Nguyên lý hoạt động và các "bệnh" hay gặp của điều hòa ô tô

15:29 27/02/2014

(Giúp bạn)Hỏng hóc thường gặp nhất của máy điều hòa không khí là thời gian làm mát chậm, độ lạnh không sâu. Thậm chí có những xe chỉ có gió nóng chứ không có gió lạnh.

Trên hầu hết các mẫu xe hiện nay, điều hòa gần như trở thành thiết bị tiêu chuẩn cần phải có. Chúng đặc biệt hữu ích trong những ngày nắng nóng bởi thật khó tưởng tượng bạn sẽ khó chịu như thế nào khi ngồi trong một chiếc xe không được làm mát. Tác dụng chính của điều hòa là làm mát (hoặc làm ấm) và giảm độ ẩm không khí. Điều hòa dùng trong gia đình và trong xe hơi hoạt động với cùng một nguyên tắc.

  • 1

    Nguyên lý hoạt động

    Các kỹ sư áp dụng rất nhiều định luật vật lý để chế tạo nên một chiếc điều hòa. Thế nhưng, có hai nguyên tắc cơ bản là hiện tượng thu nhiệt khi một chất lỏng bay hơi và tỏa nhiệt khi nó chuyển từ hơi sang lỏng. Vì vậy, chiếc điều hòa không khí nào cũng có một máy nén, bình ngưng, bình làm khô, van giãn nở nhiệt, máy hóa hơi và “dòng máu” là chất làm lạnh. Chất làm lạnh là chất lỏng có khả năng bay hơi ở nhiệt độ thấp. Trước kia, ngành công nghiệp điện lạnh sử dụng chất R-12 nhưng do chứa chlorofluorocarbon (CFC) gây thủng tầng ozon nên nó được thay bằng R-134a từ 1996.

    nguyen-ly-hoat-dong-va-cac-benh-hay-gap-cua-dieu-hoa-o-to-1

    Nguyên lý hoạt động có thể tóm gọn thành các bước như sau: Đầu tiên, máy nén, được nối với động cơ thông qua dây cua-roa, hút chất làm lạnh ở thể khí (từ bình chứa gas) rồi nén ở áp suất cao. Khi bị nén, nhiệt độ chất làm lạnh tăng lên và nó được đẩy sang giàn nóng, nằm ở vị trí phía đầu xe, gần lưới tản nhiệt và có quạt riêng. Ở giàn nóng, do được tản nhiệt ở áp suất cao nên chất làm lạnh hóa thành thể lỏng và chuyển sang van giãn nở (hoặc van tiết lưu).

    Tiếp theo, tại van tiết lưu, áp suất giảm đột ngột nên chất làm lạnh hóa hơi và chuyển tới giàn lạnh. Ở đây, nó lấy nhiệt từ môi trường xung quanh và khiến nhiệt độ giảm xuống. Hơi lạnh sẽ được quạt gió thổi ra môi trường. Gió thổi ta từ giàn lạnh có thể là gió ngoài (làm lạnh ngoài), gió trong ca-bin hoặc cả hai.

  • 2

    Hỏng hóc thường gặp

    Những chiếc điều hòa hoạt động khá ổn định nhưng thỉnh thoảng chúng cũng mắc bệnh. Nếu có dấu hiệu bất thường bạn có thể kiểm tra nhanh bằng cách sờ vào ống dẫn ga, thấy ấm ở đường cao áp và mát ở đường thấp áp là được. Các nhà sản xuất quy định ống cao áp có đường kính nhỏ hơn ống thấp áp. Nếu nhiệt độ giữa hai ống này không chênh nhau nhiều thì rất có thể điều hòa của bạn gặp trục trặc.

    Hiện tượng này có nguyên nhân do lượng chất làm lạnh không đủ và cách khắc phục là bạn tới garage để nạp thêm lưu chất. Trường hợp thứ hai là do dây cua-roa nối động cơ với máy nén bị chùng, dẫn đến thất thoát công và máy nén không thể nén chất làm lạnh đến áp suất cần thiết.

    Tuy nhiên, đó là những hỏng hóc liên quan trực tiếp đến các thiết bị trong hệ thống. Còn có những lý do như dàn lạnh quá bẩn khiến dòng gió bị cản, tản nhiệt ra xung quanh khiến hiệu quả làm lạnh giảm. Bạn có thể kiểm tra tốc độ gió thổi mạnh hay yếu; nếu dây cao áp và dây thấp áp vẫn bình thường thì có thể kết luật cần phải làm sạch giàn lạnh. Để đo hiệu quả làm lạnh, bạn để động cơ ở vòng tua 1.500 vòng/phút, đặt máy lạnh ở mức cao nhất. Sau 5 phút, bạn có thể đo nhiệt độ ca-bin và nhiệt độ gió thổi ra từ giàn lạnh. Nếu nhiệt độ ở mức cao, bạn nên kiểm tra toàn bộ hệ thống.

    Vấn đề mà những người đi xe gặp phải nữa là điều hòa không có gió mát. Hiện tượng này bắt nguồn từ các nguyên nhân như: Dây cua-roa nối động cơ với máy nén bị đứt; khớp ly hợp máy nén gặp vấn đề nên khi bật công tắc, máy nén không nhận được năng lượng từ động cơ; van giãn nở trục trặc; sự cố với mạch điện hay do đường dẫn hở khiến khí mát thất thoát hết, không làm lạnh được. Nơi chất làm lạnh thoát ra thường có bụi bám nhiều nên bạn có thể phát hiện một cách khá dễ dàng.

Comments