Cách xử lý giúp bảo toàn tính mạng khi lái xe
(Giúp bạn)Tuy đơn giản nhưng 5 cách xử lý dưới đây vẫn giúp bạn đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình khi gặp tình huống bất ngờ trên đường.
- 1
Cách xử lý khi xe bị trượt bánh
Theo ông O'Neil, có 5 nguyên nhân chính gây ra tình trạng trượt bánh, trong đó phổ biến nhất là thiếu lái và thừa lái. Về cơ bản, hiện tượng thiếu lái sẽ xảy ra khi bánh trước không bám vào mặt đường khiến xe lao về phía trước một cách mất kiểm soát. Để xử lý, "đầu tiên, hãy nhả ga và về số, đặc biệt khi xe đang chạy trên mặt đường trơn trượt", ông O'Neil khuyên. "Mục đích làm như vậy là để dồn trọng lượng về phía trước giúp bánh bám đường trở lại". Ngoài ra, người lái nên chủ động điều chỉnh vô lăng. Bánh trước sẽ không trở lại bình thường nếu đang chuyển động ngang. Hãy đánh tay lái theo hướng mà bạn muốn đi".
Hình minh họa hiện tượng thiếu lái và thừa lái.Trong khi đó, thừa lái là hiện tượng bánh sau mất độ bám và xe bắt đầu tự xoay quanh trục của nó. Đối với trường hợp thừa lái, người điều khiển phải thật bình tĩnh và tập trung vào đường phía trước cũng như nắm chắc vô lăng để chỉnh xe đi theo hướng đã chọn. "Nếu đang lái một chiếc xe dẫn động cầu trước hoặc 4 bánh, bạn nên giữ ga ở mức nhẹ nhàng. Làm như thế, trọng lượng sẽ chuyển bớt xuống bánh sau để tăng độ bám. Trên hết, bạn cần tránh nhả ga hoặc nhấn phanh để không truyền trọng lượng tới bánh trước khiến đuôi xe tiếp tục bị trượt. Trong trường hợp đang lái một chiếc xe dẫn động cầu sau, bạn chỉ cần làm ngược lại là nhả ga", ông O'Neil cho biết.
- 2Cách lái xe trên đường ướt
Ông O'Neil nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quan sát kỹ điều kiện đường xá xung quanh để xử lý một cách an toàn. Người lái cần tập trung cao độ vào đường phía trước và tránh những khu vực có vũng nước, đặc biệt là khi xe đang chạy ở vận tốc trên 50 km/h. Nếu bắt buộc phải lái qua những vũng nước, "bạn không nên phanh hay quay vô lăng. Chỉ cần giảm ga và giữ cho xe chạy thẳng về phía trước", ông O'Neil chỉ rõ.
- 3
Cách xử lý khi lốp trước bị nổ
Nếu bánh trước của xe bị nổ, điều đầu tiên người lái cần làm là giữ bình tĩnh. "Vô lăng chắc chắn sẽ bị giật mạnh", ông O'Neil cảnh báo. Trong trường hợp này, phanh chết sẽ càng khiến tình hình thêm tồi tệ. "Tiếp tục lái về phía trước và giữ xe thật cân bằng", ông O'Neil nói. Sau đó, bạn có thể giảm tốc bằng cách nhấn phanh nhẹ nhàng và từ tốn. "Hãy phanh thật nhẹ nhàng và từng chút một", ông O'Neil cho biết. Thêm vào đó, người lái còn phải chuẩn bị tinh thần để "chiến đấu" với vô lăng khi phanh. "Trước khi dừng hẳn lại, chiếc xe sẽ rất khó điều khiển", ông O'Neil giải thích.
- 4
Cách tránh vật cản trên đường
Giải pháp duy nhất cho người lái là luôn đề cao cảnh giác. "Hãy lường trước những chuyện tưởng chừng như không thể xảy ra", ông O'Neil chia sẻ. "Nếu bạn phải nhanh chóng dừng lại hoặc có thời gian để làm như thế mà không cần bẻ tay lái, hãy phanh theo kiểu nhấn rồi nhả liên tục và giữ thẳng vô lăng. Thông thường, đây là cách xử lý an toàn nhất".Trong trường hợp xấu nhất khi không thể tránh va chạm, bạn vẫn có thể giảm thiểu lực tác động. "Ví dụ, khi bị một chiếc xe khác tạt đầu hoặc gặp một con vật bất ngờ chạy ra giữa đường, bạn hãy cố gắng vòng về phía sau vật cản. Làm như vậy, bạn sẽ giảm được phần nào mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn", ông O'Neil tiết lộ bí quyết.
- 5
Cách dừng khi xe mất phanh
Đây là hiện tượng không thường xuyên xảy ra đối với dòng xe hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, người lái vẫn nên biết cách xử lý nếu gặp trường hợp tương tự. "Nếu xe mất phanh, bạn cần nhả ga và liên tục nhấn chân phanh. Mục đích của hành động này là tạo một chút áp lực lên hệ thống phanh để nó trở lại hoạt động. Sau đó, cố gắng thử về số hoặc áp dụng phương sách cuối cùng là dùng phanh tay. Bạn phải đặc biệt cẩn trọng nếu xe đang chạy ở vận tốc từ 50 km/h trở lên. Nếu mọi biện pháp đều không phát huy hiệu quả, hãy tìm một con dốc phía trước để giảm tốc", ông O'Neil đưa ra lời khuyên.