Trương Ái Linh – kỳ nữ đa đoan
(Giúp bạn)Cuộc đời Trương Ái Linh cũng bi kịch không kém những nhân vật trong tác phẩm của bà.
Chạm ngõ văn chương và nổi tiếng với tiểu thuyết đầu tay khi mới 12 tuổi, Trương Ái Linh được xem là một trong những nhà văn nữ có sức ảnh hưởng lớn đối với nền văn học Trung Quốc. Sinh trưởng trong một gia đình quý tộc, ông nội, ông ngoại của bà là những quan lại có ảnh hưởng lớn dưới thời nhà Thanh. Tuy nhiên, cuộc sống từ nhỏ của Trương Ái Linh đã gặp nhiều trắc trở, nhất là sau khi gia đình bà chuyển đến Thiên Tân, cha bà cưới thêm một người vợ và bắt đầu nghiện thuốc phiện.
Trương Ái Linh – kỳ nữ đa đoan (ảnh internet)
Trương Ái Linh từ bé đã thông tuệ và ham học hỏi. Bà được gửi vào trường trung học Thiên chúa giáo Sant Maria, sau đó, tiếp tục học Văn – Anh ở đại học Hồng Kông. Sự nghiệp văn chương của Trương Ái Linh cũng được bắt đầu từ rất sớm. Sau tiểu thuyết đầu tay vào năm 12 tuổi, Trương Ái Linh bắt đầu viết và thành công với tiểu thuyết “Tình yêu khuynh thành” và “Kim tỏa ký”. “Sắc giới”, “Chuyện tình giai nhân”, “Cái gông vàng” cũng là những tác phẩm nổi tiếng góp phần làm nên tên tuổi của Trương Ái Linh.
Phần lớn thời gian, Trương Ái Linh đều sinh sống ở nước ngoài. Tác phẩm của bà tập trung vào đề tài phụ nữ và tình yêu với những số phận đầy bi kịch. Trương Ái Linh cũng được xem là nhà văn của phụ nữ, hầu hết các nhân vật nữ trong tác phẩm của Trương Ái Linh đều quay cuồng trong vòng xoáy mai mối, hẹn hò, hôn nhân sắp đặt, ly hôn nhưng vẫn không thể vượt thoát khỏi chính mình và những hủ tục ràng buộc con người vào thời điểm những năm 40 của thế kỷ trước như nhận định của tờ The New Yorker: “Thế giới của Trương Ái Linh là một nơi chốn khắc nghiệt và u uẩn nơi con người đấu tranh để tìm thấy lối trong tình yêu nhưng thường thất bại dưới áp lực gia đình, truyền thống và tập tục”.
“Sắc giới” được xem là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Trương Ái Linh.
Nhiều người ngạc nhiên bởi sự thấu hiểu và từng trải của Trương Ái Linh khi đọc tác phẩm của bà. Bởi dường như, tất cả những ngóc ngách của tâm hồn, những dằn vặt nội tâm đầy biến động của nhân vật đều được bà khắc họa một cách chân thực đến mức kỳ lạ. Có người còn cho rằng, có vẻ như số phận của những người đàn bà đẹp trong tác phẩm của Trương Ái Linh có một điểm tương đồng nào đó với cuộc đời thực của nữ nhà văn. Bởi, dù rất xinh đẹp, tài giỏi nhưng cuộc đời của Trương Ái Linh lại gặp nhiều sóng gió.
Năm 1943, Trương Ái Linh gặp và kết hôn với Hồ Lan Thành. Nhưng chỉ trong vòng chưa đầy hai năm, chồng của bà đã liên tục có những cuộc tình ngoài hôn nhân, bỏ mặc vợ sống một mình. Năm 1947, hai người ly hôn, Trương Ái Linh sống ở MacDowell Colony, New Hampshire và gặp người chồng thứ hai là nhà biên kịch người Mỹ, Ferdinand Reyher. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này cũng không kéo dài vì sau đó không lâu, Ferdinand Reyher đã qua đời sau một cơn đột quỵ.
Đến cuối đời, Trương Ái Linh phải sống và chết trong cô độc. (ảnh internet)
Nổi tiếng, sắc sảo và được đánh giá là một trong những bậc kỳ tài của văn học Trung Quốc hiện đại nhưng cuộc sống riêng của Trương Ái Linh lại gặp nhiều đa đoan và bi kịch. Đến cuối đời, người phụ nữ này phải sống trong cảnh cô độc, xa lánh tất cả. Đến mức, sau khi chết một ngày trong căn hộ trên đại lộ Rochester ở Westwood, California, thi thể của Trương Ái Linh mới được phát hiện. Cuộc đời của Trương Ái Linh chẳng khác gì cuộc hành trình của một người phụ nữ cô đơn. Trải qua hai cuộc hôn nhân nhưng đến khi từ giã cõi đời, Trương Ái Linh lại ra đi trong sự im lặng mà không có sự tiễn đưa của con cái, bởi người phụ nữ này cũng chưa một lần được làm mẹ.