Cách phòng tránh 4 mối nguy tại nhà cho bé

12:51 11/02/2014

(Giúp bạn)Các mẹ hãy cùng phát hiện và tìm cách phòng tránh 4 mối nguy hiểm tại nhà cho bé nhé.

  • 1

    Phòng khách, phòng ngủ

    Trong phòng khách hoặc phòng ngủ thường có bàn ghế, cầu thang, tủ, cột nhà, cốc chén… là những nơi có thể gây nguy hiểm cho bé trong quá trình tập ngồi, bò, đứng, đi, và tập chạy.

    Ngoài ra một số đồ gia dụng như bàn ăn, ti vi thường để ở vị trí thấp mà bé có thể với hoặc trèo lên được cũng có thể gây nguy hiểm cho bé.

    Cách khắc phục: 

    Các vật dụng gia đình nên cất gọn gàng, bố trí sát tường và để nơi chắc chắn để tránh trường hợp bé leo trèo hay dùng tay cầm, đẩy được.

    Ngoài ra, các cạnh có góc nhọn của đồ vật như cạnh bàn, ghế nên gắn thêm đồ bảo hiểm hoặc khi mua nên chọn đồ vật có các góc được mài tròn, không bị sắc nhọn.

    Một điều lưu ý quan trọng nữa là đối với những đồ vật có tính sát thương cao như đồ thủy tinh, pha lê… bạn nên để tâm đặc biệt, cất ngoài tầm tay với của bé.

    cach-phong-tranh-4-moi-nguy-tai-nha-cho-be-1

  • 2

    Phòng tắm, nhà vệ sinh

    Theo điều tra mới đây, tỉ lệ trẻ em bị bỏng hoặc sặc nước trong khi tắm tương đối cao.

    Cách khắc phục: 

    Khi sử dụng bồn tắm, bạn nên cho nước lạnh vào trước, sau đó mới từ từ thêm nước nóng, dùng tay khua nước để thử độ ấm rồi mới cho bé vào bồn/ chậu. Cần tránh vừa tắm cho bé vừa thêm nước nóng.

    Ngoài ra không để bé một mình trong bồn tắm để tránh trường hợp bé trượt chân bị ngã ngập đầu trong nước hay trẻ bị đuối nước, thậm chí tử vong do bị ngã chúi đầu vào xô nước. Bạn cũng nên đóng cửa phòng tắm, nếu bé biết cách mở cửa thì cần khóa kỹ phòng tắm khi không dùng đến

  • 3

    Phòng bếp

    Đối với các bé, phòng bếp như một xứ sở kỳ diệu. Đặc biệt là các chai lọ sáng loáng, lưỡi dao bóng phản chiếu ánh sáng, cái bếp “phun” ra lửa… lại càng có sức hấp dẫn mãnh liệt khiến bé rất tò mò và muốn khám phá.

    Cách khắc phục: 

    Bạn nên hạn chế hoặc không cho bé vào phòng bếp. Nếu không có người trong bếp tốt nhất nên khóa cửa bếp lại.

    Ngoài ra, các loại dao và dụng cụ đánh lửa sau khi dùng xong phải cất ngay vào nơi an toàn. Bạn nên bố trí riêng một tủ hoặc ngăn kéo có khóa để cất các vật dụng dễ gây nguy hiểm cho bé.

    Ấm trà, bình nước nóng, nồi canh mới nấu… đều phải để trên bệ bếp hay bàn cao hoặc nơi ngoài tầm tay với của bé. Bạn cũng nên dạy bé từ “nóng” và hướng dẫn bé chủ động tránh xa bếp, bàn là, cốc trà…

    cach-phong-tranh-4-moi-nguy-tai-nha-cho-be-2

  • 4

    Điện

    Trong cuộc sống ngày nay, điện đã trở nên quen thuộc và không thể thiếu với mỗi gia đình. Vì vậy, ổ cắm điện và các đồ sinh hoạt sử dụng nguồn điện đều xuất hiện trong bất cứ gia đình nào.

    Đây chính là một trong những mối nguy hiểm thường trực, dễ gây giật điện đối với bé. Trong khi đó, ngay từ khi biết bò, bé đã rất thích nghịch ổ cắm điện, dây điện và các vật dụng dùng điện khác.

    Cách khắc phục: 

    Các đồ điện như ti vi, đầu máy… nên treo cao hoặc để trong tủ có khóa kín. Tủ lạnh hay lò vi sóng đặt ở nơi an toàn, khi không sử dụng phải đóng cửa và khóa kỹ (đối với loại có khóa).

    Bên cạnh đó, bạn nên bố trí hệ thống chạy âm trong tường, không nên để dây điện lộ thiên trong nhà. Trong trường hợp hãn hữu mới sử dụng dây điện và ổ cắm rời nối từ nguồn điện đến vật dụng.

    Đối với các ổ cắm, ngay khi bé bắt đầu tập trườn hoặc tập bò, bạn phải mua các nút nhựa để bịt các lỗ cắm khi không sử dụng. Hiện nay trên thị trường đã có loại nút nhựa bịt ổ cắm có đai khóa chắc chắn để phòng trường hợp các bé lớn (khoảng 3 tuổi trở lên) biết cách mở nút nhựa thường.

Comments