Bà bầu bị tiểu đường dễ nhiễm trùng
(Giúp bạn)Các thai phụ mắc bệnh tiểu đường có thể đối diện với nguy cơ nhiễm trùng gây tử vong cao gấp ba lần so với các thai phụ không bị bệnh tiểu đường.
Thai phụ bị tiểu đường dễ nhiễm trùng
Đó là kết luận từ một cuộc nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Trường ĐH California, Los Angeles (Mỹ). Theo Phụ nữ Online, các nhà nghiên cứu cho biết, các căn bệnh do nhiễm trùng chết người này thường gây ra bởi vi khuẩn MRSA (Methiillin-resistant Staphylococcus Aureus).
Có 600 trường hợp nhiễm khuẩn MRSA được ghi nhận trong số các bà mẹ bị tiểu đường sau khi sinh. Những căn bệnh do nhiễm khuẩn MRSA phổ biến nhất là da, đường tiết niệu, cơ quan sinh dục, nhiễm trùng vết thương và nhiễm trùng máu.
MRSA là loại vi khuẩn có khả năng kháng các loại kháng sinh nhất định và có thể gây ra một số bệnh lý nguy hiểm, kể cả tử vong. Đặc biệt, bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện rất dễ bị tấn công bởi loại vi khuẩn này. Các nhà nghiên cứu nhận định, nguy cơ nhiễm khuẩn MRSA gia tăng ở những thai phụ bị bệnh tiểu đường.
(Ảnh minh họa)
Tạp chí US News (Mỹ) dẫn lời của các nhà nghiên cứu: "Sau khi phân tích kết quả thu được từ các nghiên cứu trước đây, chúng tôi nhận thấy, nguy cơ nhiễm khuẩn MRSA thường gia tăng ở những người mắc bệnh tiểu đường. Và số thai phụ bị tiểu đường thường đối diện với nguy cơ nhiễm khuẩn MRSA cao hơn so với phụ nữ nói chung".
Trong cuộc nghiên cứu này, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu của hơn 3,5 triệu phụ nữ trong một bệnh viện. Trong số này, có 5% các bà mẹ bị tiểu đường trong khi mang thai và 1% bị tiểu đường trước khi mang thai.
Cần theo dõi đường huyết chặt chẽ
Cũng theo Sức khỏe và đời sống, hiện có nhiều thai phụ chưa được theo dõi đường huyết chặt chẽ, đặc biệt là những thai phụ chỉ khám thai định kỳ ở các phòng khám tư. Trong khi đó, việc kiểm soát và theo dõi đường huyết, chế độ dinh dưỡng và cân nặng ở thai phụ là rất quan trọng.
Thường các tai biến chỉ xảy ra nếu đường huyết của thai phụ không được ổn định hoặc bệnh nhân đã có các biến chứng trước khi có thai.
Các biến chứng của bệnh đái tháo đường ở thai phụ có thể giảm hoặc không xuất hiện nếu thai phụ được theo dõi đường huyết chặt chẽ.
Do đó, những trường hợp đái tháo đường thai kỳ cần được phối hợp chăm sóc toàn diện bởi bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa đái tháo đường, bác sĩ sản phụ khoa và cả bác sĩ chuyên khoa bệnh lý sơ sinh.
Thai phụ nên kiểm soát đường huyết toàn phần lúc đói dưới 95mg/dL và đường huyết toàn phần 1 giờ sau bữa ăn dưới 140mg/dL và 2 giờ sau ăn dưới 120mg/dL. Tuy nhiên, không nên quá lo lắng mà để đường huyết lúc đói thấp hơn 60 mg/dL.
Nếu có điều kiện, bệnh nhân nên có một máy tự theo dõi đường huyết tại nhà và liên hệ với bác sĩ khi có những thay đổi bất thường ở đường huyết. Thai phụ mắc chứng đái tháo đường có thể theo dõi đường huyết vào lúc đói, sau khi ăn từ 1- 2 giờ và một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Cùng với điều trị ổn định đường huyết, tình trạng phát triển của thai nhi cần được theo dõi chặt chẽ qua siêu âm định kỳ hay các thử nghiệm đánh giá sức khỏe thai, đặc biệt trong những tuần lễ cuối.
Ngoài ra, thai phụ cần quan tâm tới cân nặng, huyết áp, tình trạng phù, tiền sản giật hoặc sản giật để ngăn ngừa các trường hợp thai chết lưu, suy hô hấp hoặc thai to phải đưa đến các tình huống mổ lấy thai hoặc trật khớp vai thai nhi nếu sinh qua đường âm đạo.
Nếu thai phụ có nguy cơ đái tháo đường cao, phải theo dõi tim thai từ tuần thai thứ 27, từ 1-3 lần/tuần, so với thai phụ có nguy cơ thấp thì từ tuần thai thứ 36 trở đi mới theo dõi tim thai mỗi tuần.
Tham khảo thuốc: Vitamin B9 Rất cần bổ sung acid (400mcg/ngày) trước khi thụ thai cũng như trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ, vì nhập ít acid folic làm tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh, nứt đốt sống ở trẻ sơ sinh. |
Tú Liên
Theo GDVN