Thâm u những cái chết quanh hồ 'ma ám'

00:22 12/02/2014

(Giúp bạn)Hồ Đá làng Đại học Quốc gia TP.HCM thuộc ấp Tân Lập, xã Đông Hòa, thị xã Dĩ An, Bình Dương là nơi đã xảy ra nhiều cái chết thương tâm. Người dân và sinh viên nơi đây gọi hồ Đá với cái tên rùng rợn 'Hồ tử thần' hay 'Hồ ma ám'.

  • 1
    Sinh viên, công nhân “một đi không trở lại”
     
    Dù đã có nhiều biện pháp của chính quyền địa phương và ban quản lý Đại học Quốc gia như: gắn biển cảnh cáo độ nguy hiểm, lập hàng rào dây thép gai... nhưng cũng không ngăn được dòng người đổ về hồ Đá vui chơi và cũng từ đây, mỗi năm đều xảy ra nhiều vụ đuối nước.
     
    Đã từ lâu, hồ Đá là địa chỉ hấp dẫn lôi cuốn nhiều sinh viên đến tụ tập. Vào mỗi buổi chiều, từng tốp sinh viên lại rảo bộ hoặc thong dong trên xe đạp, xe máy ngắm cảnh, dạo mát bên “Hồ ma ám”.
     
    tham-u-nhung-cai-chet-quanh-ho-ma-am-1
    Hồ Đá - địa điểm dạo mát khá lý tưởng của nhiều sinh viên
     
    Thực hư những câu chuyện ma quỷ chỉ là lời đồn đại, truyền tai nhau của nhiều sinh viên và người dân sống xung quanh khu vực làng Đại học Thủ Đức. Thế nhưng, có một thực tế không thể phủ nhận là chính hồ nước nói trên đã là nơi điểm mặt những sinh viên vắn số.
     
    Vào một buổi xế chiều, ánh nắng gắt lùi dần về phía góc hồ, hàng chục cặp đôi sinh viên xung quanh làng Đại học lũ lượt kéo nhau ra ngồi trên bãi cỏ, hốc đá hóng mát.... Phía xa xa, đám thợ câu ngoắc cần dõi theo chiếc phao dập dình mặt nước chờ đợi chiến lợi phẩm, bỗng mọi người giật mình khi nghe tiếng hét thất thanh: “Cứu, cứu, có ai cứu không?”.
     
    Khi mọi người nhìn về nơi phát ra tiếng kêu cứu, chứng kiến hình ảnh một cánh tay chới với dưới dòng nước, chỉ trong chốc lát, bàn tay của người đuối nước chìm xuống và kèm theo là tiếng khóc vô vọng của người con gái.
     
    Mọi người thấy vậy đều tá hỏa lao đến cứu nam sinh kia, nhưng tất cả mọi cố gắng đều bất lực trước lòng hồ sâu. Nam sinh ấy đã mãi mãi ra đi theo “tiếng gọi” của "hồ ma ám". Ngồi trên bờ, cô bạn gái của chàng trai xấu số cũng ngất lịm đi vì người yêu của mình đã tức tưởi ra đi ngay trước mặt mà không thể cứu nổi.
     
    Theo thống kê của Công an xã Đông Hòa, có những vụ chết 3, 4 người cùng một lúc và cùng một địa điểm tại khu vực hồ Đá. Cuối tháng 3.2009, trong lúc dùng ca nô dạo chơi trên hồ, bỗng dưng chiếc ca nô lật úp, hất văng ba thanh niên xuống hồ. Không biết bơi cộng với hồ sâu, nước lạnh, 3 thanh niên nhanh chóng chìm sâu trong lòng hồ và mãi mãi nằm lại trước sự bất lực của nhiều người.
     
    Vụ 4 công nhân làm việc quê ở Nghĩa Thuận, Nghĩa Đàn, Nghệ An rủ nhau ra hồ Đá chụp ảnh làm kỷ niệm trước ngày lên xe về quê ăn tết, và ngã xuống nước rồi bị “hồ tử thần” nuốt trôi khi tuổi đời còn rất trẻ.
     
    tham-u-nhung-cai-chet-quanh-ho-ma-am-2
    Một vụ chết đuối tại hồ Đá
     
    Danh tính của các cô được xác định gồm: Nguyễn Thị Hoa (21 tuổi), Nguyễn Thị Hải (21 tuổi), Nguyễn Thị Lài (22 tuổi) và Nguyễn Thị Bình (20 tuổi), đều quê Nghệ An, cùng làm công nhân trong khu chế xuất Linh Xuân 2, phường Linh Trung, quận Thủ Đức.
     
    Và tính tổng cộng đến thời điểm này, đã có hơn 60 người gồm sinh viên, học sinh, công nhân và dân thường đã bị hồ Đá "chỉ mặt gọi tên". Từ những vụ chết người ấy, lời đồn về hồ này bị “ma ám” càng được lan rộng. 

    Tuy nhiên, khi tìm hiểu, chúng tôi phát hiện, ở đây không hề có chuyện “ma, quỷ”, căn nguyên những tai nạn đều xuất phát từ chính ý thức của con người.
  • 2
    Bất chấp nguy hiểm “xé rào” chơi tới bến
     
    tham-u-nhung-cai-chet-quanh-ho-ma-am-3
    Dù có biển cấm nhưng nhiều người vẫn "xé rào" để vào hồ chơi
     
    Ở khu vực các hồ Đá, trước đây chính là công trường khai thác đất đá của xã Đông Hòa. Sau khi đơn vị khai thác rút đi để lại một hồ sâu khoảng 60m, rộng hàng chục hecta. Mặt hồ thơ mộng kết hợp với những hàng cây mới trồng đã tạo cho nơi đây cảnh quan đẹp mắt, hấp dẫn nhiều người đến vui chơi, dạo mát.
     
    Mang câu chuyện thấm màu sắc huyền bí về các hồ nói trên, chúng tôi đi gặp nhiều người nhằm tìm đáp án, hầu hết những biết chuyện đều cười, cho rằng chẳng có “ma quỷ hay cô hồn” nào hết mà do ý thức của sinh viên và người dân đã gây nên nhiều cái chết thương tâm.
     
    Biết được những nguy hiểm mà “hồ tử thần” đã gây ra nên các hàng rào dây thép và biển báo nguy hiểm được bao bọc quanh hồ. Nhưng bất chấp những cảnh báo ấy là cuộc đổ bộ xé rào để vào hồ vui chơi câu cá, tâm sự, tắm... Chính sự bất cẩn và ý thức tự bảo vệ mình của con người còn non kém nên mỗi năm, hồ Đá vẫn chứng kiến cảnh sinh viên từ quê lên phố học và mãi mãi không trở về.
     
    Một nguyên nhân nữa chính là do hồ bị đóng băng bởi các vách tường bằng đá, nước trong hồ luôn ở trạng rất lạnh nên khi xuống hồ bơi, cơ thể chưa thích ứng kịp sẽ bị chuột rút. Điều này giải thích vì sao có rất nhiều trường hợp vừa xuống bơi đã bị nước nhấn chìm.
     
    tham-u-nhung-cai-chet-quanh-ho-ma-am-4
    Hồ còn là nơi hẹn hò của các cặp tình nhân

    Bên cạnh nỗi ám ảnh về những cái chết tức tưởi, “Hồ tử thần” cũng thường trực những nguy hiểm bởi các tệ nạn xã hội bủa vây. Xung quanh hồ là đường đua của quái xế, là cướp giật, ma túy, đánh lộn.
     
    Sinh viên Hoàng Mạnh Hà cho biết: “Buổi chiều em dẫn bạn gái ra hồ Đá ngồi hóng mát, thấy trong các lùm cây có mấy thanh niên theo dõi. Lúc em đi tìm cỏ dại cho bạn gái, bất chợt thấy một bóng đen từ trong bụi cây nhô lên, em hoảng hồn la toáng lên, người này bỏ chạy; rất may em chưa bị bọn chúng làm gì”.
     
    Mặt trời đang lặn dần sau những hàng cây, mái nhà... và từng cặp, tốp sinh viên lại hẹn nhau ra hồ Đá vui chơi. Nhưng dường như trong số những cuộc chơi ấy, mỗi năm trôi qua “hồ tử thần” lại là nơi ghi dấu nỗi đau khôn nguôi của nhiều sinh viên, công nhân...

Comments