Bà bầu không thể xấu
(Giúp bạn)Đương nhiên. Ít nhất thì cái bụng ngày càng tròn căng như quả địa cầu kia đã là một kiệt tác của tạo hóa. Còn việc làn da hay mái tóc có “xuống cấp” đôi chút vì sự thay đổi hormone cũng không phải là vấn đề đáng lo ngại.
Bởi vì bạn hoàn toàn có quyền làm đẹp ngay cả khi đang thực thi cái thiên chức cao quý của người phụ nữ.
- 1
Cuộc khủng hoảng về nhan sắc
Mấy chị bỗng dưng trẻ trung, rạng rỡ, mịn màng hơn khi mang bầu, cam đoan với bạn, đó là những trường hợp hãn hữu. 80% phụ nữ khi cáu bụng to lên thì làn da, mái tóc cũng đồng loạt “biểu tình”. Nếu da không “đen đen bẩn bẩn”, tóc không xù xì thô ráp thì chí ít cũng phải hứng chịu mấy tình trạng không dễ chịu dưới đây:
Sạm da
Đa số bà bầu đều khó tránh khỏi các vết thâm nám, tối màu, xỉn màu hoặc các vệt màu nâu, vàng quanh vùng mắt, trán, cánh mũi và má. Hiện tượng này giống như là một kiểu “mặt nạ của thai kỳ” vậy. Đó là do tác động của các hormone thai kỳ progesterone và estrogen lên các hắc tố melanin. Cách tốt nhất để giảm thiểu ảnh hưởng của nó là tránh ánh nắng mặt trời cường độ cao. Các sắc tố sẽ bắt đầu biến mất sau khi bạn sinh con, lúc đó mức hormone lại trở về bình thường.
Mụn trứng cá
Nhiều bà bầu stress vì những đốm mụn khiến khuôn mặt bị “phá vỡ”. Đừng đau đầu tìm các phương thuốc trị mụn trong thời điểm nhạy cảm này. Hãy giữ khuôn mặt càng sạch càng tốt bằng cách sử dụng các loại sữa rửa mặt nhẹ nhàng. Mỗi tuần một đến hai lần, bạn có thể tẩy tế bào chết trên mặt bằng bột yến mạch để giảm dầu ở các lỗ chân lông.
Tăng sắc tố
Không chỉ những nốt ruồi sẵn có trên mặt sẫm màu hơn, tàn nhang không đâu chạy tới, mà hiện tượng bỗng dưng thấy có thêm vài nốt ruồi trên mặt cũng không hiếm gặp ở các bà bầu. Da vùng cổ, quầng ngực, bụng, nách… cũng trở nên thâm đen hơn như thể nếu chúng không đổi màu thì chả ai biết bạn đang có bầu vậy. Việc tìm mọi cách làm trắng những “dấu hiệu nhận biết có bầu” này xem ra không mấy hiệu quả. Hãy chấp nhận sống chung với nó, bớt tiếp xúc với nắng để da không đen xỉn hơn. Khi nào em bé chào đời, hiện tượng “thâm thâm đen đen” này cũng sẽ tự dưng biến mất.
Rạn da
Các nghiên cứu cho thấy có đến hơn 90% phụ nữ xuất hiện các vết rạn da trong tháng thứ 6 và thứ 7 của thai kỳ. Vết rạn da là do sự kéo dài của các lớp phía dưới da trong thời kỳ mang thai và thường xuất hiện với những vệt màu hồng hoặc tím trên bụng, một số trường hợp bị rạn da ở ngực và đùi. May mắn thay, các dấu hiệu này có xu hướng mờ dần theo thời gian, và cũng có nhiều sản phẩm chống rạn da trên thị trường để bạn lựa chọn.
- 2
Bà bầu dưỡng da thế nào
Giữ ẩm
Hãy cung cấp thêm độ ẩm để chống lại hiện tượng khô da bằng cách uống nước đều đặn và sử dụng kem dưỡng ẩm không chứa hóa chất. Với người có da nhờn dầu nên chọn sản phẩm không chứa dầu.
Sử dụng kem chống nắng
Sự thay đổi hormone trong thai kỳ sẽ khiến da nhạy cảm và dễ bị tổn thương bởi ánh nắng mặt trời cũng như nhiều dị ứng khác. Việc sử dụng kem chống nắng với chỉ số chống nắng ít nhất là SPF 15 sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ của tình trạng thay đổi sắc tố da.
Làm sạch
Các loại chất tẩy rửa mạnh có thể sẽ loại bỏ dầu tự nhiên trên da và dẫn đến da bị khô, vì vậy hãy thử sử dụng loại sữa rửa mặt có cơ chế giữ ẩm. Điều này sẽ duy trì các loại tinh dầu trong da khi mang thai, cho làn da sáng và khỏe mạnh.
Tránh mụn trứng cá và da dầu
Với những người có da nhờn hoặc dễ bị mụn trứng cá, ba tháng đầu thai kỳ là giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử nhan sắc của bạn. Mụn mọc dày đặc, hết lớp này đến lớp khác, đa chủng loại và cũng nhiều màu sắc. Cách an toàn nhất để điều trị mụn lúc này là sử dụng các sản phẩm có chứa glycolic acid, alpha hydroxyl acid, erythromycin.
- 3
Mỹ phẩm nào nên tránh?
Nhiều người cẩn thận “coi mỹ phẩm như kẻ thù” trong thời gian mang thai vì lo sợ các hóa chất trong đó ảnh hưởng đến em bé. Thực tế thì không cần phải nói không với mỹ phẩm trong suốt thai kỳ, bởi có nhiều loại mỹ phẩm chiết xuất từ thiên nhiên hoàn toàn không gây hại cho thai nhi.
Trước khi rút ví mua một loại mỹ phẩm cho dung nhan thời kỳ này, hãy xem kỹ nhãn mác và tránh xa những loại có chứa một trong các thành phần dưới đây:
Retinoids
Đây là hợp chất được tìm thấy trong một số sản phẩm chống lão hóa, giúp làm giảm nếp nhăn và cải thiện tông màu da. Retinoids là một loại vitamin A giúp làm tăng tốc độ phân chia tế bào để tái tạo da và ngăn chặn collagen bị hư hỏng. Không có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy rằng thành phần retinoids có hại khi được sử dụng trên da nhưng các bác sĩ vẫn khuyên phụ nữ mang thai và cho con bú nên tránh thành phần này trong khi sử dụng mỹ phẩm.
Salicylic acid
Salicylic acid là một loại acid nhẹ được sử dụng để điều trị các rối loạn da nhất định, gồm cả mụn trứng cá và bạn có thể tìm thấy thành phần này trong một số loại sữa rửa mặt và toner. BHA (beta hydroxyl acid) cũng là một dạng của Salicylic acid và được sử dụng trong các sản phẩm chống lão hóa mà bạn nên tránh sử dụng.
Ngoài ra những loại mỹ phẩm sử dụng nhiều hóa chất, chất tạo mùi thơm và các dòng mỹ phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc cần được loại bỏ khỏi túi mỹ phẩm của các bà bầu.