Ý nghĩa đặc trưng của các món ăn trong ngày Tết

15:08 06/01/2016

(Giúp bạn) - Ngày tết trên mâm cỗ chúng ta thường có thịt gà luộc, bánh chưng, thịt kho tàu...Tại sao lại phải có những món ăn đó ạ. Nó có ý nghĩa gì không nhỉ? Cùng khám phá ý nghĩa của những món ăn ngày tết cả nhà nhé!

1. Bánh chưng

Bánh chưng hình vuông, màu xanh, tượng trưng trái Đất, âm. Bánh dầy hình tròn, màu trắng, tượng trưng Trời, dương, thể hiện triết lý Âm Dương, Dịch, Biện chứng Đông Phương nói chung và triết lý Vuông Tròn của Việt Nam nói riêng. 

Bánh chưng âm giành cho Mẹ, bánh dầy dương giành cho Cha. Bánh chưng bánh dầy là thức ăn trang trọng, cao quý nhất để cúng Tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ. 

2. Gà luộc: Cầu gì được nấy, phúc đức đủ đầy


Ngày tết là dịp gia đình sum họp nhưng cũng là dịp để hướng về nguồn cội, ông bà tổ tiên. Món gà luộc để cúng cho ngày cuối và đầu năm là không thể thiếu cho bất cứ mâm cỗ cúng tết nào. Không biết tự bao giờ mà gà luộc đã trở thành món ăn không thể thiếu trong các dịp trọng đại. Có lẽ vì người ta tin rằng món gà luộc sẽ mang đến một khởi đầu thuận lợi, vạn phúc đong đầy. Vì thế, hãy khởi đầu năm mới của bạn bằng món gà luộc để cả năm đều được như ý.

Để gà luộc có màu vàng óng và thơm ngon thì nên cho vào nước lạnh ngay từ đầu. Khi sôi khoảng 10 phút, lấy tăm xăm vào chỗ thịt dày nhất ở đùi gà. Nếu nước đỏ không còn chảy ra nữa thì thịt đã chín. Sau khi luộc nên vớt gà ra và nhúng vào thau nước lạnh cho đến khi gà nguội hẳn.

3. Thịt đông: Trong trẻo vạn niên, tình duyên tốt đẹp


Thịt đông là món không thể thiếu của nhiều gia đình Việt Nam vào dịp Tết, đặc biệt là người dân vùng Bắc Bộ. Phần thịt trong như thạch thể hiện cho sự an lành, trong trẻ cả một năm. Sự hòa quyện, gắn kết giữa các thành phần của món ăn như một lời chúc may mắn dành cho những ai đang và sẽ yêu.

4. Thịt kho tàu: Trên thuận dưới hòa, giàu sang phú quý


Miền Bắc có thịt động thì miền nam lại gọi là thịt kho tàu. Ngày Tết, đến thăm nhà ai bạn cũng dễ dàng bắt gặp món thịt kho hột vịt. Đó là món ăn thân quen, gắn bó với các thành viên trong gia đình từ bé đến lớn, khiến mọi người dễ dàng cảm nhận không khí hòa thuận, sum vầy – dấu hiệu của một năm mới thuận lợi, thành công.

5. Giò chả: Trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà

Là món ăn phổ biến cho ngày tết bận rộn, khách đến nhà chỉ cần lấy miếng giò chả treo nơi góc bếp, cắt miếng vừa ăn, xếp ra đĩa cùng với dưa món, vậy là có món ngon, đơn giản đãi khách.

Có ba loại giò đặc trưng và phổ biến là giò lụa, giò bò và giò xào. Mỗi loại giò đều có một hương vị riêng nhưng điều quan trọng để món giò thực sự hấp dẫn là mùi thơm của lá chuối và vị nước mắm ngon quyện trong miếng giò.

Giò lụa làm từ thịt heo nạc loại ngon, thịt tươi, sờ còn ấm tay, đem giã liên tục đến khi thịt nhuyễn. Gia vị nêm vào phải chọn loại nước mắm ngon và thơm. Khi xắt ra, khoanh giò có màu trắng ngà, bề mặt có một vài lỗ rỗ mới là cây giò lụa ngon.

Giò bò có cách chế biến cũng như giò lụa nhưng nguyên liệu là thịt bò. Cây giò bò ngon khi xắt ra có màu hơi hồng của thịt bò, thêm mỡ trắng. Đặc biệt vị cay và mùi thơm của hạt tiêu làm dậy mùi thơm đặc trưng của miếng giò bò.

Giò xào hay còn gọi là giò thủ giò là món dễ làm và không tốn nhiêu công phu chế biến như 2 món giò trên. Nguyên liệu chính của giò xào là các bộ phận ở phần thủ con heo như: Tai, mũi lưỡi, má heo… và không thể thiếu mộc nhĩ. Các nguyên liệu được sơ chế sạch, trần qua nước sôi, xắt miếng mỏng, ướp gia vị, hạt tiêu rồi mới đem xào chín. Sau khi gói giò xong cho vào ngăn mát tủ lạnh, chất dính của nguyên liệu xào sẽ keo lại. Giò xào ngon là cây giò gói chặt tay, các nguyên liệu xào không bị khô vì xào quá tay, ăn sẽ giòn và có mùi thơm của gia vị.

Comments