Chăm sóc trẻ bị viêm da dị ứng
(Giúp bạn)Làn da của trẻ bị viêm da dị ứng thường nhạy cảm hơn các trẻ khác với các chất kích thích như: hóa chất, xà phòng...vì vậy phụ huynh cần biết cách chăm sóc trẻ tại nhà.
Thông tin trên trang tin điện tử BV Bạch Mai, thời tiết lạnh và khô hanh là điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm da dị ứng ở trẻ nhỏ phát triển. Đây là bệnh lý ngoài da phổ biến nhất ở trẻ em, một dạng viêm da mạn tính, tái phát, ngứa dữ dội xảy ra ở những trẻ có làn da nhạy cảm, khi các chức năng bảo vệ da trở nên yếu ớt.
Bệnh thường bắt đầu trong năm đầu đời và có đến 85% trẻ mắc bệnh tiếp tục đến 5 tuổi. Thực tế trong chăm sóc bệnh, cha mẹ và người thân thường tự điều trị theo kinh nghiệm như đắp lá cây, hoa giã nát hoặc hạt đậu nghiền lại kiêng nước cữ gió làm bệnh nặng và có những biến chứng nguy hiểm.
Thức ăn dị ứng làm bệnh viêm da dị ứng ở trẻ nặng hơn
Những nguyên nhân làm tổn thương da tái phát thường gặp là khi da bị khô, do bụi bẩn hoặc ứ mồ hôi. Thức ăn và dị nguyên trong không khí cũng có vai trò kích gợi bệnh bùng phát. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, thức ăn dị ứng là thủ phạm làm bệnh nặng hơn trong 40% các trường hợp.
Dễ bị bội nhiễm
Theo Sức khỏe & đời sống, làn da của trẻ bị viêm da dị ứng thường nhạy cảm hơn các trẻ khác với các chất kích thích như: hóa chất, xà phòng, cồn sát trùng và các sản phẩm chăm sóc da. Các chức năng bảo vệ da cũng trở nên yếu ớt trước các tác nhân vi trùng như: tụ cầu vàng, vi- rút như herpex simplex, u mềm lây nhiễm và nấm.
Hơn 90% trẻ bệnh tái đi tái lại có hiện diện nhiều tụ cầu khuẩn thường trú trên da. Để trẻ gãi ngứa nhiều gây trầy xước da, hoặc tự điều trị không đúng sẽ dẫn đến biến chứng nhiễm trùng làm vết thương trở nên đau nhức, chảy máu và hóa mủ, trẻ sốt cao do nhiễm trùng huyết rất nguy hiểm.
Chăm sóc trẻ bị viêm da dị ứng tại nhà
Viêm da dị ứng làm mất nước, khô da, gây tổn thương dạng khe nứt nhỏ trên da là đường vào cho các tác nhân kích thích, dị nguyên và vi trùng. Chăm sóc tại nhà thích hợp rất quan trọng để giúp trẻ dễ chịu, mau lành và tránh những biến chứng nguy hiểm.
- Làm sạch da: tắm rửa trẻ hàng ngày, lau mặt bằng khăn nhúng nước ấm. Ngâm vùng da tổn thương nặng trong nước ấm 15 - 20 phút, sau đó lau khô nhanh và ngay lập tức bôi chất làm ẩm để ngăn cản tình trạng bốc hơi làm khô da. Ngâm da 1 - 3 lần/ngày tùy độ nặng của bệnh.
- Bôi chất làm ẩm: để duy trì độ ẩm ở da suốt cả ngày cần bôi các chất làm ẩm dạng dung dịch, dầu, kem hoặc thuốc mỡ theo hướng dẫn của y tế ngay sau khi tắm. Thời tiết khô hanh nên chọn loại thuốc mỡ, vì thành phần có ít tá dược nhất và tác dụng kết dính nhiều hơn.
- Giảm ngứa và kích ứng: duy trì giấc ngủ bình thường và ổn định tâm lý trẻ, vì stress cũng là một nguyên nhân dẫn đến thói quen gãi ngứa ở trẻ. Cắt móng tay cho trẻ, mang bao tay, vớ ban đêm để tránh tổn thương da do gãi ngứa.
Thuốc kháng histamin có thể dùng hỗ trợ. Chất tẩy rửa, hóa chất, xà phòng, cồn và các sản phẩm chăm sóc da phải tránh dùng.
Chọn quần áo thấm mồ hôi, cho trẻ ở phòng máy lạnh để giảm ra mồ hôi. Tránh những thức ăn dị ứng. Không cho trẻ chơi dưới đất, không chơi với súc vật hay thú nhồi bông.
- Chỉ bôi thuốc kháng viêm, kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, lưu ý không pha trộn hay bôi cùng với chất làm ẩm vì sẽ làm giảm hiệu quả điều trị.
Đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu sốt, ngứa nhiều phải thức giấc ban đêm, tổn thương da trở nên đỏ hơn và chảy máu, có mủ, đóng vảy màu vàng, hoặc nếu tổn thương da không giảm sau 1 tuần để được khám và điều trị kịp thời.
Tham khảo thuốc: Actoramin: - Giảm đau trong các trường hợp: đau dây thần kinh, đau khớp (đau lưng, đau vai,...), mỏi mắt, viêm miệng và viêm lưỡi. - Cung cấp vitamin nhóm B, E, C và trong các trường hợp sau: suy dinh dưỡng, giảm sút sức khỏe, mệt mỏi trong hoặc sau thời kỳ bệnh; phụ nữ mang thai, cho con bú; trẻ đang lớn và người già yếu. |
Trà Mi
Theo GDVN