10 bí quyết để thức ăn không cháy, khét

09:59 15/02/2014

(Giúp bạn)Cháy, khét thức ăn là sự cố thường xuyên xảy ra trong bếp. Lớp thức ăn bị cháy luôn bám chắc vào đáy xoong, chảo và khó chùi rửa. Điều này không những làm chị em mất thời gian vệ sinh dụng cụ bếp mà còn gây hại cho sức khỏe khi chúng ta ăn phải thực phẩm cháy, khét.

  • 1

    Sử dụng xoong, chảo chất liệu tốt: 

    Dụng cụ nấu nướng rẻ tiền thường được làm từ những vật liệu có chất lượng thấp nên sẽ không hấp thu nhiệt tốt và nhanh bị cháy khi đun nấu. Do đó, bạn nên đầu tư vào những chiếc xoong, chảo có chất lượng tốt hơn. Xoong, chảo ba lớp làm từ hợp chất nhôm và thép không gỉ rất chắc chắn và bền. Gang cũng là một chất liệu tốt cho xoong, chảo vì chúng rất khó bị cháy khi nấu ở nhiệt độ cao.

  • 2

    Dùng sản phẩm chống dính: 

    Hiện nay, những chiếc chảo chống dính rất được ưa chuộng vì chúng được phủ một lớp chất liệu chống dính khá mỏng nhưng lại dẫn nhiệt tốt, giúp thức ăn không bị dính vào đáy chảo trong quá trình nấu nướng.

    10-bi-quyet-de-thuc-an-khong-chay-khet-1

  • 3

    Vệ sinh bếp sạch sẽ: 

    Những phần thức ăn bị tràn hoặc rơi rớt ra bên ngoài bếp sẽ bị cháy nếu chúng tiếp xúc trực tiếp với lửa. Điều này không chỉ làm cho việc vệ sinh bếp trở nên khó khăn mà còn dễ gây cháy phần đáy xoong, chảo. Trong trường hợp này, bạn cần chùi sạch đầu đốt lửa (nếu là bếp gas), cạo phần thức ăn đã cháy, lấy hết những thứ còn bám trên bếp trước khi tiếp tục đun nấu.

  • 4

    Lau chùi bên ngoài xoong, chảo: 

    Trong quá trình cất giữ, những mẩu thức ăn hoặc bụi bẩn có thể bám vào thành hoặc đáy xoong, chảo. Nếu không được vệ sinh kỹ, chúng có thể bám lửa và gây cháy phần bên ngoài của xoong, chảo.

  • 5

    Đun nóng dầu trước khi cho thức ăn: 

    Bất kỳ loại chảo nào dù được làm từ chất liệu gì thì cũng cần được làm nóng trước khi bạn bắt đầu quá trình nấu nướng. Giống như dầu ăn, khi được đun nóng ở nhiệt độ cao, dầu ăn sẽ thấm vào trong những chiếc lỗ bé xíu trên bề mặt của lớp kim loại làm ra chảo (tương tự như lỗ chân lông trên da chúng ta). Nhờ đó, sẽ tạo ra một lớp chống dính, giúp thức ăn không bị dính vào đáy chảo.

  • 6

    Đầu đốt phù hợp với kích cỡ xoong, chảo: 

    Vấn đề này càng cần được lưu ý hơn nếu như bạn dùng bếp gas vì ngọn lửa liếm dọc theo thành xoong, chảo sẽ làm cho nước hoặc thức ăn lỏng bên trong dính chặt vào thành nồi. Nếu không có đầu đốt lửa phù hợp với kích cỡ của xoong, nồi sẽ nấu, bạn nên chọn đầu đốt lửa nhỏ, không chọn cái quá to để vừa tiết kiệm gas, vừa không làm cháy xoong, chảo.

  • 7

    Đun nhỏ lửa đối với món xốt: 

    Những loại nước xốt đặc sệt rất dễ bị cháy nếu được nấu quá nhanh. Do đó, nên để cho chúng sôi từ từ, bắt đầu từ mức lửa riu riu rồi mới chỉnh đến trung bình, không bật lửa to. Chỉ đun sôi nước xốt trong thời gian cần thiết theo hướng dẫn của món ăn.

  • 8

    Khuấy thường xuyên: 

    Khuấy liên tục là một trong những yêu cầu bắt buộc khi nấu các món có nước xốt nhằm ngăn không cho nước xốt dính vào đáy nồi. Đối với những loại thức ăn đặc như thịt hay rau, củ, bạn cũng nên khuấy, đảo và lật trở chúng thường xuyên. Khi thức ăn đọng quá lâu ở một vị trí, phần thức ăn tiếp xúc với chất liệu kim loại của xoong, nồi thường bị cháy và để lại vết dính rất khó chùi rửa.

  • 9

    Xoay xoong, chảo khi nấu: 

    Một số đầu đốt lửa sẽ không phân bổ nhiệt đều đặn, nhất là những chiếc bếp đã cũ. Xoay xoong, chảo trong khi nấu giúp ngăn ngừa tình trạng hơi nóng tiếp xúc trực tiếp ở một vị trí cố định trên xoong, chảo quá lâu.

  • 10

    Dùng dụng cụ khuếch tán nhiệt: 

    Dụng cụ khuếch tán nhiệt là một chiếc đĩa kim loại dùng để đặt vào giữa bếp và đầu đốt lửa. Chúng giúp kiểm soát việc phân tán nhiệt, giúp thức ăn chín đều. Nhờ đó, ngăn ngừa tình trạng cháy thức ăn.

Comments