Sữa nóng
Uống một cốc sữa ấm trước khi đi ngủ sẽ khiến bé ngủ ngon và sâu hơn. Sữa bổ sung rất nhiều loại vitamin và khoáng chất, đặc biệt là tryptophan – có tác dụng ổn định thần kinh, khống chế độ hưng phấn thần kinh trung ương gây ra cho bé cảm giác buồn ngủ.
Bên cạnh đó, canxi có trong sữa giúp thúc đẩy sản xuất mentonin – một chất giúp giảm căng thẳng hiệu quả và ổn định trí não để bé dễ dàng đi vào giấc ngủ.
Những sản phẩm từ lúa mạch
Đó là lúa mỳ, bánh mỳ, bánh quy, gạo… Những thực phẩm này chứa một nguồn vitamin B khổng lồ – một loại vitamin giúp bé loại bỏ những căng thẳng, bất an, kích thích bé dễ dàng ngủ sâu, ngủ ngon.
Đặc biệt, vitamin B1 đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra năng lượng cần thiết cho các hoạt động chức năng, chúng kích thích quá trình tạo thành một loại enzym tham gia vào quá trình đồng hoá thức ăn, kích thích cảm giác thèm ăn, no và buồn ngủ. Hơn cả, vitamin B1 giúp bé cân bằng thần kinh, vì vậy, những sản phẩm từ lúa mạch sẽ giúp bé đi vào giấc ngủ được dễ dàng hơn.
Giúp bé yêu có được một giấc ngủ ngon.
Hạt kê
Hạt kê chứa rất nhiều melatonin – chất có tác dụng trấn tĩnh tinh thần và gây buồn ngủ cho bé.
Bên cạnh lúa mỳ, ngô, đậu tương, kiều mạch… thì hạt kê chứa hàm lượng tryptophan phong phú nhất. Vì thế, cháo kê chính là một món ăn mà nhiều chị em lựa chọn để cho bé có được một giấc ngủ ngon.
Đậu bắp
Ngoài những chất dinh dưỡng cực tốt như protein và dầu chứa trong nó thì hạt đậu bắp còn có tryptophan – chất giúp bé ngủ ngon và sâu hơn. Thời điểm bé ăn dặm hoặc ăn cơm, cha mẹ có thể bổ sung vào bữa ăn cho bé nhà mình loại thực vật này.
Khoai tây
Khoai tây là một thực phẩm chứa nhiều carbohydrate – chất mà khi được kết hợp với tryptophan sẽ càng “mời gọi” cơn buồn ngủ của bé đến nhanh hơn. Vì thế, bậc phụ huynh có thể nấu cháo, đồ ăn cho bé kèm theo khoai tây để có một giấc ngủ ngon, hoàn chỉnh.
Hạt sen
Hạt sen đã từ lâu là một loại thực phẩm quý, ăn ngon và có công dụng tuyệt vời trong việc cải thiện giấc ngủ cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ.
Quả óc chó và nho
Ăn quả óc chó, quả nho trước khi đi ngủ có thể giúp bé nâng cao chất lượng giấc ngủ. Các mẹ có thể dầm nhỏ quả óc chó để nấu cùng cháo hoặc nghiền nhỏ để bé ăn.
Cách làm này tốt ngang ngửa với việc uống một cốc sữa ấm trước khi đi ngủ. Loại quả này sẽ giúp bé tránh chứng mất ngủ.
Quả óc chó, quả nho chứa một nguồn phong phú chất melatonin – một “thần dược” tạo giấc ngủ ngon. Hàm lượng melatonin trong hai quả này sẽ được chuyển tải đến não bộ và tại đây, não bộ sẽ chỉ đạo cho các bộ phận trong cơ thể thoải mái tiến vào giai đoạn nghỉ ngơi.
Chuối
Ăn một quả chuối trước khi đi ngủ giúp bé được ngủ sâu hơn, ngon hơn. Chuối chứa thành phần lớn tryptophan, chất này chuyển hoá thành serotonin và melatonin là những hormon an thần then chốt của não.
Táo đỏ
Táo chứa nhiều rất nhiều protein, vitamin C, canxi… là loại quả giá trị với nguồn dinh dưỡng phong phú, có tác dụng an thần lớn. Đặc biệt, canxi trong quả táo là chất giúp xoa dịu, trấn an cơ thể con, giúp bé nhanh chóng đi vào giấc ngủ.
Giúp con ngủ ngon: Những điều nên và không nên
Có nhiều điều các mẹ vẫn hay làm và tưởng chừng không có gì tự nhiên hơn, hóa ra lại là không nên!
Nên: để ý đến dấu hiệu bé buồn ngủ
Nếu bé ngáp, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bé đang buồn ngủ. Ngoài ra có thể có những dấu hiệu khác như dụi mắt hay quấy khóc. Bạn nên để ý đến những dấu hiệu này để cho bé ngủ đúng lúc, bởi bé sẽ khó ngủ hơn nếu quá mệt.
Không nên: đánh thức bé
Nhiều bà mẹ sợ con ngủ quá say mà bị đói nên cứ canh giờ để 2 tiếng lại đánh thức bé dậy cho ăn một lần – điều này là không cần thiết và làm giảm chất lượng giấc ngủ của bé. Nếu đói, bé sẽ tự đòi ăn. Bạn cần nhớ việc bé được ngủ sâu cũng rất quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của bé như việc ăn.
Nên: biết rằng các em bé ngủ rất nhiều
Với một số người, điều này có vẻ không đúng lắm bởi bạn cứ phải thay bỉm và cho bé ăn liên tục. Tuy vậy tổng thời gian các bé sơ sinh ngủ lên đến 16 tiếng mỗi ngày. Khi lớn dần lên, bé sẽ ngủ ít hơn vào ban ngày và nhiều hơn vào ban đêm.
Ở thời điểm 6 tháng, nhiều bé có thể bắt đầu ngủ cả đêm mà không dậy ăn lần nào và chỉ có 2-3 giấc ngủ ngắn vào ban ngày. Tuy nhiên bạn cũng không cần phải lo lắng nếu con bạn không như vậy, mỗi bé một khác mà!
Nên: cho bé ăn, chơi rồi ngủ
Các bé có thể dễ dàng ngủ ngay sau khi được bú, thậm chí bé ngủ trong khi bú. Điều đó không chỉ làm các bà mẹ cảm thấy nhàn nhã hơn mà còn làm họ thấy tăng tính kết nối với con hơn.
Tuy vậy, về lâu dài điều này không có lợi bởi bé sẽ dần quen với việc phải được bú mới có thể ngủ. Các bé cần học cách tự ngủ mà không cần phải bú. Bạn nên cho bé ăn, rồi chơi cùng bé một lúc sau đó ru bé ngủ hoặc đọc một câu chuyện cho bé nghe để con có thể ngủ dễ dàng hơn.
Nên: kéo dài thời gian giữa các giấc ngủ ngắn
Nếu bé của bạn đã trên 6 tháng mà vẫn ngủ nhiều giấc ngắn khoảng 20 phút vào ban ngày, bạn nên cố gắng kéo dài thời gian chơi cùng bé để bé có thể ngủ giấc dài hơn, khoảng 1-2 tiếng là lý tưởng nhất. Nên thực hiện dần dần để bé không quá mệt vào thời gian đầu.
Nên: ngủ có giờ giấc
Nếu có thể, bạn hãy thiết lập thời gian chơi và ngủ cố định cho bé. Bạn có thể giúp bé ngủ tốt hơn bằng cách:
- Cho bé ngủ vào một khung giờ cố định trong ngày.
- Tránh các giấc ngủ vào buổi chiều muộn. Nếu bé khó ngủ vào ban đêm, bạn đẩy thời gian ngủ trưa của bé lên sớm hơn một chút.
- Dùng cũi cho bé để mỗi khi được đặt vào cũi bé lập tức liên tưởng đến việc ngủ.
Nên: đặt bé nằm xuống trước khi ngủ
Sau vài tuần đầu, không nhất thiết phải đợi bé ngủ say mới đặt nằm xuống giường. Chỉ cần thấy bé buồn ngủ, bạn hãy đặt bé xuống giường hoặc cũi. Bạn sẽ dạy bé cách tự ngủ mà không cần phải bế, đung đưa hay cho ăn. Điều này cũng sẽ giúp bé tự ngủ lại nếu bé có thức dậy vào ban đêm.
Nên: giữ an toàn
Nếu bé ngủ trên giường của bạn, trên ghế sofa hay trên sàn, hãy di chuyển bé vào cũi. Luôn cho bé nằm ngửa khi ngủ để tránh hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Dọn cũi gọn gàng để tránh những vật mềm như chăn, gối hay thú nhồi bông có thể làm bé ngạt thở. Không để bé sơ sinh ngủ cùng các em bé khác trong nhà hay thú cưng.
Điều mẹ nên tránh khi bé thức giấc lúc nửa đêm
Bé giật mình thức giấc, bạn không nên hát ru. Tránh vội nựng, vỗ về khi bé cựa mình...
Bạn không nên hát ru sau khi bé giật mình thức giấc. Nếu bé trở mình, hoảng hốt thì bé có thể gặp phải nỗi sợ hãi trong giấc ngủ. Lúc này, bạn không cần thiết phải cuống quýt đánh thức bé dậy, dỗ dành bé. Bạn nên để bé tự quay lại giấc ngủ sau đó.Việc hát ru lúc nửa đêm còn khiến bé hình thành phản xạ xấu, tức là bé chỉ chịu ngủ khi có mẹ hát ru.
Không đánh thức bé khi bé cựa mình: Khi bé tỉnh giấc hẳn, bé mới cần được cha mẹ dỗ dành. Nếu mỗi lần bé cựa mình mà bạn đã “nựng nịu”, nhằm mong bé ngủ ngon hơn thì bé sẽ buộc bạn phải thức đêm nhiều hơn.
Với bé trên 6 tháng tuổi, khi bé thức giấc, bạn không nên cho bé “ti mẹ” ngay. Bé trên 6 tháng tuổi không cần thiết ăn đêm. Việc cho bé ăn đêm liên tục sẽ khiến bé rối loạn đồng hồ sinh học và khó ngủ hơn.
Nguyên nhân bé hay thức giữa đêm
Với bé dưới 6 tháng tuổi, việc bé thức mỗi đêm vài lần để ‘ti mẹ’ là điều hoàn toàn bình thường. Nhiều bé trong 2 tháng đầu thường thức, quấy khóc gần như suốt đêm (khóc dạ đề), khiến người mẹ luôn trong trạng thái stress vì mất ngủ và phải chăm con.
Khoảng 3 tháng tuổi trở lên, bé có thể ngủ dài giấc hơn về ban đêm. Phần lớn các bé khỏe mạnh được mẹ ôm ấp và cho bé sẽ cảm thấy dễ chịu là nhanh chóng quay trở lại giấc ngủ.
Nếu một vài buổi đêm, bé quấy khóc không ngừng mà bạn cũng không tìm ra cách dỗ dành hiệu quả thì có thể bé đang bị đau bụng hoặc mắc chứng bệnh nào khác…
Khi bé được khoảng 7-8 tháng tuổi, nhiều cha mẹ lo lắng vì thấy bé hay quấy khóc về đêm. Nguyên nhân có thể do bé đang trong giai đoạn mọc răng, học bò nên các bé dễ bị hoạt động quá mức vào ban ngày.
Một số yếu tố khác khiến bé hay quấy khóc về ban đêm là:
- Bé có thể bị đầy hơi, trướng bụng khi ngủ.
- Bé thiếu canxi, có liên quan đến chứng còi xương. Trường hợp này, bé có thể xuất hiện một số dấu hiệu đi kèm như bé chậm mọc răng, hay ra mồ hôi trộm, rụng tóc hình vành khăn…
- Bé bị thay đổi địa điểm ngủ: bạn chuyển cho bé từ ngủ cũi sang ngủ giường…
- Do bé đói hoặc tè ướt tã.
- Do tâm lý bé bị xáo trộn: Giai đoạn mẹ đi làm, bé phải ở nhà với người khác…
- Bé bị viêm họng, côn trùng cắn, thời tiết nóng bức, bé bị viêm não, thiếu kẽm hoặc mắc phải một số chứng bệnh nào khác như viêm tai giữa, mắc chứng giun kim…
(ST)