Đối phó với cơn nổi loạn của trẻ từ 2 đến 3 tuổi
(Giúp bạn)Trẻ bắt đầu khóc rồi, trẻ sắp gào và sắp nôn ói. Sau khi xác định rõ ràng rằng trẻ không đau, không đói, không gì cả, chỉ ăn vạ thôi, cha mẹ chỉ cần bình tĩnh và kiên nhẫn.
Xử lý cơn thịnh nộ nhẹ
Cách này phù hợp với trẻ rất nhỏ (1-2 tuổi), hoặc trẻ không nổi cơn thịnh nộ thường xuyên, cơn giận không quá nghiêm trọng:
- Giảm stress: Theo Vnexpress, trẻ mệt mỏi, đói và kích thích quá mức thường dễ nổi cơn thịnh nộ.
- Hiểu rõ cảm xúc của bé: Nếu thấy cơn nóng giận chớm xuất hiện, cần nhanh chóng đánh lạc hướng sự chú ý của bé vào một hoạt động khác.
- Xác định các yếu tố gây cơn thịnh nộ: Nhiều bé thường nổi đóa khi cùng mẹ đi mua sắm, thăm người quen hay trong thời gian bữa ăn. Hãy nghĩ cách giảm nhẹ căng thẳng cho con, chẳng hạn rút ngắn thời gian đi cửa hàng để bé không quá mệt, cho bé ăn trước khi đi chơi lâu.
- Khi cơn thịnh nộ xuất hiện, hãy bình tĩnh (hay tỏ ra bình tĩnh). Nếu cha mẹ nổi giận mọi chuyện sẽ càng tồi tệ hơn. Nếu bạn nhất thiết phải lên tiếng thì hãy giữ giọng nói thật trầm tĩnh và hành động hết sức chậm rãi.
- Chờ cho cơn thịnh nộ qua đi: Hãy phớt lờ hành vi của con cho tới khi bé ngừng làm mình làm mẩy. Khi cơn nóng giận đang đạt đỉnh điểm, việc đánh lạc hướng hay giải thích lý lẽ sẽ chẳng có ích lợi gì. Bé sẽ chẳng có tâm trạng nào để nghe bạn. Hành động của bạn có thể khiến bé hiểu rằng cơn thịnh nộ thu hút toàn bộ sự chú ý của cha mẹ.
- Không nhân nhượng: Nếu cơn thịnh nộ xuất hiện vì bé không muốn làm điều gì đó (ví dụ bé thích vầy nước và không muốn ra khỏi bồn tắm), hãy nhẹ nhàng nhưng cương quyết yêu cầu con làm việc này (bế bé ra khỏi bồn). Nếu cơn giận xuất hiện vì con muốn thứ gì đó, đừng cho bé thứ bé muốn.
- Hãy kiên định và bình tĩnh: Nếu bạn không nhất quán trong phản ứng với cơn thịnh nộ, lúc thì cho con thứ bé muốn, lúc lại không thì vấn đề có thể trở nên tồi tệ hơn.
- Khen thưởng hành vi tích cực: Nhiệt tình khen ngợi khi bé kiềm chế tốt cơn bực tức của mình.
Không giáo huấn
Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Giảng viên khoa Tiểu học - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cha mẹ cần nhớ, với trẻ 2-3 tuổi, mọi lời giáo huấn đều vô giá trị. Bởi vốn từ vựng và ngữ pháp của trẻ quá ít ỏi nên việc hiểu cả một đoạn hội thoại dài với từ ngữ phức tạp quả là vô cùng khó khăn.
Thậm chí, với trẻ lớn hơn cũng thế, một đoạn giáo huấn đầy tính chính trị xã hội thực sự rất khó nghe và khó tiếp nhận. Chính vì vậy, cha mẹ hãy dừng lời giáo huấn lại ngay lập tức và hành động.
Bình tĩnh và kiên nhẫn
Trẻ bắt đầu khóc rồi, trẻ sắp gào và sắp nôn ói. Sau khi xác định rõ ràng rằng trẻ không đau, không đói, không gì cả, chỉ ăn vạ thôi, cha mẹ chỉ cần bình tĩnh và kiên nhẫn. Lời mắng mỏ sắp trào ra ngoài cần phải nuốt vào trong.
Thay vì đó, có thể lấy cho trẻ một món đồ gì đó. Có thể lấy khăn, chậu, nước.... đặt xung quanh trẻ và bỏ ra một góc. Cha mẹ có thể ngồi gần chỗ trẻ để ứng cứu nếu có gì nghiêm trọng hơn xảy ra (nhiều bé bị hen chẳng hạn).
Cha mẹ có thể làm việc riêng của mình
Ngồi nghe nhạc là hợp lý và thú vị nhất. Tai nghe cắm một bên vào tai, một bên thì không vì vẫn cần lắng nghe động tĩnh từ con trẻ. Thái độ cha mẹ cần có là phải cực kỳ bình thản và vui vẻ. Điều đó cũng có nghĩa là lờ tịt trẻ đi.
Khi trẻ ăn vạ, nó không nghĩ gì nhiều cả, nó chỉ nắn gân cha mẹ bằng màn kịch vô cùng hoàn hảo. Với cha mẹ kém bản lĩnh, sợ con ốm, sợ con nôn, sợ xấu hổ với xóm làng thì rõ ràng màn kịch này của trẻ cực kỳ hiệu quả.
Vì thế, cha mẹ phải bản lĩnh hơn nhiều. "Ốm à - không sợ nhá, nôn à - nôn đi... xấu hổ à - xấu mãi rồi nhé... Cứ gào đi, gào thật to vào, tôi chả quan tâm đâu". Cha mẹ càng bình thản bao nhiêu, cơn giận hờn càng nhanh chóng tắt ngấm bấy nhiêu.
Bởi vì trẻ thực sự không cần khóc
Trẻ đâu có đau mà khóc, nó chỉ ăn vạ thôi. Trẻ ăn vạ để nắn gân cha mẹ nên nếu nó thấy khán giả không hào hứng với màn kịch hoàn hảo, rằng kẻ đáng bị đánh lừa đã hoàn toàn không có vẻ gì là bị lừa cả, nó sẽ thôi ngay. Cơn hờn dỗi sẽ tịt dần và tắt ngấm.
Bình thường hóa mọi chuyện
Sau khi trẻ đã hết cơn ăn vạ, cha mẹ cần nhớ là tuyệt đối không rao giảng đạo đức. Bởi cha mẹ nói thì trẻ sẽ hiểu ngay ra là cha mẹ cũng sợ cơn ăn vạ của mình lắm đây. Lần sau, trẻ sẽ gào to hơn để cha mẹ sợ. Vì thế, cha mẹ phải tuyệt đối không nói năng gì cả mà phải bình thường hóa quan hệ.
Nếu cha mẹ tỏ ra như không có gì vừa xảy ra, mọi thứ bình thường thì con sẽ hiểu ngay là cha mẹ tuyệt đối không sợ màn kịch của mình. Sau độ 2, 3 lần nắn gân thử lại mà kết quả vẫn thế thì con sẽ chấm dứt màn kịch đó để đi tìm chiêu trò khác.
Nếu con ăn vạ ở ngoài đường, siêu thị... để đòi mua cái gì đó thì việc cần làm là lờ đi và bỏ đi. Đảm bảo con sẽ chạy theo vì sợ. Nó sẽ không ăn vạ nữa vì biết sự thể không thay đổi gì và món hàng nó muốn cũng không thể về tay vì thái độ dứt khoát của cha mẹ.
Hãy làm cho con sợ khi nghịch đồ nguy hiểm
Nếu con đút tay vào ổ điện, mọi lời trách mắng cũng chỉ khiến trẻ hiểu rằng: cha mẹ cũng thích ổ điện như nó. Vì thế, việc cần làm là khiến cho con sợ cái ổ điện giống như mình đang sợ đây. Cha mẹ cần ngay lập tức cầm tay con lên, giật nhẹ rồi nhét thẳng vào.... cái ổ điện đó (dĩ nhiên là phải cách xa cả mét rồi). Theo phản xạ, trẻ sẽ giật tay lại và khóc. Nếu cha mẹ cũng gào to hơn nữa thì tiếng động đó còn làm trẻ sợ và khóc to hơn.
Sau vài phút, hãy ôm con vào lòng và dỗ dành. Nó sẽ ngưng khóc nhưng cũng đủ sợ cái ổ điện đó để không khám phá nữa. Công thức này đúng với mọi đồ vật nguy hiểm các bố mẹ nhé.
Tú Liên
Theo GDVN