Cách vượt qua mặc cảm "xuống sắc" khi bầu bí
(Giúp bạn)Bên cạnh việc chăm sóc cho thai nhi, những thay đổi về sắc cũng làm cho mẹ bầu lo lắng, do đó làm đẹp hợp lí và đúng cách cũng sẽ giúp cho chị em có một thai kì thuận lợi và tràn đầy niềm vui.
- 1
Nám
Thay đổi sắc tố da là tình trạng gặp thường xuyên khi mang thai, tùy theo mức độ, có thể là nhẹ nhàng chỉ ở vùng kín, có khi nặng nề trên cả toàn thân. Thường gặp nhất là nám da vùng mặt (dấu hiệu “mặt nạ thai kỳ” – vùng nám da trên mặt như là đang đeo mặt nạ hóa trang). Tình trạng nám da có thể tăng lên nếu tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời.
Nội tiết tố sẽ cải thiện dần sau sinh con nên phụ nữ không nên quá
mặc cảm về làn da
Do đó, có thể giảm bớt nám da dùng mặt bằng các phương tiện “che chắn” khi ra đường và dùng thêm mỹ phẩm “hóa trang” như các loại kem chống nắng.
Tình trạng này do ảnh hưởng của nội tiết tố trong lúc mang thai, nhất là nội tiết tố sinh dục nữ và nội tiết tố từ bánh nhau, sẽ cải thiện dần sau sinh.
- 2
Ngứa
Khi thai khoảng 5 tháng trở đi, “bầu”có thể gặp tình trạng ngứa da. Có thể gặp tình trạng này gián cách theo từng khoảng thời gian, hay liên tục và ngày càng tăng; có khi nặng nề đến làm nhiễm trùng da do bà mẹ gãi nhiều làm trầy xước; đôi khi còn kèm mụn mủ thân người. Lúc đó cần lưu ý các loại dưỡng da toàn thân có thể ảnh hưởng trên ngứa da.
- 3
Mụn
Mụn cũng góp phần tàn phá nhan sắc của chị em “bầu” nhà mình. Mụn vùng mặt, có khi gặp rất nhiều, thậm chí mụn mủ nhiễm trùng. Chỉ có thể điều trị nhằm tránh các biến chứng của mụn (mụn mủ, nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu), chứ không thể hết mụn được.
Các loại thuốc vệ sinh da có thể dùng rộng rãi, nhưng thuốc điều trị mụn thì nên cẩn thận, cần theo chỉ dẫn của bác sĩ, chứ không theo chỉ dẫn của bạn bè, vì có một số loại thuốc cấm dùng hẳn hoi trên bà bầu.
Nặn mụn, chỉ làm tăng thêm nhiễm trùng và nguy cơ để lại sẹo xấu. Tình trạng tăng tiết mồ hôi, tăng tiết bã nhờn cũng làm trầm trọng thêm mụn, do đó, giữ vệ sinh thông thoáng da sẽ góp phần cải thiện mụn.
- 4
Rạn da
Tình trạng rạn da, thường xuyên trên vùng bụng dưới hay vùng đùi, cũng có thể gây lo lắng cho bà bầu. Rạn da là do khi gia tăng trọng lượng hay kích cỡ của bụng, da bị dãn nhiều dẫn đến phá vỡ các sợi collagen dưới da.
Các thuốc chống rạn da đi theo 2 cơ chế, tăng cường sự vững chắc của sợi collagen hay chống quá trình hóa sẹo; dù là loại nào cũng nên dùng từ sớm, đừng đợi khi có rạn da thì sẽ kém hiệu quả. Và cũng cần biết, việc tăng cân vừa phải với mức độ từ từ sẽ là yếu tố chống rạn da quan trọng.
Nhìn chung, các loại mỹ phẩm làm đẹp hay dưỡng da, khi mang thai vẫn có thể dùng như trước khi có thai. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều hàng nhái, hàng giả, chị em phụ nữ cần lưu ý khi sử dụng, tránh các loại xấu có thể gây tình trạng dị ứng, có thể sẽ nặng nề hơn khi đang mang thai và gây phức tạp khi điều trị.
Tốt nhất là hãy cứ dùng những loại đã từng dùng trước đây, đừng cố thử những loại mới, đặc biệt các loại có nhãn mác quá lạ hay không có nhãn mác, loại thuốc “gia truyền”. Lưu ý sử dụng loại nào phù hợp với tình trạng tăng tiết mồ hôi khi mang thai.
Gội đầu, làm tóc, làm móng, hay spa không có gì cấm cản cho bà bầu, thậm chí còn khuyến khích vì tạo thư giãn tốt, nhưng lưu ý vệ sinh dụng cụ và có tư thế thích hợp, nhất là khi bụng to.