Tết cổ truyền của các dân tộc Việt Nam

00:13 12/02/2014

(Giúp bạn)Khi những cành đào, cành mận nở hoa khoe sắc cũng là lúc báo hiệu một mùa xuân mới đang về… Tết là dịp để cả gia đình nghỉ ngơi sum họp sau một năm lao động sản xuất… Mỗi một dân tộc có cách ăn Tết khác nhau, có những nghi thức, hoạt động khác nhau diễn ra trong dịp Tết.

Với một số đồng bào dân tộc, có khi Tết kéo dài thành mùa (trong vòng khoảng nửa tháng), nhiều hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng diễn ra sôi nổi. Dưới đây là phong tục Tết cổ truyền của một số dân tộc Việt Nam. Hãy cùng tìm hiểu về Tết nguyên Đán tại các vùng miền khác nhau thế nào nhé

  • 1

    Tết của dân tộc Mường

    Về trình tự và phong tục, có lẽ Tết của người Mường là gần với Tết của người Kinh nhất. Có một phong tục đặc sắc mà họ còn lưu giữ được là hát "sắc bùa". Đây là một thể loại hát chúc mừng năm mới. Ngày mồng Một, mồng Hai, trẻ con Mường tụ tập cùng nhau, đánh cồng rộn ràng, miệng hát "sắc bùa". Đi qua nhà nào thì nhà đấy mở cửa cho trẻ ít tiền hoặc bánh.

  • 2

    Tết của dân tộc Nùng 

    Một thứ không thể thiếu được trong mâm lễ cúng tổ tiên đêm 30 cũng như trong bữa cơm Tết của người Nùng là món thịt gà sống thiến. Con gà này phải nuôi riêng từ trước Tết vài tháng, cho ăn toàn thóc. Sáng mồng Một, người con rể phải đi lễ bố mẹ vợ một đôi gà sống thiến. Hai món nữa không thể thiếu đối với Tết dân tộc Nùng là bánh khảo, xôi ngũ màu (vàng, trắng, hai sắc của đỏ gấc, đen).

    Các trò chơi phổ biến trong ngày Tết của người Nùng là ném còn, đá cầu, hát đối nam nữ, đánh võ cổ truyền, đánh gậy, trẻ con thì chơi quay, múa sư tử...

  • 3

    Tết của dân tộc Tày

    tet-co-truyen-cua-cac-dan-toc-viet-nam-1

     

    Tết của dân tộc Tày bắt đầu vào 30 và kết thúc (lễ tạ tổ tiên) vào khoảng sáng mồng Ba. Mồng Bảy, họ ra đồng làm việc nhưng chỉ mang tính hình thức. Đến ngày 15, họ ăn Tết lại, gần giống như ăn rằm tháng Giêng của người Kinh, nhưng người Tày thì gọi là ăn Tết lại.

    Khác với người Thái, người Tày kiêng sáng mồng Một có người không mời mà vào nhà. Họ chọn mời người xông nhà là người có đạo đức trong bản, người có phúc lớn, kị nhất là người có tang... Đàn ông Tày mồng Một chơi cha (tức bố mẹ vợ), mồng ba chơi thầy (thầy cúng).

    Một số trò chơi cũng được phát động trong Tết mà phổ biến nhất là tung còn. Ra xuân, người Tày còn có hội lồng tồng (xuống đồng).

  • 4

    Tết của người Chăm

    Cũng như các dân tộc anh em khác, người Chăm ăn Tết cũng rất linh đình, nhộn nhịp. Họ giết lợn, giết gà vịt, bày đủ loại hoa quả, bánh trái. Trong dịp Tết, người Chăm không có tục kiêng cữ cho nên bạn bè, hàng xóm trong dịp ở xa có thể đến chung vui một cách thoải mái. Trong thời gian ăn Tết, người Chăm còn tổ chức các trò vui chơi như múa quạt, tổ chức đánh cồng chiêng, ca hát uống rượu, bắn cung.

  • 5

    Tết của người Cơ Tu

    tet-co-truyen-cua-cac-dan-toc-viet-nam-2

    Vào dịp Tết của người Cơ Tu, các loại ghẻ, cung nỏ, giáo, mác, thanh la, trống, chiêng được lau chùi cẩn thận. Ở nhà Guơi (nhà làng) người ta dựng cột đâm trâu bằng cây gạo trạm trổ, sơn vẽ đẹp mắt. Nhiều sinh hoạt văn hoá diễn ra tại nhà Guơi như kể chuyện, nhảy múa, hát dân ca. Con gái được dịp trao đổi tâm tình và rủ nhau chơi xuân kéo dài cả tháng...

  • 6

    Tết của người Dao

    Người Dao đón Tết bằng Tết nhảy gọi là "Nhiang chằm Ðao" để rèn luyện sức khoẻ và võ nghệ. Tết nhảy bắt đầu trước tết Nguyên Ðán chừng vài ba hôm. Thanh niên phải tập các điệu múa, điệu nhảy, làm gươm đao bằng gỗ để múa. Trong Tết nhảy mỗi người phải nhảy múa đến hàng trăm lượt trong tiếng trống, tiếng thanh la giục giã...

  • 7

    Tết của người Xơ Đăng

    Người Xơ Đăng thưởng sửa sang lại các máng nước và tổ chức lễ "cúng máng" để cầu mong Thần nước (Yang Dak) ban cho dân làng năm mới được mùa, nước non đầy đủ. Ngày đầu năm, người trong buôn làng mang nồi đồng ra các máng nước để lấy nước mang về nhà, đồng thời tổ chức ăn uống, vui chơi suốt mấy ngày liền.

  • 8

    Tết của người H’Mông

    tet-co-truyen-cua-cac-dan-toc-viet-nam-3

    Tết Nguyên đán của người H'Mông gọi là NaoX-Cha. Ngoài thịt ra, còn có bánh bằng bột nếp, bánh chưng ít khi dùng. Ðêm giao thừa các gia đình thường cử con trai đi "mở nước", tức là đi lấy nước ngoài sông suối đem về nhà cúng tổ tiên.

  • 9

    Tết của người Hrê

    Trong dịp Tết, người Hrê lo gói và nấu bánh tét, làm rượu thật nhiều. Tất cả mọi người đều tề tựu về nhà chủ làng để ăn mừng, chúc tụng lẫn nhau. Sau đó mới lần lượt đến các nhà khác. Họ vừa ăn uống vừa múa hát. Ðàn ông thì đeo ống chinh, còn đàn bà thì đeo ống bương lấy hai tay vỗ vào đầu ống sẽ tạo thành tiếng bập bùng, bập bùng...

  • 10

    Tết của người Thái

    Người Thái ở Sơn La và Lai Châu đón Tết hầu như suốt cả mùa, gọi là mùa Tết. Vào ngày đầu năm, họ không quên đem dao, rựa vừa đi ra đường vừa phát quang để thông thoáng cho năm mới. Vui nhất là các hội Xoè Thái nổi tiếng, tha hồ vui chơi cho đến rằm tháng giêng mới hết.

  • 11

    Tết của người Sán Chỉ

    Người Sán Chỉ có một tục lệ khai xuân rất độc đáo, đó là tục lệ “trồng ngô”, họ chọn ngày dần để đi khai xuân, tất cả các nhà trong xóm bản sẽ tập trung giúp một nhà trồng ngô vào buổi sáng, đến đầu buổi chiều chủ nhà sẽ mời tất cả mọi người bữa ăn đầu năm, họ ăn uống, múa hát đến tận đêm mới về, sáng hôm sau họ lại đi giúp một nhà khác trong bản.

    Mỗi một dân tộc có một sắc thái, một không khí xuân tưng bừng, nhiều màu sắc khác nhau. Những nghi lễ, trò chơi hay những món ăn truyền thống của mỗi dân tộc đều là những giá trị cần phải bảo tồn, phát triển, không chỉ mang ý nghĩa văn hóa mà còn lưu giữ lại cho thế hệ sau.

Comments