“Dọn ổ” chờ đón thiên thần

10:38 11/02/2014

(Giúp bạn)Nhiều người gọi vui quá trình chuẩn bị của phụ nữ trước ngày sinh nở là giai đoạn “dọn ổ”.

  • 1

    Thu xếp công việc

    Xác định thời gian nghỉ trước sinh: Từ 29 tuần trở đi, bạn đã có thể nghỉ ở nhà chuẩn bị sinh, tùy theo tình hình sức khỏe của bản thân và tính chất công việc. 

    Nếu công việc nhẹ nhàng và sức khỏe của mẹ và thai nhi đảm bảo bình thường, bạn vẫn có thể đi làm cho đến gần ngày sinh. Nhiều phụ nữ cho biết họ thường không nghỉ quá sớm trước khi sinh nếu sức khỏe không có gì nguy hại vì thời gian ở nhà lâu khá buồn. Mặt khác, họ muốn dành thời gian chăm con sau này nhiều hơn. 

    Quy định nghỉ thai sản hiện nay là 4 tháng và phổ biến chung ở nhiều người là thường nghỉ 1 tháng trước khi sinh nhằm tránh trường hợp sinh sớm – nhất là với người sinh con lần đầu.

    Giải quyết công việc trước khi sinh: Trước khi nghỉ sinh, bạn cần hoàn tất hết công việc và bàn giao lại. Bạn cần xác định tính chất công việc và nhu cầu của bản thân. Nếu công việc cho phép bạn có thể làm tại nhà, bạn vẫn có thể xoay sở được. Nếu không, bạn có thể bàn giao cho đồng nghiệp nhờ giúp đỡ trong thời gian nghỉ sinh.

    Hỏi rõ về thủ tục nghỉ sinh và chế độ ưu đãi được hưởng: Trước khi nghỉ sinh, bạn cần hỏi nơi làm việc thủ tục nghỉ và hưởng chế độ thai sản. Tiền lương của bạn trong giai đoạn nghỉ sinh sẽ do BHXH chi trả.

  • 2

    Chọn dịch vụ sinh

    Chọn người đỡ sinh: Đây là mối quan tâm hàng đầu của nhiều phụ nữ mang thai. Bạn cần xác định rõ ai sẽ là bác sĩ đỡ sinh cho mình. 

    Lời khuyên được đưa ra là bạn nên chọn bác sĩ mình theo khám từ đầu, vì người này hiểu rõ sức khỏe thai kỳ của bạn nhất. Nếu bạn không có bác sĩ đỡ sinh riêng do bạn theo khám ở bệnh viện hoặc phòng khám tư có nhiều bác sĩ cùng khám, bạn có thể chọn phương án một bác sĩ nào đó người thân quen giới thiệu, hoặc bác sĩ uy tín có ca trực vào lúc bạn nhập viện.

    Chọn nơi sinh
    : Hiện nay, các bệnh viện nhìn chung đều quá tải và tình trạng thiếu phòng là điều khó tránh. Bạn có thể căn cứ vào khả năng tài chính của bản thân để quyết định xem mình sẽ sinh ở bệnh viện nào.

    Có người cho biết sẵn sàng chi trả khoản đáng kể cho việc sinh con nên chọn những bệnh viện tư có chi phí đắt đỏ hơn, nhưng cũng có người cho rằng điều này là tốn kém khoản chi ấy tốn nhiều vào dịch vụ phòng ốc, vệ sinh… còn chuyện sức khỏe bà mẹ trong khi sinh đôi khi chưa bằng những bệnh viện công khác. Điều này tùy thuộc hoàn toàn vào tính toán của bạn và khả năng tài chính gia đình.

    Bảo hiểm: Bạn có thể chọn dịch vụ sinh có bảo hiểm y tế hỗ trợ hoặc không. Có những bệnh viện áp dụng bảo hiểm y tế, nhưng cũng có những bệnh viện chỉ áp dụng cho những loại hình bảo hiểm nhất định. 

    Bạn có thể đi tham khảo các nơi, tham gia các lớp học tư vấn tiền sản để tìm hiểu thêm.

    don-o-cho-don-thien-than-1
    Việc mua sắm đồ đạc trước khi sinh là niềm hạnh phúc của các bà mẹ. Bạn có thể mua trước 2-3 tháng để thời gian không cập rập. 

  • 3

    Mua sắm đồ đạc

    Việc mua sắm đồ đạc trước khi sinh là niềm hạnh phúc của các bà mẹ. Bạn có thể mua trước 2, 3 tháng để thời gian không cập rập. Cần lên danh sách những thứ cần mua để tránh tốn kém và mua được đầy đủ.

    Đồ đạc cho bé: Những thứ cơ bản cần cho bé mà bạn phải chuẩn bị bao gồm: tã vải và tã giấy, áo sơ mi, mũ đội đầu, bao tay – bao chân, khăn choàng cho em bé, khăn màn loại nhỏ, gối, bình sữa, bình nước, băng rốn, thuốc nhỏ mắt – mũi trẻ sơ sinh… Đây là những thứ cơ bản nhất mẹ cần chuẩn bị cho bé.

    Ngoài ra, mẹ còn có thể mua thêm nhiều thứ khác như: yếm, áo len, khăn bông, chậu tắm, nôi em bé…

    Đồ đạc cho mẹ: Khi đi sinh mẹ cần mang theo: băng vệ sinh, quần lót giấy, tất chân, quần áo cài cúc để có thể cho bé bú, khăn mặt… Ngoài ra, mẹ còn cần chuẩn bị một số quần áo mặc ở nhà, áo ngực cho con bú¸thuốc tẩm bổ, máy hút sữa…

  • 4

    Người phụ giúp

    Bạn cũng cần xác định ai sẽ là người phụ giúp mình trong thời kỳ nằm ổ. Có người nhờ mẹ chồng chăm sóc, có người có mẹ ruột ở bên, nhưng cũng có người chỉ có chồng chăm sóc do xa hai bên nội – ngoại… 

    Nhìn chung, bạn cần chuẩn bị trước chắc chắn, phòng khi luống cuống không có người ở bên giúp đỡ. Ông xã bạn tất nhiên sẽ là nguồn hỗ trợ lớn nhất, vì vậy đừng quên trao đổi và động viên trước giai đoạn vất vả sau này.

  • 5

    Tâm lý

    Cuối cùng, một tâm lý sẵn sàng và thoải mái sẽ là điều bạn cần chuẩn bị trước ngày… “ra trận”. Thời gian nghỉ trước sinh nên vận động nhẹ nhàng, thư giãn. Hãy nghĩ đến ngày con yêu chào đời và tiếp thêm sức mạnh cho mình để vượt qua hành trình “đi biển” gian nan.

Comments