Hướng dẫn lịch khám thai và tiêm phòng khi mang thai
(Giúp bạn)Để được mẹ tròn con vuông, một trong những việc quan trọng nhất là theo dõi chặt chẽ thai kỳ bằng cách đi khám ít nhất 3 lần. Với các trường hợp có thai sau khi điều trị vô sinh, điều này càng trở nên cần thiết nhằm phát hiện và can thiệp kịp thời những bất thường có thể xảy ra.
- 1
Lịch khám thai:
Mục đích của khám thai định kỳ là theo dõi sự phát triển, thay đổi của mẹ hay tình trạng bệnh lý của mẹ như cân nặng, ăn uống, nám mặt, sạm da, cao huyết áp do thai, bệnh tim mạch... và phát hiện những bất thường của thai.
Thai kỳ phát triển qua 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn được gọi là 1 tam cá nguyệt, tương ứng với 13 tuần.
- Tam cá nguyệt đầu (3 tháng đầu): Từ khi mang thai đến khi thai tròn 3 tháng. Đây là thời kỳ hình thành và hoàn thiện các cơ quan của thai nhi.
- Tam cá nguyệt thứ hai (3 tháng giữa): Là giai đoạn tăng trưởng, nếu tình trạng thai chậm phát triển xảy ra trong thời kỳ này thì thường rất nặng.
- Tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối): Là giai đoạn tăng trọng, thường xuất hiện những biến chứng của thai kỳ như cao huyết áp do thai, tiền sản giật, chảy máu âm đạo do nhau tiền đạo...
Lịch khám tùy thuộc vào tuổi thai hay các vấn đề của từng tam cá nguyệt. Lần khám đầu tiên bắt đầu vài ngày sau khi mất kinh hay trễ kinh. Đây là lần khám rất quan trọng, nhất là với những người từng sẩy thai trước đó, vì bác sĩ sẽ tập trung đánh giá sức khỏe của mẹ và xác định vấn đề mang thai. Từ đó đến khi được 28 tuần, thai phụ sẽ đi khám 4 tuần/lần, tiếp theo là giai đoạn khám 2 tuần/lần (đến 36 tuần tuổi). Giai đoạn cuối cùng, thai phụ phải đến gặp bác sĩ hằng tuần. Với những thai kỳ có vấn đề như ra huyết, dọa sinh non, mẹ có bệnh lý..., bác sĩ sẽ cho lịch khám riêng.
- 2
Tiêm phòng và xét nghiệm
Trong quá trình khám thai, người mẹ sẽ được tiêm phòng uốn ván với 2 mũi, cách nhau 1 tháng, mục đích là phòng ngừa uốn ván rốn cho trẻ sơ sinh. (Mũi thứ hai tiêm sau thứ nhất ít nhất 4 tuần (một tháng) và mũi thứ hai phải tiêm trước ngày đẻ ít nhất một tháng thì mới bảo đảm kết quả phòng tránh được bệnh).
Các xét nghiệm cần làm trong thai kỳ gồm: xét nghiệm nhóm máu, Hemoglobin (xác định tình trạng thiếu máu, thiếu sắt), đường trong máu, bệnh lây truyền qua đường tình dục (như viêm gan B, giang mai, HIV, lậu...).
Thai nghén không buộc người mẹ từ bỏ mọi hoạt động bình thường. Họ vẫn có thể đi làm, tập thể dục buổi sáng, chơi các môn thể thao nhẹ. Nhưng nếu bị dọa sẩy thai hay có tiền căn sẩy thai liên tiếp, nên nghỉ ngơi tuyệt đối và có sự tham vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Trong ba tháng đầu và sau tháng thứ 8, nên tránh quan hệ vợ chồng hay đi xa, để phòng sẩy thai hay chuyển dạ sinh bất ngờ.