Bài hát yêu thích là chương trình thứ 2 theo dạng dài kì của VTV bên cạnh một số chuỗi chương trình ca nhạc trên một số đài địa phương hiện đã ngừng sản xuất như Album vàng của HTV,...

    Nếu nhìn vào tình trạng format truyền hình nước ngoài đang "lũng đoạn" sóng các nhà đài, thì Bài hát yêu thích như một tín hiệu đáng mừng cho một format Việt đang kiên trì và nỗ lực xây dựng hình ảnh theo một phong cách sản xuất mới, và áp dụng những tiêu chí sản xuất tân tiến, không thua kém những format hiện đại đang thực hiện ở Việt Nam.  

    Bên cạnh tính giải trí của chương trình, mục tiêu lâu dài của Bài hát yêu thích chính là việc xây dựng nên một bảng xếp hạng uy tín của Việt Nam, làm nên một diện mạo các sản phẩm được khán giả yêu thích thực sự mà chính khán giả và các nghệ sĩ là nhân tố quan trọng nhất bên cạnh phần thực hiện của nhà đài và đơn vị giữ ý tưởng phối hợp sản xuất.

  • 4

    Kết

    Format nước ngoài đang thắng thế trên sân nhà là điều không thể phủ nhận. Nhưng việc các format này có duy trì được lâu dài và ổn định hay không tùy thuộc ở phía nhà sản xuất và thị hiếu của khán giả truyền hình. Đã có nhiều format nước ngoài sau một vài năm triển khai thực hiện cũng không thể duy trì tốt và ngừng sản xuất.

    Nhưng điều này cũng cho thấy các đài truyền hình, nhà sản xuất tại Việt Nam cần phải nỗ lực và ý thức hơn việc tìm kiếm, xây dựng những format Việt có ý tưởng độc đáo, hấp dẫn khán giả bởi sự ồ ạt các format nước ngoài truyền hình sẽ tác động không nhỏ tới tâm lý, hành động của đối tượng tiếp nhận, khi mà sự khác biệt về văn hóa, ứng xử của người Việt Nam không giống với ý tưởng được xây dựng từ một nền văn hóa khác.

    Bên cạnh đó, khán giả truyền hình cũng nên có một có cách nhìn khách quan, bao dung và ủng hộ cho những format Việt đang từng ngày hoàn thiện để mang đến những món ăn tinh thần hấp dẫn, độc đáo mà vẫn đề cao những giá trị cốt lõi về tinh thần, nghệ thuật. Hơn ai hết, khán giả hiểu được rằng, mỗi format Việt Nam thể hiện bản lĩnh sáng tạo của người Việt thì sự ủng hộ và song hành sẽ là động lực lớn để ngày càng nhiều format Việt ra đời và tạo nên thế cân bằng so sánh với các format nước ngoài, vốn đang rất mất cân bằng hiện nay.

Comments