Hướng dẫn đề phòng những sự cố bất thường cho trẻ sơ sinh
(Giúp bạn)Trớ sữa, bị ngạt khi đi ngủ hay trầy tay, xước da, côn trùng đốt… là những sự cố rất thường gặp ở các bé sơ sinh. Nếu cha mẹ không cẩn thận và xử lý kịp thời thì những sự cố này nhiều khi có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
- 1
Sự cố trớ sữa
Vị trí dạ dày của trẻ sơ sinh khá cao, dung lượng dạ dày kém, cơ dạ dày khá yếu nên trẻ dễ bị trớ sữa. Vì thế, sau khi cho trẻ bú, cần bế trẻ lên và cho trẻ gục đầu vào vai mẹ, sau đó dùng tay vỗ nhẹ vào lưng để trẻ ợ hơi, thoát hơi ra ngoài tránh bị trớ sữa. Khi trẻ đã ngủ say, cần chú ý quan sát xem trẻ có bị trớ sữa không. Cần tránh tình trạng này vì khi trớ sữa, trẻ quấy khóc sẽ làm sữa tràn vào khí quản, gây viêm phổi, nghiêm trọng hơn có thể làm tắc đường thở và gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
- 2
Sự cố khi ngủ
- Về mùa đông, trời rất lạnh. Để giữ ấm tốt cho trẻ, nhiều bậc cha mẹ cuốn, mặc thật dày, ngoài ra còn đắp chăn, trùm chăn kín cho trẻ. Khi ngủ say, trẻ có thể ngọ nguậy tay chân làm vung chăn lên mặt khiến trẻ khó thở. Nếu cha mẹ không kịp thời kéo chăn ra, việc hô hấp của trẻ sẽ bị cản trở, gây nguy hiểm cho trẻ. Vào mùa đông, cha mẹ nên giữ ấm cho trẻ bằng cách, tăng nhiệt độ trong phòng, không nên cuốn cho trẻ quá dày, hoặc chèn quá nặng, gây ảnh hưởng tới hô hấp và vận động của trẻ. Nếu nhiệt độ trong phòng quá thấp, bạn có thể đặt túi sưởi dưới chăn bé, nhưng tuyệt đối không để bé tiếp xúc trực tiếp với túi sưởi, tránh nguy cơ không an toàn cho trẻ.
- Về mùa hè, khi thời tiết nóng bức, nhiều cha mẹ đã chọn giải pháp: bật quạt điện, hoặc mở điều hoà cho trẻ ngủ. Điều này là cần thiết, song cha mẹ cần lưu ý: Không nên bật quạt ở số to và không nên quạt thẳng vào trẻ, vì dễ làm bạt hơi thở của trẻ; Khi mở điều hoà, chú ý không để nhiệt độ trong phòng chênh quá 70 so với nhiệt độ ngoài trời và không di chuyển trẻ nhiều lần từ nơi có điều hoà sang nơi không có điều hoà, vì sự thay đổi nhiệt độ thường xuyên và đột ngột không có lợi cho trẻ.
- Một số cha mẹ thường có thói quen ôm trẻ ngủ, khi mẹ ngủ say khó kiểm soát được tình trạng, tay, chân đè lên trẻ, gây nguy hiểm với trẻ. Nếu cha mẹ ôm chặt trẻ, có thể gây khó khăn cho việc hô hấp ở trẻ. Ngoài ra, cả bé và mẹ trong quá trình hô hấp sẽ thải ra một lượng khí CO2 nhất định và không dễ khuyếch tán ra ngoài. Bên cạnh đó, lượng khí O2 ở ngoài vào phòng ít, không cung cấp đủ O2 cho trẻ. Vì vậy, tốt nhất bạn nên đặt trẻ ngủ riêng trong cũi, gần giường của mẹ để có thể đảm bảo an toàn cho bé khi ngủ.
- 3
Sự cố từ những tác nhân bên ngoài
Da của trẻ sơ sinh còn non yếu và rất nhạy cảm, vì thế khi giặt, phơi và cuốn tã lót, hoặc mặc quần áo cho trẻ, cha mẹ nên chú ý dùng các chất liệu mềm, phơi ở nơi thoáng mát có ánh nắng để khử trùng, tránh để côn trùng bám vào tã lót của trẻ.
Cha mẹ cũng cần chú ý không để những vật nguy hiểm: sắc nhọn, điện, vật gây cháy, bỏng… gần trẻ, vì bất cứ lúc nào chúng cũng có thể gây nguy hiểm cho trẻ.