Cách giáo dục giới tính cho nhi đồng
(Giúp bạn)Ở lứa tuổi nhi đồng giữa trẻ em khác phái đã có những biểu hiện khác nhau về cách ăn mặc, kiểu đầu tóc, cá tính, sở thích… việc cha mẹ đặt tên, mua quần áo, đồ chơi, cho các em có ý nghĩa giáo dục giới tính sâu sắc. Ở đây không đề cập đến việc giáo dục giới tính như ở tuổi dậy thì mà gợi mở những kiến thức về giới đầu tiên cho các em.
- 1
Khi trẻ chào đời đến 1 tuổi
Ngoài việc cho trẻ ăn no, mặc ấm, hàng ngày cha mẹ còn có những giờ phút âu yếm đứa con thân yêu, những cử chỉ vuốt ve, vỗ về, cho bé là sợi dây tình cảm gắn bó cha mẹ và con. Những lúc như thế, trẻ cảm thấy được an toàn, thân thiết, cảm giác ấy nuôi dưỡng tình thương trong trẻ.
- 2
Từ 1 đến 3 tuổi
Từng bước giúp trẻ hiểu biết về "giới". Người đầu tiên mà trẻ quen biết là cha mẹ, qua cách ăn mặc, khuôn mặt, giọng nói… dần dần cha mẹ sẽ giúp trẻ làm quen với những người cùng giới với cha mẹ. Rồi dạy trẻ biệt mình là con trai hay con gái. Không nên cho bé trai đóng giả làm bé gái, bé gái đóng giả bé trai sẽ khó phân biệt rõ ràng mình là ai. Lúc này, tính cách và hứng thú của trẻ cũng cần được chỉ bảo cặn kẽ để tạo thói quen trong tâm lý trẻ.
- 3
Trước lúc đi học (từ 4 đến 7 tuổi)
Hướng dẫn trẻ nhận thức sơ bộ lý tính về giới. Từ 4 tuổi trở đi, sự vật chung quanh luôn mang đến cho trẻ những điều lý thú hiếu kỳ, trẻ thích hỏi bắt người lớn giải thích em bé được sinh ra như thế nào? Con trai và con gái có gì khác nhau. Chúng bắt đầu tò mò khi thấy người lớn vào phòng vệ sinh, phòng tắm. Tại sao con trai lại tiểu tiện đứng, khác con gái. Bé trai và bé gái cùng chơi với nhau thì xấu hổ ngại ngùng.
Lên 5 tuổi, trẻ đã hiểu sơ bộ về sự khác biệt giữa nam và nữ, tự nhìn trộm bộ phận sinh dục của mình mà không để người khác nhìn thấy, cảm thấy xấu hổ nếu lỡ để lộ ra. Ở lứa tuổi này, trẻ rất hiếu động muốn biết mình được sinh ra từ chỗ nào, khi đó, câu trả lời của ba mẹ tránh quanh co, thay nói lừa trẻ sinh ra từ tai, mồm… mà sinh ra từ bụng mẹ. Lên 6 tuổi sự tò mò muốn tìm hiểu giới tính càng tăng, vì thế, hình ảnh cha mẹ âu yếm tình cảm hay sinh hoạt vợ chồng, những tranh sách báo thiếu lành mạnh không để lộ cho trẻ biết.
Nếu trẻ thích động vào "của quý" của mình, cha mẹ tìm cách thay đổi chú ý của trẻ bằng cách trêu cười cho trẻ xấu hổ mà thôi, hoặc giải thích đó là một bộ phận sinh lý như những cơ quan khác trong cơ thể, động vào sẽ mất vệ sinh, mang bệnh. Cha mẹ nên tự mình làm gương cho các con, không nói những lời liên quan đến giới tính hay xem đó là như một trò đùa của trẻ con.
Sống trong môi trường gia đình, nhà trường trong sạch, trẻ sẽ phát triển lành mạnh cả về tâm sinh lý và tự hoàn thiện nhân cách trong quan hệ xã hội nhất là với người khác phái