Những quan niệm sai lầm khi mang thai

16:22 10/02/2014

(Giúp bạn)Khi mang thai, người phụ nữ luôn có tâm lý “khát” các kiến thức về chăm sóc và bảo vệ thai nhi cũng như trẻ sơ sinh. Ngoài tìm hiểu trên sách báo, thông tin truyền thông, họ tin tưởng vào kinh nghiệm của những người “đi trước” - người hiện có con nhỏ khỏe mạnh và thông minh… Điều đó liệu có hoàn toàn đúng?

  • 1

    Kiêng khem trong ăn uống

    Ở một số địa phương nước ta, nhiều thức ăn được coi là độc hại cho phụ nữ mang thai. Quan niệm này đã đi vào tâm thức, khiến nhiều người mặc nhiên thực hiện mà không hiểu tại sao. Điều này xuất phát từ những quan niệm rất “buồn cười”: ăn ốc thì con sẽ lắm dãi; ăn mít thì con sau này sẽ nhiều rôm sảy, chốc lở; ăn mía thì con cứng đầu, đẻ khó; ăn thịt trâu thì “lạnh”, thịt chó thì “nóng”; ăn cơm cháy khi đẻ sẽ bị “sót rau”; ăn thịt gà thì mẹ bị nổi da gà…

    Có nhiều “người đi trước” cấm tiệt sản phụ không được đụng đũa vào các món đó; có người thì chỉ khuyên răn, khuyến cáo không sử dụng… Rõ ràng đó là những quan niệm truyền miệng, không xuất phát từ bất kỳ một nghiên cứu khoa học nào. Và hậu quả của sự kiêng khem quá mức này là cơ thể sản phụ bị thiếu chất, trở nên yếu ớt, ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi.

  • 2

    Không dùng hoặc dùng thuốc quá nhiều

    Nhiều phụ nữ mang thai do muốn thai được khỏe mạnh nên nghe nói có thứ thuốc nào được coi là bổ thì tìm mua cho được để dùng. Ngược lại có nhiều người do hiểu rằng thuốc mà người mẹ dùng có thể truyền sang thai nhi và gây nhiều nguy cơ cho con nên từ chối mọi thuốc men cần thiết để điều trị khi có bệnh. Cả hai quan niệm này đều không đúng. Các bác sĩ cho rằng, vấn đề cốt lõi là khi mang thai, người ta sẽ cân nhắc về thiệt hơn - tức là thận trọng hơn - trước khi quyết định dùng bất cứ một loại thuốc gì. Và việc quyết định dùng thuốc thuộc về bác sĩ điều trị.

  • 3

    Ít động hoặc hoạt động quá nhiều

    Số đông phụ nữ mang thai quan niệm rằng, hoạt động, đi lại nhiều thì sẽ “dễ đẻ”. Một bộ phận khác lại nghĩ, khi bụng mang dạ chửa thì không nên hoạt động để cho cơ thể được nghỉ ngơi và để cho thai nhi không phải đối mặt với nhiều nguy cơ bất chợt xuất hiện. Thực tế cả hai quan niệm trên đều chưa đúng. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải tìm ra được phương pháp hoạt động, tần suất và mức độ hoạt động sao cho đúng, theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. ít hoạt động hay hoạt động quá nhiều đều có hại cho sức khỏe bà mẹ và thai nhi.

  • 4

    Không khám định kỳ thai nghén

    Rất nhiều chị em phụ nữ còn chưa thấy sự cần thiết phải đi khám định kỳ thai nghén. Theo khuyến cáo, mỗi phụ nữ có thai cần đi khám ít nhất 3 lần trong thai kỳ. Tuy vậy rất nhiều chị em cho rằng, “mình khỏe mạnh, cần gì phải khám”! Một phần cũng do nhiều gia đình không có điều kiện kinh tế, hoặc quá ngại ngần khi phải đến bệnh viện và tặc lưỡi: “Ngày xưa khi mang thai tôi, mẹ có đi khám thai đâu mà tôi vẫn khỏe mạnh bình thường đấy thôi!”.

    Đúng như vậy, nhưng đó là do họ may mắn hơn người khác, họ có biết đâu rằng rất nhiều người do không khám thai định kỳ nên không phát hiện được nhiều nguy cơ. Và những nguy cơ đó để lại nhiều hậu quả không bù đắp được. Đó là chưa kể giờ đây còn có nhiều biện pháp sàng lọc sơ sinh, phát hiện sớm những khuyết tật của thai nhi để có được những quyết định đúng đắn nhất.

  • 5

    Kiêng hẳn hoặc vẫn sinh hoạt tình dục như trước

    Trong thời kỳ thai nghén, có người quan niệm sinh hoạt tình dục cần phải kiêng tuyệt đối, trong khi đó có cặp vợ chồng lại vẫn sinh hoạt như trước. Cả hai quan niệm đó đều chưa hoàn toàn đúng. Khi mang thai, hoạt động tình dục có thể gây sang chấn, nhất là ở thời kỳ đầu và cuối của thai kỳ. Hoạt động tình dục lúc này nên thưa ra và hết sức nhẹ nhàng, vợ chồng nên bàn bạc để chọn tư thế thích hợp nhất.

Comments