Bí quyết làm bạn với trẻ ở tuổi dậy thì
Bạn hãy nhẹ nhàng gần gũi trao đổi, chuyện trò với con. Cả nhà cùng nhau nhận xét về một hành động chưa ổn của nhau. Bạn không nên "ép con" theo khuôn khổ của mình, mà hãy đặt ví trí của mình vào trẻ, vào chính độ tuổi đó, con nghĩ gì?
Bạn không nên căng sức để thay đổi con theo mình bởi điều này chỉ khiến cả hai mệt mỏi mà thôi.
Chị Phương Huyền (Quận 3, TPHCM) chia sẻ phương pháp của mình với cậu con trai 15 tuổi đó là: “Luôn sẵn sàng lắng nghe con tâm sự, chia sẻ nhưng chỉ đưa ra lời khuyên khi con đề nghị”.
Chị phân tích rằng, Ngọc Long – con trai chị rất thích thảo luận dựa trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng. Thằng bé không thích bị ép buộc theo khuôn khổ và ngay từ bé đã thể hiện rõ điều này, việc bị bố mẹ can thiệp quá nhiều sẽ khiến con thu mình. Vì thế, thay vì ra phương án “con ơi, con làm theo cách này nhé” thì chị Huyền thường tỏ ra vẻ ủng hộ sự độc lập trong suy nghĩ của con và thi thoảng nếu thấy điều đó chưa ổn thì chị chỉ bảo: “Làm vậy có nên không Long?”
Không nên căng sức để thay đổi con theo ý mình bởi điều này chỉ khiến cả hai thêm mệt mỏi mà thôi (Ảnh minh họa)
Cuối những buổi thảo luận, chị luôn nhắc con rằng “Mẹ ở đây, mẹ sẵn sàng lắng nghe con, con cứ gọi nếu cần mẹ nhé”. Chỉ bằng vài cách đơn giản vậy mà bé rất hay chia sẻ với mẹ.
Anh Sơn Lâm (Pháo Đài Láng, Hà Nội) rất quan tâm về vấn đề này bởi bé Tuấn Anh nhà anh cũng đang độ tuổi ô mai ẩm ương. Anh kể một câu chuyện rằng, bạn anh quản con bằng cách chuyên “nghe lén” điện thoại của con để xem con nói gì với bạn, tâm tư nguyện vọng, sở thích ra sao.
Nhưng theo anh làm vậy là không nên bởi "một khi con biết, nó sẽ cảm thấy mất lòng tin ở cha mẹ".
Anh bảo: “Không nên ‘xâm phạm’ không gian riêng của con, vì điều này sẽ khiến bé thấy mình được tôn trọng như những thành viên khác trong gia đình”.
Dậy thì là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời. Ở lứa tuổi này, thể chất và tinh thần ở trẻ có rất nhiều thay đổi. Bậc phụ huynh nào cũng đã có khoảng thời gian trải qua “sự kiện” này.
Theo anh, để giao tiếp thành công với “cục ô mai” khó tính này, bố mẹ cần phải quan tâm và có những ứng xử phù hợp để có thể hiểu và biết được điều gì đang xảy ra trong cuộc sống của con.
Cho dù công việc bận rộn, hàng ngày bố mẹ vẫn nên cố gắng dành thời gian gặp gỡ, trò chuyện với con cái. Phụ huynh nên thường xuyên quan tâm, trao đổi với con về những việc diễn ra ở trường, ở nhà, quan hệ với bạn bè... và chia sẻ, định hướng khi con có suy nghĩ tiêu cực.
Chú ý lắng nghe và biểu lộ sự đồng cảm với con, điều đó giúp con tự tin hơn và có cảm giác được an toàn. Bố mẹ nên học cách lắng nghe nhiều hơn là cứ nói thao thao bất tuyệt về cách dạy con nên thế này, không nên thế khác.
Anh Lâm còn chia sẻ một bí quyết nữa đó là: “Thi thoảng '2 thằng đàn ông' rủ nhau đi café để nói chuyện. Những lúc ấy, con thích lắm và có vẻ cu cậu tin tưởng bố ra phết”. (Cười)