Bệnh quặm bẩm sinh ở trẻ
(Giúp bạn)Bệnh quặm bẩm sinh là bệnh về mắt có tỷ lệ điều trị tại khoa Mắt trẻ em của bệnh viện Mắt trung ương là 2%.
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, quặm bẩm sinh là hiện tượng bờ mi lộn vào trong đẩy hàng lông mi cọ sát vào giác mạc, gặp ở trẻ em từ khi mới sinh ra, có thể phát triển ngày càng nặng thêm nếu không được điều trị.
Khi bị quặm trẻ khó chịu hay dụi mắt, chảy nước mắt gây viêm kết mạc, trợt biểu mô và nặng hơn là viêm loét giác mạc để lại sẹo gây giảm thị lực. Đến nay điều trị quặm vẫn chủ yếu là phẫu thuật.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh quặm bẩm sinh ở trẻ
Bệnh hay gặp ở những trẻ có khuôn mặt bụ bẫm, gốc mũi thấp, tẹt. Do hàng lông mi cọ sát vào giác mạc làm trẻ khó chịu luôn luôn dụi mắt. Mắt kích thích gây chảy nước mắt, đỏ mắt, có thể có dử, nếu kéo dài có thể gây viêm kết mạc.
Nếu không được điều trị, lông mi làm tổn thương giác mạc, gây trợt giác mạc. Nếu bệnh tiến triển nặng và kéo dài có thể gây viêm loét giác mạc để lại sẹo làm giảm thị lực.
Cần phải phân biệt trẻ bị quặm bẩm sinh với trẻ bị tắc lệ đạo. Ở trẻ bị tắc lệ đạo cũng thường có chảy nước mắt kéo dài, ra dử mắt, nhưng không gây đỏ mắt. Khi thăm khám nếu trẻ không phối hợp, quấy khóc nhiều, mắt nhắm thì có thể chẩn đoán nhầm với quặm bẩm sinh.
Tuy nhiên nếu thăm khám kỹ kết hợp với bơm rửa lệ đạo có thể giúp chẩn đoán phân biệt dễ dàng với quặm bẩm sinh. Ngoài ra cũng cần lưu ý phân biệt quặm bẩm sinh với tật hai hàng lông mi, đó là tình trạng xuất hiện một hàng lông mi thứ hai ngay phía sau hàng lông mi thứ nhất bình thường.
Dị tật này có thể xuất hiện đơn độc hoặc đi kèm với những bất thường bẩm sinh khác, nhiều tác giả cho rằng bệnh có liên quan đến di truyền nhiễm sắc thể thường.
Điều trị bệnh quặm bẩm sinh ở trẻ
Chia sẻ trên Báo điện tử VTV, Bác sĩ Phạm Xuân Tịnh, Khoa Mắt trẻ em, bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, với những trường hợp quặm bẩm sinh có thể được cải thiện trong quá trình phát triển của trẻ. Do vậy, khi mới sinh ra, trẻ bị quặm bẩm sinh không cần phải điều trị ngay, thông thường chỉ cần theo dõi bệnh.
Khi quặm gây ra các biến chứng chảy nước mắt, lông mi cọ vào giác mạc gây tổn thương giác mạc, trẻ bị chói, chảy nước mắt, ra ngoài nắng thấy khó chịu... mới cần phải can thiệp sớm. Can thiệp về bệnh quặm ở trẻ chủ yếu bằng phẫu thuật.
Ở những trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, lông mi chưa đủ cứng để gây tổn thương giác mạc nên gia đình sẽ được bác sĩ tư vấn tra thuốc cho trẻ và hướng dẫn cách vuốt bờ mi để lông mi không cọ vào giác mạc. Nếu không cải thiện được thì cần phẫu thuật khi trẻ lớn hơn.
Bác sĩ Phạm Xuân Tịnh cho biết thêm, các thuốc sử dụng cho mắt chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết, đặc biệt cần có sự hướng dẫn của bác sĩ. Các bậc cha mẹ không nên sử dụng thuốc tùy tiện để nhỏ mắt cho trẻ.
Có rất nhiều bệnh nhân tới bệnh viện đã bị mù do không sử dụng thuốc đúng quy cách. Một số phụ huynh khi thấy mắt của trẻ đỏ đã tự tiện ra ngoài mua thuốc để nhỏ cho trẻ. Khi thấy nhỏ thuốc mắt hết đỏ, các bậc cha mẹ thường sẽ sử dụng thuốc đó nhỏ dài ngày và liên tục cho trẻ, do đó nhiều trẻ tới đã bị các bệnh về mắt rất nặng dẫn tới mù mắt.
Tại các cơ sở chuyên về nhãn khoa, phẫu thuật điều trị quặm bẩm sinh tương đối đơn giản, thời gian ngắn. Vì vậy, điều quan trọng là khi thấy con có bất cứ biểu hiện bất thường gì ở mắt, các bậc cha mẹ cần đưa đến cơ sở nhãn khoa để khám và điều trị theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Thuốc tham khảo: Chloramphenicol 5% Chỉ định: - Nhiễm trùng phần trước của mắt, mí & lệ đạo. - Phòng ngừa nhiễm trùng trước & sau mổ, bỏng hóa chất & các loại bỏng khác. Mắt hột & zona mắt. - Bơm rửa hệ thống dẫn lưu nước mắt với mục đích điều trị hay phòng ngừa. |
Thùy Linh
Theo GDVN