Bún bò Huế - O Nở: Nhớ về miền Trung
(Giúp bạn)Có suy nghĩ khá thú vị khi cho rằng tô bún bò là biểu tượng của văn hóa Huế vì đây là một sự "dấy nghĩa" trong truyền thống nấu ăn.
Tôi nghĩ cái ngon của một tô bún bò Huế nằm ở nồi nước lèo. Một số đầu bếp lâu năm cho rằng nồi nước lèo của món này muốn ngon phải nêm bằng ruốc Thuận An, hòa vào trong một xoong nước riêng, nấu sôi lên, vớt sạch bọt, để cho thật nguội rồi chỉ lấy lớp nước thật trong trên cùng để nấu. Nhờ vậy mới không bị hôi ruốc. Nước lèo thành phẩm phải trong, ngọt thanh mà không mỡ màng.
|
Tô bún bò Huế O Nở có chút hơi hướng “Nam hóa” khi phủ mấy cọng ngò lên bề mặt chứ không phải là hành rau như thường thấy. Cho thêm chút ớt ruốc rồi nhúng vào tô bún để cai chát cay the the nhẹ nhàng đó lan tỏa từ từ.
Sẽ là thiếu sót nếu ta quên cho bắp chuối vào ăn cùng bởi vị chát độc đáo của nó sẽ làm bật lên cái ngon của nước lèo, của những lát thịt bò bắp mềm mại. Hơi tiếc là quán không có chả cua, nhưng bù lại món ăn kèm là chả tôm cùng chả cây cũng khá ngon.
|
Bên cạnh bún bò là món chủ đạo, ở O Nở còn có món mì Quảng cũng khá ngon. Nói chuyện ăn mì Quảng tôi chợt nhớ bài viết “Người Quảng đi ăn mì Quảng” trong tuyển tập cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh vừa xuất bản, mà trong đó ông hóm hỉnh cho rằng:
“Ở Sài Gòn, nếu bạn nhìn thấy một người khách bước vô một quán bán mì Quảng, kêu một tô mì, ăn xong gật gù khen ngon, trả tiền rồi ra đi, lòng không hề vướng bận một điều chi thì bạn có thể đàng hoàng kết luận: khách không phải là người Quảng Nam.
Người Quảng Nam đi ăn mì Quảng không có được một thái độ hồn nhiên như thế. Họ thường trực bận tâm “Chả biết mì Quảng quán này có đúng là… mì Quảng không?”. Trước khi kêu một tô mì Quảng, họ hỏi chủ quán “Đúng không?”, sau khi ăn một tô mì Quảng, họ bảo chủ quán “Không đúng!”. Họ là người Quảng.”
Tôi nói vậy là vì khi dọn ra, tô mì Quảng ở đây dễ làm… nản lòng những người Quảng Nam chính hiệu. Nước chan thì hơi nhiều, đã vậy phần nhân có thêm cả… nấm mèo, lại còn ăn chung với chả tôm Huế và chả cây nữa chứ. Rằng thì không đúng chuẩn thật, nhưng cái vị mì Quảng đặc trưng thì vẫn cảm nhận được, đặc biệt là khi cắn thêm trái ớt xanh cay nồng và nêm thêm chút nước mắm mặn. Vẫn ngon và đậm đà, vẫn “Quảng Nam” vô cùng.
Đôi khi cái độc đáo của ẩm thực nhiều khi nằm ở những chuyện kể hay những cảm xúc rất đỗi bình thường, chứ không hẳn vì vị ngon vốn có của nó. Có lẽ bạn cũng như tôi, sẽ cảm nhận được vị ngon bình dị từ hai món ăn đặc trưng của miền Trung này.