Bỏ túi những kiến thức căn bản về bình chữa cháy trên ô tô
(Giúp bạn) - Quy định gắn bình chữa cháy trong xe ô tô đã chính thức được thực hiện từ ngày 6/1/2016 vừa qua...Vậy bạn đã trang bị cho mình những kiến thức căn bản về thiết bị này chưa? Dưới đây là những thông tin giúp bạn giải đáp toàn bộ thắc mắc trên...
Trước hàng loạt những băn khoăn, bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến quy định phải có bình cứu hỏa trên ôtô....
Cơ quan nào được kiểm tra và xử phạt với lỗi không có bình cứu hỏa trên xe?
Cảnh sát PCCC và Cảnh sát Giao thông sẽ phối hợp kiểm tra theo chuyên đề về trang bị phương tiện phòng cháy trên xe ôtô, khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, cảnh sát giao thông có thể kiểm tra độc lập, làm chuyên đề riêng biệt về xử lý xe ôtô không trang bị bình chữa cháy theo quy định.
Không có bình cứu hỏa trên ôtô bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo Nghị định 167/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và PCCC, chủ xe sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng - 500.000 đồng với lỗi không trang bị chữa cháy hoặc trang bị không đầy đủ, không đồng bộ theo quy định
Loại bình nào phù hợp với ôtô du lịch dưới 10 chỗ?
Theo quy định, bình cứu hỏa trên xe phải là một trong những chủng loại sau: bình bột dưới 4kg, bình bọt dưới 5L, bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5L hoặc bình khí CO2 chữa cháy dưới 4kg.
Các kí hiệu ABC, BC trên các bình cứu hỏa dành cho ôtô thì dùng loại nào?
Các kí hiệu trên bình cứu hỏa bao gồm:
A: chữa các đám cháy chất rắn như gỗ, giấy carton, nhựa…
B: chữa các đám cháy chất lỏng như xăng dầu, cồn…
C: chữa các đám cháy chất khí như: gas, LPG…
Do đó, các loại bình mang kí hiệu ABC hoặc BC đều có thể dùng cho ôtô.
Bình cứu hỏa dùng khí CO2 có thể gây bỏng?
Đúng! Bình cứu hỏa dùng khí CO2 có thể gây bỏng lạnh và rất nguy hiểm. Do CO2 được nén vào bình có nhiệt độ xuống tới -79oC, nên khi dùng bình xịt khí CO2, tránh để bọt tuyết xịt trực tiếp vào thân thể; ngay cả việc cầm bình cũng cần thực hiện đúng quy cách. Trên tất cả các bình cứu hỏa đạt chuẩn đều có hướng dẫn sử dụng của nhà phân phối.
Giá bán bao nhiêu tiền, mua ở đâu và có đáp ứng tiêu chuẩn hay không?
Bình cứu hỏa CO2 loại 1L hiện trên thị trường có giá bán không đồng nhất (kể từ khi thông tư 57 đi vào hiệu lực), và có mức dao động khá cao, từ 100.000 - 180.000 đồng (trước đó chỉ từ 50.000 đồng). Người dân có thể hỏi mua tại các công ty cung cấp thiết bị PCCC được cấp phép, hoặc các cửa hàng kinh doanh thiết bị bảo hộ lao động.
Khi mua bình cứu hỏa, nên lưu ý chỉ dùng các loại bình cứu hỏa có tem nhãn chứng nhận kiểm định của các cơ quan chức năng, tránh dùng các loại bình cứu hỏa không nguồn gốc vì có thể gây nguy hiểm trong quá trình sử dụng bởi chất lượng không đảm bảo.
Bình cứu hỏa có thể nổ trong xe hay không?
Câu trả lời là có. Gần đây nhất là cuối tháng 7/2014, đã có trường hợp xảy ra tại đường Hoàng Ngân, Trung Hòa, Hà Nội. Với những bình cứu hỏa đặt trong xe chỉ đảm bảo an toàn trong môi trường nhiệt độ dưới 55oC, tuy nhiên vào thời tiết nắng nóng, nhiệt độ trong xe có thể lên tới 70 - 80 oC, áp suất trong bình thay đổi dẫn đến gây nổ nếu như bình không có van an toàn hoặc van không hoạt động. Điều này nên lưu ý vì hầu hết các bình CO2 loại 1L xuất xứ Trung Quốc dành cho ôtô đều không có van an toàn.
Nếu bình cứu hỏa nổ trong xe, gây tổn thất về tài sản có được bảo hiểm đền hay không?
Về lý thuyết là có. Tuy nhiên, sẽ phải qua rất nhiều công đoạn và mất nhiều thời gian để thực hiện việc đền bù cho bạn, với hàng loạt câu hỏi ràng buộc như: Bình cứu hỏa gắn trong xe có phải là loại bình hợp chuẩn không? Nếu là bình hợp chuẩn thì bạn có sử dụng đúng khuyến cáo của nhà sản xuất hay không? Khi bình cứu hỏa để trên xe, bạn có để đúng chỗ quy định của nhà sản xuất xe (nếu có) hoặc vị trí do cơ quan chức năng chỉ định (!) hay không? Nếu bạn thực hiện đúng mọi việc, lúc đó hãng bảo hiểm sẽ phải làm việc với nhà sản xuất bình cứu hỏa để tìm nguyên nhân gây nổ…
Quá nhiều việc cần thời gian trong khi đó chiếc xe của bạn không thể đợi được.
Đặt bình cứu hỏa ở đâu để không có nguy cơ nổ?
Theo các chuyên gia, bình cứu hỏa đặt ở gầm ghế phụ là tốt nhất, tuy nhiên cần có gá để cố định bình cứu hỏa, tránh việc va đập.
Là những nơi không có ánh nắng chiếu vào trực tiếp, là nơi không tiềm ẩn nguy cơ va đập (dẫn đến nổ) khi gặp tai nạn. Do đó, các vị trí không nên đặt bình cứu hỏa là dưới gầm ghế người lái (nguy cơ gây cản trở khi lái xe - chân ga/chân phanh), hốc để nước trên cánh cửa (dễ va đập, nguy cở nổ khi có va chạm bên hông), mặt tap-lô, phía dưới kính sau của xe… Vị trí an toàn nhất sẽ là gầm ghế hành khách phía trước, trong khoang hành lí (nhưng phải có hệ thống gá để không bị va đập trong khi vận hành xe và cũng để dễ lấy khi cần thiết).
Thông tư 57 có hướng dẫn cụ thể vị trí đặt bình cứu hỏa trên ôtô?
Hiện tại chưa có hướng dẫn vị trí cụ thể để bình cứu hỏa trên ôtô để giúp người dân giữ được an toàn cũng như bảo vệ tài sản. Dự kiến trong tuần tới Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, Cứu hộ sẽ đăng tải hướng dẫn trên trang web chính thức của mình để hướng dẫn người dân thực hiện.
Bình cứu hỏa dành cho ôtô sử dụng trong trường hợp nào?
Việc trang bị bình cứu hỏa như trong quy định tại thông tư 57 của bộ Công An, thì các bình cứu hỏa loại này chỉ có tác dụng trong những trường hợp như: chập điện công tắc điều khiển cửa kính, cụm điều khiển gạt nước, hành khách đánh rơi thuốc lá lên nệp xe… Và trong thực tế, mỗi bình cứu hỏa CO2 với dung tích 1L chỉ có thể xịt được bột chống cháy trong khoảng thời gian 3 – 5 giây (thông số nhà sản xuất) và do đó với các đám cháy xe bắt nguồn từ khoang động cơ hoặc từ bình chứa nhiên liệu thì cách tốt nhất là nhanh chóng ra khỏi xe và báo cho các đơn vị chữa cháy chuyện nghiệp với đầy đủ phương tiện cùng kỹ năng chữa cháy.
Không có bình cứu hỏa thì ôtô du lịch dưới 10 chỗ có được đăng kiểm hay không?
Vẫn được đăng kiểm ôtô bình thường bởi đây không phải là một hạng mục bắt buộc phải thực hiện khi đưa xe tới các trạm đăng kiểm xe cơ giới.